Chừng nào Sở GD quản lý trung tâm GDNN-GDTX mới giải quyết hết được bất cập

12/07/2022 09:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gặp nhiều bất cập, Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX huyện Tủa Chùa kiến nghị và chỉ rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nên giao Sở Giáo dục quản lý trực tiếp trung tâm.

Còn nhiều bất cập sau sáp nhập

Sau một thời gian triển khai mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, một số địa phương đồng loạt “than khó”, Sở Giáo dục và Đào tạo khó trong quản lý, các trung tâm cũng không ít “nỗi niềm”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Sỹ Tường (Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên luôn là một bộ phận hữu cơ của hệ thống giáo dục quốc dân, trở thành bộ phận chủ chốt trong hệ thống giáo dục ngày nay trên hành trình hướng tới học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Với định hướng phát triển xã hội học tập, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư. Đây là cơ sở để tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển cho cả hệ thống.

Tuy nhiên, ở một số bộ phận vẫn hiểu chưa đúng về hệ thống giáo dục này. Cơ sở hạ tầng miền núi, cơ sở sản xuất kinh doanh chậm phát triển là rào cản lớn để tìm đầu ra cho người lao động đã qua đào tạo…”.

Ông Lê Sỹ Tường (Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa - Điện Biên). (Ảnh: FBNV).

Ông Lê Sỹ Tường (Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa - Điện Biên). (Ảnh: FBNV).

Ông Lê Sỹ Tường cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà bản thân trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa đang gặp phải.

“Sau khi sáp nhập, trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc ví như, giáo viên cơ hữu giảng dạy giáo dục thường xuyên và giáo viên dạy nghề còn thiếu cả về số lượng và cơ cấu; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp… Nguồn kinh phí cấp hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu, kế hoạch đào tạo được giao.

Bên cạnh đó, phải kể đến việc chậm phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, chưa thực hiện tốt dẫn đến việc tuyển sinh văn hóa chưa đạt. Cộng thêm chế độ chính sách của học viên trong độ tuổi học phổ thông cũng không có nên việc huy động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn.

Sau khi sáp nhập, hình thành các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cho đến nay vẫn chưa có Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của các trung tâm. Và việc chậm ban hành Thông tư quy định xếp hạng các trung tâm nên quá trình tổ chức thực hiện chưa có thống nhất chung trong cả nước. Từ đó, dẫn đến việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, nhiều khó khăn”, thầy Tường nhấn mạnh.

Kiến nghị, đề xuất trong bối cảnh mới

Từ những bất cập vừa nêu, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa có một số kiến nghị, đề xuất cụ thể.

“Chúng ta cần tiếp tục coi trọng và nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hệ thống giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các chính sách để phát triển bền vững. Cần tạo cơ chế mở để các trung tâm được mở rộng liên kết với các trường đại học uy tín đưa khoa học, công nghệ đến người lao động.

Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của các Bộ liên quan cần phải nhất quán, kịp thời.

Đối với các Bộ liên quan, đề nghị sớm ban hành Thông tư quy định xếp hạng các trung tâm, Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của các trung tâm. Cùng với đó, Chính phủ có chế độ hỗ trợ chính sách đối với học viên trong độ tuổi học trung học phổ thông tại trung tâm.

Đối với các Sở, ban ngành, địa phương liên quan, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề; cấp kinh phí đào tạo theo kế hoạch được giao. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên dạy nghề và tiến hành phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với kế hoạch của tỉnh”, thầy Tường nói.

Hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa. (Ảnh: TTCC).

Hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa. (Ảnh: TTCC).

Vì sao trung tâm muốn về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý chung?

Ngoài những đề xuất, kiến nghị nêu trên, ông Lê Sỹ Tường cho rằng, nên giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý các trung tâm này, vì các lý do sau:

Về cơ sở pháp lý để giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp trung tâm:

Một là, Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (khoản 2 Điều 44 và khoản 2 Điều 105).

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 4: “2. Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: a) Trung tâm giáo dục thường xuyên; b) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; c) Trung tâm học tập cộng đồng; d) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.”.

Khoản 2, Điều 105: “2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.”.

Hơn nữa tại khoản 3 Điều 65 quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Cụ thể: “3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, trừ trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.”).

Do vậy, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng miễn là không trái với quy định tại các văn bản Luật khác.

Hai là, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/9/2018 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó tại khoản 8, Điều 4 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ban hành quy chế tổ chức và hoạt động cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cụ thể: “8. Ban hành điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong và ngoài nhà trường.”

Do đó, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và trung tâm chỉ chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trung tâm đặt trụ sở.

Nghị định số 127/2018/NĐ-CP chỉ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình trường đối với các cơ sở giáo dục công lập, tư thục theo quy định, bao gồm: trường trung cấp sư phạm, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và cấp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định.

Do đó, theo Nghị định số 127/2018/NĐ-CP thì việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay mới có trong Luật Giáo dục 2019, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP chưa quy định cho loại hình trung tâm này.

