Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có dòng sông Nho Quế nên thơ và những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Trái ngược với sự thơ mộng đó, cuộc sống của người dân bản địa vẫn còn nhiều khó khăn khi sinh sống trên địa hình núi đá vôi. Trong đó, khó khăn nhất là về nguồn nước sinh hoạt, người dân tích trữ nước từ nước mưa hoặc khe suối.
Cùng chung những khó khăn về nước sinh hoạt, nhiều điểm trường ở nơi đây cũng chưa có nhà vệ sinh khép kín.
Điểm trường mầm non Sàng Sò là nơi khó khó khăn nhất của xã Sủng Trà khi vẫn chưa có điện cùng nhà vệ sinh khép kín. Nhà vệ sinh "lộ thiên" nơi đây được đào hố trên mỏm đồi và được quây tôn.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến (43 tuổi) chia sẻ, hiện tại Điểm trường mầm non Sàng Sò có 2 lớp với 48 trẻ. Các trẻ đều ăn bán trú tại lớp. Nước sinh hoạt nơi đây được tích trữ trong ba téc nước, vào mùa hanh khô, phụ huynh thay nhau mang nước đến điểm trường. Mỗi ngày cô và trò dùng tiết kiệm hết khoảng 80 lít nước.
“Điểm trường chưa có điện, mỗi lớp có một đèn năng lượng mặt trời nhưng cũng không đủ ánh sáng. Việc nấu cơm canh được được đun bằng bếp ga”, cô Xuyến chia sẻ.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm, nếu như trước đây, trẻ đi vệ sinh “lộ thiên” ở phía sau lớp học cách khoảng 100 mét, vừa qua đã được quây tôn và đắp hố.
“Những ngày mưa gió, cô giáo sẽ che ô cho trẻ đi vệ sinh, còn nếu mưa bão, giáo viên sẽ bế trẻ”, cô Xuyến chia sẻ.
Cô Xuyến cho hay, vào năm ngoái, nhà trường kêu gọi đoàn từ thiện để xây dựng nhà vệ sinh nhưng người dân không hiến tặng đất nên chưa xây dựng được.
Chia sẻ về khó khăn sau Tết, cô Xuyến nói, do nhà của của các bé ở xa nên sau Tết các em được bố mẹ cho đi lên nương cùng. Để vận động cho trẻ đến lớp, cô phải xách dép, xắn quần đến gia đình các bé. Có gia đình nói rằng, việc cho con đi học mất thời gian nên họ không cho đi.
Gắn bó với Điểm trường mầm non Hấu Chua 1 (xã Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc) đã được 3 năm, cô Lù Thị Phúc chia sẻ, vào năm 2022 nơi đây có điện nhưng đến nay vẫn chưa có nhà vệ sinh khép kín, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được lấy từ nước mưa chứa trong bể khoảng hơn 2 mét khối.
Lớp của cô Phúc có 23 trẻ (từ 3-5 tuổi), sát ngay kế bên là điểm trường tiểu học nhưng cũng chưa có nhà vệ sinh.
“Tôi lấy một chậu nước và lấy một khăn mặt rửa mặt cho mỗi cháu, một chậu nước nữa để rửa chân. Nước rửa xong để lại dùng lau sàn nhà. Nơi vệ sinh của các bé là ở khu vực bìa rừng, cách lớp học khoảng 200 mét”, cô Phúc chia sẻ.
Đến khoảng 9h, giáo viên sẽ cho các bé đi vệ sinh và lần tiếp theo là khoảng 10h, học sinh khối tiểu học cũng đi chung tại khu vực này. Vào những ngày mưa gió, cô giáo sẽ che ô cho các bé.
“Có lần, tôi cho bé đi vệ sinh, chưa kịp ra đến nơi thì bé đi vệ sinh ra quần…”, nữ giáo viên nhớ lại và cho biết thêm, những hộ dân gần đó cũng chưa có nhà vệ sinh, nên không cho trẻ đi nhờ được.
Cô Phúc chia sẻ, do chưa có nhà vệ sinh nên cô phải hạn chế uống nước tối đa. Vào buổi sáng, cô Phúc mang bánh mỳ hoặc bánh bao đến lớp để ăn sáng, kèm theo đó là mang cơm nấu sẵn từ nhà cho bữa trưa.
“Một ngày tôi chỉ uống một đến hai cốc nước. Đến lớp, nhiều lúc giáo viên cũng phải nhịn đi vệ sinh”, cô Phúc nói.
Cô Sùng Thị Say (Hiệu trưởng Trường Mầm non Giàng Chu Phìn) cho biết, nhà trường có 15 điểm trường và một trường chính, trong đó chỉ có trường chính được xây dựng nhà vệ sinh từ ngân sách nhà nước, các điểm còn lại đều được kêu gọi xã hội hoá từ các tổ chức, đoàn thể. Đến nay, còn 3 điểm trường chưa có nhà vệ sinh.
Về phía Uỷ ban nhân dân huyện cũng cho các trường rà soát về nhu cầu nhà vệ sinh nhưng kinh phí của địa phương còn hạn chế, nên việc xây dựng phải ưu tiên từ những vùng khó khăn.
“Mới đây, các mạnh thường quân đã trao tặng tiền để xây dựng nhà vệ sinh tại 2 điểm trường là Há Đề 1 và Đề Lảng 2, còn Điểm trường mầm non Hấu Chua 1 chưa có đất để xây dựng”, cô Say chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, kinh phí để xây dựng một nhà vệ sinh khoảng 30 - 60 triệu đồng (nhà vệ sinh một gian và hai gian).
Cô Lê Thị Dung (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sủng Trà) cho hay, nhà trường có 9 điểm trường và trường chính, trong đó 2 điểm trường có nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp. Cách đây một, hai năm, về phía huyện cũng có về khảo sát tại các điểm trường nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng.
“Chúng tôi mong các mạnh thường quân hỗ trợ giúp nhà trường có nhà vệ sinh để cô và trò thuận lợi trong quá trình giảng dạy, học tập”, cô Dung chia sẻ.
Thầy Bùi Văn Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết, vào năm ngoái huyện có Đề án rà soát công trình vệ sinh trên địa bàn huyện, trong đó có ngành giáo dục. Từ đó đến nay cũng có một số công trình được xây dựng qua kêu gọi từ thiện và xây dựng từ ngân sách huyện phân bổ, được bố trí từ chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc từ nguồn tỉnh cấp...
Về số lượng nhà vệ sinh trên địa bàn huyện được xây dựng từ ngân sách, thầy Thư cho hay, nội dung này thuộc quản lý của Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện hoặc Phòng kinh tế - hạ tầng.
"Phòng Giáo dục và Đào tạo là đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về những nơi còn thiếu nhà vệ sinh. Đến nay, qua thống kê, các trường học trên địa bàn huyện còn thiếu 94 nhà vệ sinh, trong đó cấp mầm non là 38, tiểu học là 22, trung học cơ sở là 30, tiểu học và trung học cơ sở là 4", thầy Thư chia sẻ.