Điểm trường Sủng Tùa (xã Sủng Trái, Đồng Văn, Hà Giang) nằm ngay trên triền đá, phía trước là hủm sâu hoắm với vài nếp nhà.
Chẳng ai đo được độ sâu từ sân trường đến cái đáy hủm trước mặt ngôi trường ấy là bao nhiêu mét, chỉ biết là dưới hủm có vài nếp nhà và người đi ra từ ngôi nhà ấy nhỏ bằng con kiến.
Giữa vách đá ấy có một căn nhà ba gian, trước cửa là lá cờ Tổ quốc, thầy Tùng, người dẫn chúng tôi đến với điểm trường reo lên “tới rồi”…
Quãng đường mà thi thoảng các cô mới ra trường chính để đi họp chưa đến 10km nhưng sẽ là thử thách không dành cho những người yếu tim khi lần đầu đến với cao nguyên đá.
“Trời mưa thì đường này đi bộ nhanh hơn đi xe anh ạ”, cô Hiệu trưởng trẻ tuổi Hà Thị Điều “giới thiệu” cho chúng tôi.
Con đường độc đạo dẫn vào Sủng Tùa. |
Đó là con đường độc đạo dẫn vào núi, con đường vằn vện băm ngang giữa những chiền đá ấy một bên là vực thẳm và một bên là vách đá dựng đứng. Mưa làm cho đá trơn nên chẳng mấy ai dám đi dù tự tin tay tài của mình đến mấy, mưa cũng khiến những vệt đất hiếm hoi của “vùng đá khát” này thêm nhão nhoét, không thể di chuyển nổi.
Sủng Tùa đang vào mùa khát, hình ảnh các cô giáo phải đi tìm nguồn nước, xuống hủm, lên non địu nước về không còn hiếm…
Căn nhà ba gian ấy là lớp học nhờ của điểm trường Mầm non Sủng Tủa, cấp mầm non trong thôn chưa có lớp học nên phải học nhờ tiểu học.
Điểm trường Sủng Tùa có 2 lớp học với hơn 10 học sinh cả tiểu học và mầm non.
Giữa muôn trùng của đá, lớp học 3 gian trở lên nhỏ bé, leo lét giữa cao nguyên.
Tiếp chúng tôi là 3 cô giáo, 3 người phụ nữ gắn bó với nhau cùng một đàn em thơ đang ê a những con chữ đầu đời. Trường ấy cũng là “nhà” của các cô.
Thấm thoắt thoi đưa, cô giáo Trần Thị Hương, cô giáo mầm non từ miền xuôi đến với vùng đất Sủng Trái này cũng đã 8 năm.
Điểm trường Sủng Tùa, nơi có 3 cô giáo đang ở và giảng dạy. |
Cũng chừng ấy năm cô để lại gia đình nhỏ của mình dưới xuôi để ngày ngày gieo chữ trên non.
Từ ngày đi học, cô giáo Hương đã có ước mơ trở thành cô giáo vùng cao vì đã xem rất nhiều phóng sự về vùng cao, cô tự nhủ mình sẽ làm một cái gì đó, và cô chọn cho mình nghề giáo mầm non.
Ra trường, không mảy may suy nghĩ, Hương nộp hồ sơ lên cùng cao Đồng Văn, được về Sủng Trái và bây giờ Hương gắn với điểm trường Sủng Tùa đầy gian khó này.
Tâm sự với chúng tôi, Hương thú thực là lúc đầu cũng biết là khó khăn nhưng không nghĩ sẽ khó khăn đến thế nhưng cũng nhờ sự động viên của mọi người, Hương vẫn ở lại gắn bó.
Những ngày mới lên, Hương cũng đã khóc, khóc rất nhiều, bởi có những lúc Hương cảm thấy mình cô đơn vì không hiểu tiếng người địa phương.
Trong quá trình truyền tải kiến thức cho học sinh, học sinh hoàn toàn không hiểu cô giáo nói gì.
Để có thể truyền đạt được, Hương tự nhủ mình phải học song ngữ, phải nói được tiếng địa phương ở đây.
Cô giáo Hương giờ trên lớp. |
Lúc đầu tiếp xúc với tiếng Mông, Hương gần như chẳng hiểu mình có thể làm gì, nhưng với quyết tâm, Hương vẫn học, từ dễ đến khó, qua tiếp xúc với phụ huynh đến nay Hương có thể giao tiếp thành thạo với người bản địa.
Trong buổi nói chuyện, Hương kể nhiều về cuộc sống, về học trò trong đó có lần đầu tiên đi họp phụ huynh.
“Đi họp phụ huynh lần đầu mà mình như người ngoại quốc ấy vì phụ huynh 100% là người dân tộc Mông, họ không nói tiếng phổ thông, nên em phải nhờ “phiên dịch” là bác trưởng xóm. Rất may, bác trưởng xóm cũng nhiệt tình, giải thích cặn kẽ, phiên dịch đầy đủ cho em nghe”. Hương kể.
Rất may, việc họp phụ huynh cũng diễn ra suôn sẻ khi công tác vận động học sinh cũng rất tốt.
Hiện nay, công tác vận động học sinh tại Sủng Tùa rất tốt, sĩ số lớp đều được duy trì 100%.
Lớp học của cô giáo Hương |
Đặc thù các lớp học mầm non vùng cao này là không phân theo độ tuổi, các em học sinh từ 3 tuổi đều học chung với các anh chị 5 tuổi nên việc dạy học cho các em cũng phải được thiết kế đặc thù.
Các bài học cho trẻ vùng cao đều được Hương chuyển tải thành các bài học song ngữ độc đáo vừa giúp trẻ nhận thức được thế giới xung quanh, kỹ năng sống giữa cao nguyên đá, biết lễ phép vâng lời.
Trong lớp học, chúng tôi vẫn nghe cô giáo Hương phải hỏi lại khi truyền tải kiến thức xung quanh bằng câu: “Tiếng Mông a chì” (Tiếng Mông gọi là gì).
Riêng bản thân Hương, nhờ trau dồi kiến thức, chịu khó học tập từ bạn bè, đồng nghiệp nên dù dạy tại điểm trường khó, nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế nhưng Hương vẫn đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm.
Một trong những khó khăn Hương vẫn đối mặt mà hàng ngày phải rằn lòng mình vượt qua chính là nỗi nhớ gia đình.
Với cô giáo vùng cao, nỗi nhớ gia đình, nhớ con nhỏ là nỗi nhớ đau đáu nhất bởi chỉ có những dịp nghỉ dài các cô mới được về thăm quê.
Hoàn cảnh chung của các cô giáo vùng cao là cảnh “ngưu lang, chức nữ”, rất may, Hương kể, em có một gia đình, một người chồng biết thấu hiểu cho hoàn cảnh của mình để có mình có thể vượt qua.
Lớp học đơn sơ của cô giáo Trần Thị Hương. |
Những cô giáo ở điểm Sủng Tùa này đều đã là những người vợ, những người mẹ nhưng vì con chữ trên non, họ phải xa gia đình nhỏ bé của mình.
Đôi lúc, những cô giáo ấy chạnh lòng vì công việc làm vợ, làm mẹ của mình chưa được trọn nghĩa vẹn tình.
Nhìn vào những khó khăn của người dân, hơn thế nữa, nhìn vào thế hệ đi trước, Hương và những cô giáo ở đây đều cố gắng vượt qua.
Đêm về ở Sủng Tùa không chỉ là ánh đèn leo lét giữa muôn trùng đá mà nó còn là sự im lặng đến ghê người.
Thi thoảng giữa cao nguyên đá ấy có một ngọn gió lùa qua kẽ đá, tiếng rít ấy gần như đã trở thành thân quen với các cô. Thứ âm thanh duy nhất ấy nay như lời thì thầm của đá gửi đến các cô.
Nói về đội ngũ giáo viên tại trường Mầm non Sủng Trái, Hiệu trưởng Hà Thị Điều cho biết: “Đặc thù của trường chúng em là đội ngũ giáo viên đang là trẻ nhất huyện, từ Ban Giám hiệu đến các giáo viên. Chúng em có 33 bông hoa nên nhiều lúc ngày lễ chúng em cũng thiệt thòi. Chị em cũng động viên nhau vượt qua khó khăn đề hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác”
Chỉ một vài câu chuyện, thật khó để có thể hiểu được hết, những hi sinh lớn lao của Hương cũng như hàng ngàn vạn thầy cô đang công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc, vượt khó vươn lên, tâm huyết, sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”.
Bài tới: Hoa trên đá: Giá như có một bàn tay người đàn ông