Chương trình mới giúp buổi chào cờ thành tiết học được học sinh chờ đón

07/11/2023 06:52
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong ký ức tuổi thơ của học sinh hiện nay sẽ không còn hình ảnh những tiết chào cờ nặng nề giáo huấn chỉ còn là những câu chuyện đẹp.

Trong trí nhớ của không ít học sinh, tiết chào cờ đầu tuần hiện lên với những lời "giáo huấn" khô cứng đầy mệt mỏi được lặp đi lặp lại vài lần từ những lời nhận xét, nhắc nhở của giáo viên tổng phụ trách, giáo viên trực tuần và đến cả những thầy (cô) hiệu trưởng.

Học sinh gương mẫu cũng phải chịu trận để lắng nghe những vi phạm của một số bạn trong tuần. Với những học sinh hay mắc lỗi thì buổi lễ chào cờ luôn là nỗi ám ảnh vì sợ bị phê bình, bị bêu tên thậm chí bị đứng trên cờ để cả trường nhận diện.

Kể từ khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường học trong cả nước đã thay những tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần khô khan bằng những chủ đề gần gũi, thú vị cuốn hút học sinh. Không chỉ nội dung sinh hoạt dưới cờ phong phú hơn mà hình thức sinh hoạt cũng hấp dẫn, sôi nổi hơn.

Sau nghi lễ chào cờ, các trường lồng ghép các hoạt động trải nghiệm (Ảnh P.T)

Sau nghi lễ chào cờ, các trường lồng ghép các hoạt động trải nghiệm (Ảnh P.T)

Chuyển biến đầu tiên dễ nhận thấy là, học sinh háo hứng chờ đợi đến tiết sinh hoạt dưới cờ mỗi tuần. Sau mỗi tiết sinh hoạt dưới cờ, các em lại có thêm nhiều hiểu biết lẫn kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện

9 tháng học có 9 chủ đề lớn được thể hiện lồng ghép vào tiết chào cờ đầu tuần. Đó là: chủ đề Em và mái trường mến yêu; Vì một cuộc sống an toàn; Kính yêu thầy cô, thân thiện với bạn bè; Truyền thống quê em; Chào năm mới; Chăm sóc và phát triển bản thân; Yêu thương gia đình, quý trọng phụ nữ; Môi trường xanh, Cuộc sống xanh; Những người sống quanh em.

Mỗi tuần lại có một nội dung khác nhau xoay quanh chủ đề lớn. Ví dụ chủ đề của tháng 10 “Vì một cuộc sống an toàn” sẽ được xuyên suốt trong 4 tuần học của tháng.Tuần 5 sẽ là nội dung: Vì một cuộc sống an toàn. Giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh tham gia đóng hoạt cảnh về các tình huống dễ bị lạc, bị bắt cóc và bị xâm hại.

Các tiết mục văn nghệ đan xen trong phần hoạt động trải nghiệm (Ảnh P.T)

Các tiết mục văn nghệ đan xen trong phần hoạt động trải nghiệm (Ảnh P.T)

Tuần 6: Giới thiệu các hoạt động thường diễn ra ở trường. Thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm/câu hỏi/biển báo/vẽ tranh về an toàn giao thông cùng với việc chia sẻ về an toàn giao thông.

Tuần 7: Nội dung là trò chơi an toàn - nguy hiểm. Hình thức thể hiện là tiểu phẩm hoặc hoạt cảnh nói không với quà rong. Hướng dẫn học sinh tham gia các trò chơi an toàn – nguy hiểm.

Tuần 8: Nội dung thi đội mũ bảo hiểm đúng cách và tổng kết chủ đề về “An toàn cuộc sống”. Hình thức tổ chức là hoạt cảnh về an toàn giao thông, tổ chức thi đội mũ bảo hiểm đúng và nhanh. Ngoài ra, chia sẻ những việc đã làm về việc thực hiện an toàn trong cuộc sống.

Sau phần diễn tiểu phẩm hoặc hoạt cảnh là phần giao lưu trả lời câu hỏi của học sinh toàn trường xoay quanh chủ đề vừa được thể hiện.