Ba là, khoản 7 Điều 12 của Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo là “7. Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên của các trung tâm cấp huyện theo quy định". Cũng như các trường trung học phổ thông, để thực hiện thống nhất quản lý chuyên môn đồng bộ với các điều kiện đảm bảo chất lượng khác đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thì trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp trung tâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp. Điều này, giúp giảm đầu mối quản lý, thống nhất quản lý hoạt động chuyên môn gắn với quản lý con người, tài chính, cơ sở vật chất tại các trung tâm, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW.

Bốn là, sửa đổi hay hủy bỏ Điều 7 trong Thông tư liên tịch số 39 về sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện, Điều này quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Do vậy, cần xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ sửa đổi nội dung này trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Năm là, tham khảo các quy định tại khoản 4, Điều 13 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là “a) Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc; b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận, không công nhận Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn theo đề nghị của những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.”.

Tham khảo 02 điểm trên của Luật Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, hiện nay để có tính phù hợp, tương đồng với cơ chế quản lý đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp thì Dự thảo Thông tư cần quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Do đó, việc giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp, toàn diện trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định dưới Luật khác.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 19/NQ-TW chỉ đạo “Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.” Điều này chỉ ra rằng, trên mỗi địa bàn cấp huyện chỉ có một trung tâm là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Nghị quyết 19/NQ-TW không đề cập tới cơ chế quản lý trung tâm như thế nào. Điều quan trọng nhất là việc đề ra cơ chế quản lý trung tâm phải thực sự hiệu quả, giảm được đầu mối quản lý, điều này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước quyết định theo Luật định.

Trên cơ sở thực tiễn giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp trung tâm:

Trước khi có hướng dẫn việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo Thông tư liên tịch số 39/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV thì mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên đã có các chức năng dạy nghề và các trung tâm này đều do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp, toàn diện về cơ sở vật chất, con người và chuyên môn.

Việc sáp nhập các trung tâm theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39 trong đó có 01 bất cập lớn nhất là trung tâm này do nhiều đầu mối quản lý (03 cơ quan quản lý là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp huyện), điều này đã phát sinh ra nhiều vướng mắc về cơ chế quản lý, các chế độ của giáo viên và cán bộ quản lý.

Lễ công bố quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa vào tháng 8/2018. (Ảnh: TTCC).

Lễ công bố quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa vào tháng 8/2018. (Ảnh: TTCC).

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên hằng năm; triệt tiêu cơ chế thi đua giữa các trung tâm trên địa bàn tỉnh; không luân chuyển, điều phối, bố trí cán bộ, giáo viên được giữa các trung tâm để các trung tâm hỗ trợ nhau về hoạt động chuyên môn.

Thứ hai, khó bố trí công tác cán bộ đối với các Giám đốc trung tâm sau khi kết thúc 02 nhiệm kỳ. Do đó, nhiều địa phương (cấp huyện) đã bố trí cán bộ không đúng tiêu chuẩn sang trung tâm làm Giám đốc như: Trưởng các phòng ban của huyện không có kinh nghiệm về giáo dục; cán bộ cấp huyện bị điều động, luân chuyển tạm thời sau các kỳ đại hội khiến người đứng đầu các trung tâm không ổn định, trung tâm khó phát triển.

Thứ ba, việc giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn không gắn liền với việc giao kinh phí hoạt động nên khó khăn trong thực hiện các mục tiêu giáo dục; việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn này phải báo cáo nhiều đầu mối quản lý, ý kiến của các bên không đồng bộ, thống nhất nên cơ chế này vô hình trung cản trở chất lượng và hoạt động của mô hình trung tâm vốn cần phải năng động, mở. Do 03 cơ quan quản lý khác nhau nên phát sinh nhiều cuộc họp; trung tâm phải báo cáo nhiều đầu mối, thời điểm báo cáo lại khác nhau theo năm tài chính và theo năm học.

Thứ tư, về chế độ, chính sách của cán bộ quản lý trung tâm. Trước khi sáp nhập, Giám đốc trung tâm có phụ cấp là 0,6, 0,7, 0,8 (tùy theo thứ tự xếp hạng trung tâm). Sau khi sáp nhập, các trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, trách nhiệm của Giám đốc nhiều hơn nhưng phụ cấp lại ít đi. Một trong các bất cập này là vì cơ chế quản lý các trung tâm này trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, phụ cấp Giám đốc không thể hơn các phòng ban của huyện.

Điều này, dẫn đến bất cập trong chế độ của cán bộ không giải quyết được khi hiện nay nếu vẫn giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trung tâm. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bức xúc, kiện cáo hiện nay tại các địa phương. Việc nếu Thông tư giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý con người, chuyên môn giáo dục thường xuyên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp sẽ giải quyết tận gốc các bất cập trên.

Thứ năm, riêng đối với giáo viên tại các trung tâm, đặc biệt là giáo viên dạy văn hóa, nếu trung tâm được giao về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, có điều kiện phát triển chuyên môn, phát triển nghề nghiệp giáo viên; được tham gia các hoạt động chuyên môn thường xuyên gắn với hoạt động chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với hoạt động chuyên môn của giáo viên các trường trung học phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh như: nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên… Giáo viên dạy nghề được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý về hoạt động chuyên môn giáo dục nghề nghiệp.

Ngân Chi