LTS: Sau khi tiếp nhận những ý kiến về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới của Ban phát triển các chương trình môn học, cô giáo Phan Tuyết đưa ra một kiến nghị để đánh giá chương trình hiệu quả và chính xác hơn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thế là sau một tháng thử nghiệm chương trình ở một số tỉnh thành trong cả nước, và sau khi khảo sát lấy ý kiến góp ý của toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý trường học, Ban phát triển các chương trình môn học đã có những ý kiến góp ý về tính khả thi của chương trình.
Thành công là do chương trình tốt, thất bại là lỗi của giáo viên
Cụ thể, chương trình các môn học đã xác định đúng các phẩm chất và năng lực mà môn học hình thành, phát triển cho học sinh.
Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh.
Ở phần thực nghiệm tiết dạy, có một số ưu điểm như phương pháp tổ chức tiết học hiệu quả, giờ học diễn ra sôi nổi, mới mẻ, học sinh hứng thú với giờ học, hiệu quả giờ học cao, giáo viên linh động, sáng tạo trong cách dạy.
Một giờ dạy học khi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bên cạnh đó, khá nhiều tồn tại được chỉ ra mà lỗi cơ bản thuộc về chính giáo viên.
Đó là, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả.
Trong đó, mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.
Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh.
Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
Thế là chương trình mới cơ bản được đánh giá tốt. Một số tiết học bị đánh giá chưa thành công là do giáo viên chưa biết vận dụng, chưa nắm chắc các phương pháp, chưa nắm vững nội dung chương trình và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh.
Cần những tiết dạy thị phạm từ nhà biên soạn và các chuyên gia
Mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trực tiếp hỗ trợ giáo viên về chương trình mới |
Không ai nắm chắc nội dung kiến thức bằng những nhà biên soạn chương trình.
Vì thế, thay vì để giáo viên dạy thực nghiệm (điều họ còn hiểu lơ mơ) rồi góp ý điểm được, điểm còn tồn tại thì chi bằng những nhà biên soạn chương trình hãy dạy thị phạm bằng những tiết dạy thực tế trên lớp.
Giáo viên lúc đó sẽ là người dự giờ và đóng góp ý kiến. Chúng tôi tin rằng, sẽ có khá nhiều điều được rút ra từ tiết dạy.
Bởi bao giờ cũng thế, một giáo viên dạy dở nhưng sau khi dự giờ đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm, vững tay nghề chuyên môn cũng sẽ có những góp ý khá hay.
Thế nên những ý kiến được rút ra từ tiết dạy của các chuyên gia hay các nhà biên soạn sẽ là những ý kiến quý báu giúp cho chính họ điều chỉnh được những bất hợp lý từ chương trình.
Mặt khác, chính họ dạy những kiến thức từ phía mình biên soạn ra, hơn ai hết họ sẽ biết nó có hợp lý hay không? Có vừa sức với học sinh chưa? Có phù hợp với người dạy như thế nào?...
Tự mình dạy thực nghiệm khi bị đánh giá chưa hợp lý hoặc chưa thành công cũng chẳng thể đổ lỗi do giáo viên là chưa có kinh nghiệm, chưa biết chọn phương pháp phù hợp, chưa biết tổ chức các hoạt động dạy học linh hoạt, còn làm việc thụ động…
Không gì hiệu quả hơn khi chính các chuyên gia, các nhà biên soạn vừa tổ chức tập huấn cho giáo viên bằng lý thuyết và ngay sau đó thể hiện bằng tiết dạy thực hành.
Nói được làm được, giáo viên sẽ phải vô cùng nể phục.
Và khi đó dù thế nào, thầy cô cũng phải cố gắng hết mình để đạt được những tiết dạy thành công như thế.