Chuẩn CSGDĐH là cơ hội để trường đặc thù chuẩn hóa số lượng, trình độ giảng viên

27/03/2024 06:21
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Lãnh đạo một số trường ĐH đào tạo đặc thù về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nêu ra những khó khăn, thuận lợi, giải pháp để thực hiện Thông tư 01. 

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình và góp ý từ nhiều đại học, trường đại học trên cả nước, đặc biệt là từ những trường đào tạo đặc thù về thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật.

Giúp các trường có thêm mục tiêu phấn đấu, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng bày tỏ, so với Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục đại học trước đó, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã cụ thể, chi tiết hơn, đặc biệt là có tiêu chuẩn dành riêng cho các trường đào tạo ngành đặc thù. Trong đó, có tiêu chuẩn về tỷ lệ giảng viên.

San golf638170602797265604.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng).

Thầy Long cho rằng, quy định dành cho các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ như Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng phải có tối thiểu 5% giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ và từ năm 2030 không thấp hơn 10% là phù hợp, không phải là tiêu chuẩn quá cao đối với một cơ sở giáo dục đại học.

Bởi, bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào nếu có đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh học hàm là giáo sư, phó giáo sư ít sẽ là một thiệt thòi lớn, ảnh hưởng đến việc đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học của chính đơn vị đó.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, hiện nay, một số trường đại học đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng chương trình đào tạo tiến sĩ đối với một số ngành vì không đủ lực lượng giáo sư và phó giáo sư giảng dạy. Điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao của một số ngành nghề trong tương lai.

Hơn nữa, việc xác định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT cũng giúp cho các cơ sở đào tạo nói chung và các trường đại học đào tạo đặc thù về thể dục thể thao nói riêng có thêm mục tiêu phấn đấu, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai. Cũng theo thầy Long, quy định này tuy sẽ khó đối với một số trường đặc thù nhưng các cơ sở sẽ vẫn sẽ cố gắng và đảm bảo đạt được tỷ lệ như vậy.

Thầy Long chia sẻ, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng là trường đào tạo đặc thù về thể dục thể thao với 03 ngành gồm: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao và Quản lý thể dục thể thao, với gần 20 chuyên ngành đào tạo. Về đào tạo bậc sau đại học, nhà trường đào tạo chương trình thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục thể chất và đang triển khai đề án đào tạo tiến sĩ.

Đối với nhà trường, việc có quy định về tỷ lệ giảng viên như vậy càng có ý nghĩa với mục đích chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cả về số lượng, trình độ để thực hiện đề án đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới theo lộ trình của chiến lược phát triển trường của hội đồng trường Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng.

Mặt khác, thầy Long thông tin thêm, trong nhiều năm qua chiến lược xây dựng, phát triển của nhà trường luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu nhằm nâng cao trình độ. Chính vì vậy, hàng năm, trong các nghị quyết, kế hoạch phát triển trường của Hội đồng trường đều đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Đồng thời, nhà trường cũng có những cơ chế động viên, khuyến khích những giảng viên trẻ, có năng lực đăng ký tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước để chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ những sự nỗ lực như vậy, hiện đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường đã đạt tỷ lệ hơn 35% có trình độ tiến sĩ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cũng đưa ra ý kiến góp ý về quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đối với các trường đại học đặc thù có đào tạo tiến sĩ tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới ban hành.

Cụ thể, các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ phải có tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% (tính từ năm 2025) và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.

Thầy Hưng cho rằng, tiêu chuẩn này đối với các trường đào tạo ngành đặc thù vốn cũng đã thấp hơn so với các đơn vị khác. Vậy nên, dù có khó khăn, bản thân các trường cũng phải cố gắng phấn đấu để đạt được.

z4988052520191_693cf3cd6a88f4f0cd40d26aed111112.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương (Ảnh: NVCC).

Đối với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện đang có 224 giảng viên toàn thời gian nhưng đã có đến 39 người có trình độ tiến sĩ, chiếm khoảng 17,4% trên tổng số. Như vậy, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của nhà trường đã vượt qua cả quy định trên. Tuy nhiên, trường vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt được tỷ lệ này cao hơn nữa.

“Chúng tôi luôn tự hào là một đơn vị đào tạo đặc thù về nghệ thuật với tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tương đối cao so với những cơ sở đào tạo nghệ thuật khác. Bởi, từ những năm trước, nhà trường luôn chú trọng vào việc phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là luôn ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ tiến sĩ, có năng lực nghiên cứu”, thầy Hưng chia sẻ.