Lồng ghép hoạt cảnh về an toàn giao thông (Ảnh P.T)

Lồng ghép hoạt cảnh về an toàn giao thông (Ảnh P.T)

Học sinh là chủ thể, làm chủ các hoạt động giao lưu, hiệu quả giáo dục hơn rất nhiều những bài giảng thụ động

Mở đầu phần Hoạt động trải nghiệm dưới cờ của Trường Tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi, Bình Thuận) với chủ đề “Vì một cuộc sống an toàn”. Một số học sinh khối lớp 4 đã diễn tình huống một bạn nữ sang nhà bạn cùng lớp học nhóm.

Bạn bị người thân của bạn có thái độ sàm sỡ. Câu hỏi để mở: Em sẽ làm gì khi gặp tình huống ấy? Cách nhận diện tình huống, phòng tránh và xử lý đúng cách khi bị sàm sỡ…

Sau mỗi câu hỏi được đặt ra, hàng chục cánh tay từ các khối lớp đã thay nhau xin được trả lời. Những câu trả lời chưa rõ ý sẽ được những học sinh khác hào hứng bổ sung. Những câu trả lời đúng ngoài nhận được tràng pháo tay khích lệ của học sinh toàn trường còn được tặng một phần quà nhỏ.

Tuần 6 cũng với chủ đề “Vì một cuộc sống an toàn”, học sinh khối 5 sẽ diễn tiểu phẩm ngắn về an toàn giao thông, nhận biết về một số loại biển báo và trưng bày một số bức tranh về an toàn giao thông. Ngoài ra, cùng học sinh toàn trường chia sẻ về an toàn giao thông.

Học sinh khối lớp 2 diễn hoạt cảnh “Chỉ tại chiếc nón bảo hiểm hư quai”, kể lại việc hậu quả khi tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm đúng cách. Sau hoạt cảnh, học sinh cả 5 khối lớp đều tham gia trả lời câu hỏi xoay quanh nội dung các bạn vừa thể hiện.

Học sinh trả lời câu hỏi giao lưu (Ảnh P.T)

Học sinh trả lời câu hỏi giao lưu (Ảnh P.T)

Vì sao cha con bị té? Vì sao người cha lại bị u đầu? Để bảo vệ chính mình và đảm bảo an toàn cho người khác, khi tham gia giao thông cần làm gì? Cứ sau mỗi câu hỏi, hàng trăm cánh tay giơ lên hào hứng xin được trả lời.

Để cho phần thể hoạt động trải nghiệm được tốt, trước đó học sinh khối lớp đảm nhận đã được giáo viên cho chuẩn bị các nội dung khá chu đáo. Học sinh tỏ ra khá hào hứng trong những hoạt động thế này. Em Hải Đăng, học sinh lớp 5B chia sẻ: “Tụi con đang tập hoạt cảnh để diễn trong buổi chào cờ đầu tuần cô ạ”.

Cứ nhìn những cánh tay học trò các lớp giơ cao, mong muốn được trả lời sau mỗi câu hỏi giao lưu được học sinh nêu lên, mới thấy được những tiết Hoạt động trải nghiệm dưới cờ hiệu quả thế nào.

Một tiết chào cờ đầu tuần vui, bổ ích sẽ tạo cho học sinh, giáo viên một tinh thần thoải mái giúp cho việc học tập, sinh hoạt trong một tuần đạt kết quả tốt.

Thông qua những tiết sinh hoạt dưới cờ như vậy, đã góp phần phát huy năng lực của học trò, cũng như lồng ghép việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho các em một cách nhẹ nhàng nhưng vô cùng hiệu quả.

Rồi đây, trong ký ức tuổi thơ của mỗi học sinh sẽ không còn hình ảnh về những tiết chào cờ nặng nề của sự giáo huấn, chỉ trích. Sẽ lưu giữ mãi những câu chuyện đẹp, những bài thơ hay, những tình huống có vấn đề thử tài xử lý và những giây phút hào hứng, sôi động của tuổi học trò.

Những bài học đáng nhớ, bổ ích được rút ra sau mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ cũng sẽ giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết