Để chuẩn bị đón nhận chương trình, sách giáo khoa mới, ngành giáo dục Đà Nẵng đã bắt đầu lên kế hoạch để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu, tránh sự lạ lẫm, thiếu tự tin khi bắt tay thực hiện.
Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Giáo viên phải nắm rõ chương trình khung cả khối
Ông Vĩnh cho biết, từ hôm nay (ngày 3/5), Sở sẽ bắt đầu triển khai tập huấn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho giáo viên các bậc học. Theo đó, giáo viên của một lớp học là phải nắm, biết chương trình khung của cả khối.
Giáo viên ở Đà Nẵng sẽ có hai tháng để nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi có cuộc gặp gỡ, trao đổi với những người trực tiếp biên soạn. Ảnh: TT |
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi chương trình bộ môn, chương trình tổng thể khối về rồi. Sở có trách nhiệm xâu chuỗi lại theo từng cấp học và gửi về cho các trường.
Đồng thời, có văn bản yêu cầu các trường triển khai đến từng giáo viên. Để trên cơ sở đó, giáo viên dẫu chỉ dạy lớp 1 thôi nhưng phải xem qua hết chương trình từ lớp 1 đến lớp 5.
Tương tự như vậy, giáo viên dạy lớp 5 dù không dạy các lớp dưới nhưng vẫn phải đọc qua chương trình của các lớp học dưới”.
Cả nước đang kì vọng vào chương trình mới, xin đừng để mọi người phải thất vọng |
Theo ông Vĩnh, mục đích là để giáo viên nắm chương trình giáo dục phổ thông mới nó được viết như vậy.
Tránh hiện tượng là giáo viên lớp nào thì chỉ biết chương trình của lớp đó mà thôi. Như vậy sẽ không thể thấy được tính liên thông, những cái ví dụ, liên tưởng giữa các lớp với nhau.
Trả lời câu hỏi, liệu giáo viên có phải chịu áp lực lớn hay không khi chỉ dạy lớp 1 nhưng phải nắm chương trình của cả bốn lớp còn lại?
Ông Vĩnh khẳng định, giáo viên sẽ không bị áp lực hay ghánh nặng gì? Lý do đây là chương trình tổng thể không phải từng bài chi tiết.
“Nó như một cái khung đại cương và giáo viên cần biết cả khung đại cương đó. Cái khung chương trình chỉ là đại cương thôi, không phải chi tiết nhưng giáo viên phải biết.
Ví dụ đơn giản là có phép so sánh dạy ở lớp 6, lên lớp 8 thì phải dạy phép nhân hóa, lớp 9 là phép ẩn dụ…
Giáo viên biết cái tổng thể đó để thấy tính liên đới của các chương trình của các lớp học với nhau. Cho nên nó không nặng, nó hoàn toàn khác với các bài học cụ thể”, ông Vĩnh nói.
Trao đổi với người biên soạn chương trình
Giáo viên ở Đà Nẵng sẽ có hai tháng nghỉ hè để tự đọc và nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới.
“Đến tháng 8, Sở sẽ mời Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cùng các Giáo sư, Tiến sĩ phụ trách biên soạn các phân môn như: Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống – ban soạn thảo chương trình Ngữ văn…đến trao đổi trực tiếp với giáo viên các bộ môn của các cấp.
Kinh phí đó sẽ do Sở chi trả. Giáo viên học chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được bao cấp hoàn toàn”.
Sách giáo khoa mới xin đừng mắc những lỗi này |
Trong quá trình đó, giáo viên có những khúc mắc gì đối với chương trình, sách giáo khoa mới thì sẽ trực tiếp trao đổi với các Giáo sư ban biên soạn.
“Nếu được các Giáo sư đầu ngành giải thích, tháo gỡ các khúc mắc thì giáo viên sẽ dễ dàng thông hiểu được chương trình mới.
Từ đó, các thầy cô sẽ áp dụng trực tiếp vào công việc giảng dạy. Điều này cũng sẽ giúp các thầy cô vững tin khi bước vào một chương trình mới, cụ thể sắp biên soạn”, ông Vĩnh cho hay.
Với những hoạt động như thế, ngành giáo dục Đà Nẵng hy vọng, giáo viên sẽ chủ động đón nhận chương trình, sách giáo khoa mới một cách bình tĩnh, và không có những phản ánh dạng như: “cái này mới quá” hay “cái này lạ lẫm quá”.
Ngoài ra, qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi với giáo viên trực tiếp giảng dạy, những người được giao nhiệm vụ phụ trách biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới sẽ biết được thực tế đang cần gì, vướng ở chỗ nào. Từ đó, đưa ra những điều chỉnh cho hợp lý.