Thầy Hưng cho biết thêm, hiện nhà trường đang đào tạo 3 mã ngành đào tạo tiến sĩ đang phấn đấu tiếp tục mở thêm một số mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ nữa.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Bảo – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2023, số chỉ tiêu biên chế viên chức của Trường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao là 170 chỉ tiêu, trong đó, số viên chức có mặt (tính đến ngày 31/12/2023) là 142 người. Trong tổng số những viên chức có mặt này, trường có 38 người có trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 26,7%.

Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2023, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đã đạt 26.7% trên tổng số biên chế, vượt chỉ tiêu được quy định tại Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Mặt khác, theo Phó Giáo sư Vũ Việt Bảo, đối với các trường đại học đào tạo đặc thù, giảng viên thường chú trọng đến chuyên môn chứ ít quan tâm tới học vị, học hàm. Điều này đã dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc kiện toàn đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.

Do đó, với khối ngành đặc thù như văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, nhà nước cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, nhà khoa học giỏi, chuyên gia nước ngoài trong công tác đào tạo, đồng thời, có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí cũng như sinh hoạt phí cho những nghiên cứu sinh của các lĩnh vực này.

Cần lưu ý trong việc xây dựng mạng lưới các trường đại học đào tạo đặc thù về nghệ thuật

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng nêu ra một số khó khăn về đội ngũ giảng viên đối với các trường đại học đào tạo nghệ thuật đặc thù hiện nay.

Theo thầy Hưng, thực trạng chung của các trường đại học đào tạo nghệ thuật là còn gặp nhiều khó khăn do số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực phần lớn của các trường chưa đáp ứng được trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đặc biệt là cơ cấu, số lượng giảng viên vẫn chưa được đồng đều giữa các ngành/chuyên ngành nghệ thuật. Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có những ngành có truyền thống phát triển lâu đời về mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa bao giờ cũng thuận lợi hơn trong việc có đội ngũ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ so với một số ngành như Thiết kế thời trang, Diễn viên kịch - Điện ảnh mới mở.

spmt6.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương).

Hơn nữa, trước khi được đào tạo nghiên cứu sinh, chủ yếu những giảng viên của các cơ sở đào tạo nghệ thuật là những nghệ sĩ vốn được đào tạo thực hành nhiều, ít về nghiên cứu. Vậy nên, số lượng công bố bài báo quốc tế, các đề tài khoa học công nghệ của họ còn hạn chế.

Tuy nhiên, khó khăn này trong những năm gần đây đã có sự linh hoạt hơn từ hội đồng giáo sư nhà nước như cho phép quy đổi những công bố bài báo sang những tác phẩm, chương trình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng đến xã hội, công chúng; những tác phẩm đạt giải. Vì đây mới chính là sở trường của những người làm nghệ thuật.

Thêm nữa, giảng viên của các trường đào tạo nghệ thuật đặc thù còn gặp khó khăn về việc tiếp cận, khả năng về ngoại ngữ không cao. Đối với khó khăn này, hiện nhà trường đã và đang có những chương trình khuyến khích các giảng viên tham gia các câu lạc bộ về tiếng Anh để phát triển kiến thức về ngoại ngữ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ.

Mặt khác, theo thầy Hưng, hiện một số cơ sở giáo dục đại học mới thành lập hoặc tư thục có mở đào tạo ngành nghệ thuật với nhiều chính sách ưu đãi tuyển dụng về tài chính để thu hút đội ngũ giảng viên nghệ thuật có trình độ cao.Đáng nói, không phải cơ sở nào cũng có và có thể có ngay được môi trường nghệ thuật. Bởi, môi trường nghệ thuật được xây dựng từ uy tín, bề dày và thương hiệu của nhà trường.

Không giống những lĩnh vực khác, trong nghệ thuật, việc có một môi trường nghệ thuật để phát triển nghề nghiệp là rất quan trọng. Hầu hết các trường đào tạo nghệ thuật đặc thù như Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đều không có nguồn tài chính lớn. Thế nhưng, nhà trường luôn thu hút được đội ngũ giảng viên có trình độ cao vì đã tạo điều kiện để họ được phát triển năng lực nghề nghiệp và hoạt động nghề, giao lưu với các đơn vị nghệ thuật trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhà trường vẫn luôn cố gắng giữ ổn định tài chính để đảm bảo kinh tế - đời sống cho giảng viên.

Cũng theo thầy Hưng, để các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nghệ thuật được thực sự phát triển đúng hướng, nhà trường cần lưu ý trong việc xây dựng mạng lưới đối với các đơn vị này.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng một đại học nghệ thuật quốc gia trên ba khu vực Bắc, Trung, Nam được gắn kết của các cơ sở đào tạo nghệ thuật thành một chỉnh thể để đào tạo được sâu, lâu và dài thay vì như hiện nay sẽ rất dễ bị manh mún.

Ngoài ra, công tác tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cũng cần phải minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho họ phát triển nhiều hơn nữa.

Khánh An