Chứng chỉ CDNN theo hạng sau 30/6/2022 vô giá trị, cơ sở bồi dưỡng giờ an yên?

04/06/2023 06:36
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chứng chỉ sau ngày 30/6/2022 không có giá trị, GV mất tiền oan cho các cơ sở đào tạo, thầy cô có thể có thể tìm hiểu để đòi quyền lợi chính đáng.

Thời gian gần đây, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nhiều giáo viên vô cùng bức xúc vì họ đã bỏ tiền túi, thời gian học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng I, II, III và được cấp sau ngày 30/6/2022 sẽ không có giá trị.

Vì sao giáo viên vẫn học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng trong năm 2022, 2023?

Ngày 18 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Tại khoản 2 Điều 1 quy định giáo viên chỉ còn duy nhất chứng chỉ Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Tức, kể từ ngày 10/12/2021, đã không còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng như trước đây, chỉ còn chứng chỉ duy nhất là Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Tuy nhiên, Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm, xếp lương giáo viên vẫn đang có hiệu lực, mà trong Thông tư 01-04 này, quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Theo người viết, đây là cơ sở để các trường “vét” mở các lớp chiêu sinh bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng, mặc dù theo Nghị định 89 của Chính phủ từ cuối năm 2021 đã không còn loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng này.

Và vì lo lắng, mong được bổ nhiệm, xếp lương mới nên giáo viên cũng theo quy định của chùm Thông tư 01-04/2021 nên đã học chứng chỉ sau ngày 30/6/2022, nay không còn giá trị thì quá thiệt thòi cho giáo viên.

Mốc thời điểm 30/6/2022 khiến nhiều giáo viên băn khoăn, tâm tư

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản tại 04 Thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT , 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định “Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.”

Có nghĩa, những giáo viên nếu học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng được cấp sau ngày 30/6/2022, thì những chứng chỉ này là vô giá trị, phải bị mất tiền oan uổng.

Theo tôi, Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng không có giá trị là phù hợp với Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, mốc thời điểm 30/6/2022 khiến nhiều giáo viên băn khoăn, tâm tư.

Nếu theo Nghị định 89/2021 thì phải quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên từ 10/12/2021 trở về sau không còn giá trị?

Giáo viên băn khoăn lý do nào Thông tư 08 chọn mốc 30/6/2022 mà không chọn mốc 30/5/2023 (Thông tư 08/2023 có hiệu lực) hay 10/12/2021 (Nghị định 89/2021 có hiệu lực) ?

Cơ sở bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thu tiền giờ an yên?

Một điều rất quan trọng để giáo viên mất tiền oan uổng vì học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng I, II, III của cấp mầm non, phổ thông chính là việc chiêu sinh, mở các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các trung tâm, trường đại học.

Vì, theo Nghị định 89/2021 của Chính phủ thì từ 10/12/2021, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng đã không còn mà chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mới.

Về lý, từ 10/12/2021, các cơ sở được cấp phép cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông các hạng I, II, III phải dừng lại và chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền để bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức mới theo Nghị định 89/2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, lướt các trang web của các trung tâm, trường đại học vẫn chiêu sinh các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng sau ngày 30/6/2022, thậm chí chiêu sinh, mở lớp trong năm 2023.

Dưới đây là một số hình ảnh về một số cơ sở chiêu sinh lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng sau ngày 30/6/2022:

Đến tháng 4, các cơ sở đào tạo vẫn đăng tuyển chiêu sinh lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng. Ảnh chụp màn hình thông báo chiêu sinh.
Đến tháng 4, các cơ sở đào tạo vẫn đăng tuyển chiêu sinh lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng. Ảnh chụp màn hình thông báo chiêu sinh.

Giáo viên vì tin tưởng các trung tâm, cơ sở giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên nên mới đăng ký học, tốn thời gian, kinh phí không hề nhỏ.

Nay, Thông tư 08/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng từ 30/6/2022 không có giá trị, vậy ai sẽ đền bù học phí thời gian cho giáo viên để học chứng chỉ coi như vô bổ trên?

Với giá 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng từ 2-3 triệu, từ thời điểm 30/6/2022 không biết đã có bao nhiêu giáo viên từ mầm non, phổ thông bỏ tiền túi học chứng chỉ vô giá trị này với hy vọng được bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có giá trị từ ngày 30/6/2022 thì các cơ sở giáo dục đào tạo, cấp chứng chỉ sau ngày 30/6/2022 phải chịu trách nhiệm vì cấp chứng chỉ không có giá trị sử dụng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam