Chuyển đổi số trong tuyển sinh: Trường đại học đánh giá hiệu quả tính bằng giây

29/02/2024 06:30
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là xu hướng tất yếu, là tiền đề giúp phát triển, nâng cao chất lượng giáo đào tạo và khả năng hội nhập toàn cầu.

Giáo dục đại học nước ta những năm qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Góp phần không nhỏ cho những thay đổi diện mạo này của ngành chính là việc thực hiện chuyển đổi số. Đây là một xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Những năm gần đây, cụm từ “chuyển đổi số” được nhắc nhiều lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Những thay đổi dễ nhận thấy nhất khi áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục đại học chính là thay đổi hình thức tuyển sinh đại học (hình thức trực tuyến, thay vì nộp hồ sơ thủ công như trước đây), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản trị trường đại học,...

Thay đổi toàn diện cách dạy, cách học và quản trị nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi cách thức giảng dạy, học tập và quản trị, quản lý nhà trường dựa trên nền tảng công nghệ số.

Theo thầy Chung, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người học. Ngày nay, các phương pháp giảng dạy truyền thống đã được thay thế bằng các phương pháp tích cực, sử dụng các ứng dụng hiện đại làm cho bài giảng thêm sinh động, từ đó giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp sinh viên dễ dàng tra cứu, cập nhật nguồn dữ liệu kiến thức khổng lồ đầy dễ dàng, tiện lợi mà không bị giới hạn về mặt thời gian, không gian,... giúp mở ra cơ hội học tập với chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn so với trước đây.

“Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là xu hướng tất yếu, là tiền đề giúp phát triển, nâng cao chất lượng giáo đào tạo và khả năng hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả cần có lộ trình và chiến lược cụ thể”, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh.

thsls-trinh-huu-chung-564.jpg
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường

Cũng cho rằng chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất bày tỏ, trong bối cảnh ngày nay, nếu cơ sở giáo dục đại học chậm thực hiện chuyển đổi số sẽ là tụt hậu.

Nói về những thay đổi trong tuyển sinh đại học khi áp dụng chuyển đổi số, thầy Khoát chia sẻ, thay vì thực hiện các thủ tục bằng hình thức truyền thống như trước đây, ngày nay mọi khâu từ đăng kí hồ sơ, quá trình trả kết quả,... đều đã được thực hiện trên nền tảng số, đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm nhất cho cả cơ sở giáo dục và người học.

“Sắp tới đây, nhà trường sẽ thực hiện cấp giấy báo nhập học điện tử cho các thí sinh. Hiện công tác quản lý từ đầu vào đến đầu ra đều đã được thực hiện trên nền tảng số”, Phó giáo sư Khoát chia sẻ.

Theo thầy Khoát, việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến giúp tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh, đồng thời đảm bảo minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

Trước thực tế vẫn còn một số nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thực hiện tuyển sinh trực tuyến như còn có sự nhầm lẫn của hệ thống lọc ảo chung, nền tảng thanh toán trực tuyến ban đầu bị nghẽn,... gây lo lắng cho thí sinh, thầy Khoát cho rằng đây chỉ là những sai sót nhỏ về mặt kỹ thuật, quá trình thực hiện nhìn chung đều thuận lợi và thuận tiện hơn so với trước đây rất nhiều.

"Quá trình thực hiện tuyển sinh trực tuyến tại các cơ sở đào tạo không có gì khó khăn. Một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo là do chúng ta lần đầu thực hiện, với trường dữ liệu lớn (ở cấp quốc gia) do đó phần mềm chưa được tối ưu, dẫn đến một số trục trặc về kỹ thuật. Tuy nhiên về lâu dài những vấn đề này chắc chắn sẽ được khắc phục và tối ưu hơn", Phó giáo sư Nguyễn Đức Khoát bày tỏ.

Theo thầy Khoát, chuyển đổi số giúp tạo ra nhiều thay đổi tích cực cho hoạt động giáo dục đại học, tuy nhiên để chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và đồng bộ, các cơ sở giáo dục cần phải có sự đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng, các phần mềm quản lý tương ứng.

1 (1).png
Thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số ở mọi khâu của quá trình tuyển sinh

Chia sẻ về việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh tại trường thời gian qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang cho biết:

“Trường Đại học Nha Trang triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh từ nhiều năm nay, trong đó tập trung phát triển mạnh nhất là từ năm 2018 trở lại đây".

Đối với việc đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh chuyển từ việc nộp hồ sơ giấy như trước đây sang hình thức trực tuyến. Theo đó, thí sinh nhập toàn bộ thông tin chi tiết, tải các giấy tờ cần thiết lên hệ thống đăng ký xét tuyển online để trường xác nhận hồ sơ.

Khâu trả kết quả cũng được thực hiện trực tuyến đồng bộ, thay vì gửi thông tin trúng tuyển, gửi giấy báo nhập học qua đường bưu điện như trước đây vốn tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí có thể thất lạc vì địa chỉ không chính xác. Những năm gần đây nhà trường đã ứng dụng dịch vụ gửi tin nhắn hoàn toàn tự động đến số điện thoại của thí sinh.

Ngoài ra, các thủ tục khác như đăng ký ký túc xá, xác nhận nhập học, đóng học phí,... cũng đều đã được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học.

đh-nt.JPG
Hệ thống tích hợp thông tin quản lý dữ liệu sinh viên của Trường Đại học Nha Trang. Ảnh chụp màn hình

Theo thầy Phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tuyển sinh giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm thủ tục hồ sơ rườm rà cho thí sinh; bên cạnh đó, việc áp dụng chuyển đổi số vào công tác tuyển sinh cũng giúp cơ sở giáo dục đại học tiết kiệm chi phí cho quảng bá tuyển sinh, giúp thông tin truyền tải được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn,...

"Trước đây, sinh viên phải đến trực tiếp trường để làm các thủ tục đăng ký ký túc xá, xác nhận nhập học, đóng học phí trực tiếp tại trường,... Tuy nhiên đến nay, thí sinh làm hoàn toàn trực tuyến.

Hay thay vì phải mất cả tuần, giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn nhập học mới đến tới tay thí sinh thì khi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác tuyển sinh, các thông tin này đến với thí sinh được tính bằng giây", vị Trưởng phòng Đào tạo lấy dẫn chứng minh họa.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn ở mức khiêm tốn. Một số dữ liệu chưa đầy đủ hoặc cần có sự xác thực, ví dụ như học bạ điện tử chưa đầy đủ trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các trường sử dụng chưa phát huy hết hiệu quả.

Do vậy, để các thông tin tuyển sinh, dữ liệu xét tuyển ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, Phó giáo sư Tô Văn Phương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và chia sẻ dữ liệu học bạ điện tử. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở mọi khâu của quá trình tuyển sinh.

Minh Chi