Chuyển đổi số: Với 1 điện thoại, GV cùng lúc kiểm tra được kiến thức của cả lớp

27/02/2024 06:22
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục được cán bộ, giáo viên tại Hải Phòng, Quảng Ninh áp dụng mang lại nhiều thuận lợi, đạt hiệu quả cao. 

Tại Hải Phòng, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong công tác dạy và học, qua đó giảm áp lực cho giáo viên về quản lý hồ sơ sổ sách.

Giáo viên nhà trường không phải in ấn kế hoạch bài dạy, không tốn kém và mất thời gian. Hơn nữa, nhà trường sử dụng học bạ điện tử mang lại sự thuận lợi trong quản lý thông tin học sinh và đảm bảo chính xác trong đánh giá kết quả học tập.

gdvn-th-du-hang-6.jpeg
Ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ (Ảnh: Lã Tiến)

Theo lãnh đạo một Trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Lê Chân, Hải Phòng, thời gian qua chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo đã mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, đối với cấp quản lý, chuyển đổi số đã giúp quản lý, lưu giữ thông tin, hồ sơ của giáo viên, học sinh (học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh)…; Quản lý, kiểm tra, theo dõi tiến độ hoàn thành thông tin của giáo viên, học sinh và chuyên môn của giáo viên.

Đồng thời triển khai, hướng dẫn, kiểm soát mức độ giáo viên thực hiện và hoàn thành công việc của giáo viên (bằng cách tạo hồ sơ công việc trên các nhóm Zalo, Messenger, …); Thực hiện kí duyệt hồ sơ, giáo án, học bạ trên ứng dụng phần mềm và quản lý chữ kí số.

Đối với giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm, việc chuyển đổi số đã giúp họ lưu giữ thông tin, hồ sơ giáo dục của học sinh rõ ràng, không bị thất lạc hồ sơ, dễ tìm kiếm, thống kê, báo cáo khi cần thiết mà không bị hạn chế về không gian và thời gian (Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành…).

Giáo viên bộ môn sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá việc học, làm và bài của học sinh (một số phần mềm ôn luyện, phần mềm dạy học: Microsoft Team, Zoom, Google meet, K12 Online; hoặc Zalo, Messenger…), qua đó tiết kiệm được chi phí (do giảm thiểu được các chi phí về in ấn) và thời gian cho giáo viên và học sinh.

Chuyển đổi số cũng giúp giáo viên trực tiếp tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên (phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ http://taphuan.csdl.edu.vn); giúp giáo viên trao đổi, triển khai thông tin, bài học… với phụ huynh học sinh thông qua trang nhóm lớp trên ứng dụng Zalo, Messenger,…

Ngoài ra, việc chuyển đổi số cũng hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thực hiện nhận xét, đánh giá, kí xác nhận kết quả học tập, học bạ của học sinh trên trên ứng dụng phần mềm và quản lý chữ kí số, giúp giảm áp lực, tiết kiệm thời gian, chi phí và không phụ thuộc vào thời gian và không gian nếu có đầy đủ điều kiện về thiết bị và kết nối mạng Internet. Đặc biệt, giáo viên có thể kiểm tra được kiến thức của nhiều học sinh trong cùng một thời điểm mà vẫn đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, cho kết quả ngay và chính xác.

Việc thực hiện chuyển đổi số trong triển khai học bạ điện tử đã giúp giáo viên không bị nhầm lẫn, lưu giữ để không thất lạc, rách, hỏng học bạ, có thể in ấn bất kì lúc nào khi cần thiết (đối với những học sinh đã hoàn thành theo đúng quy định của ngành).

Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại quận Lê Chân cũng đề xuất một số giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục trong thời gian tới.

Cụ thể, tích cực tuyên truyền để giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, để khắc phục tình trạng một số giáo viên lớn tuổi hạn chế về kiến thức tin học, kĩ năng sử dụng các phần mềm; tâm lý ngại đổi mới.

Chuyển đổi số còn phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet … vì vậy cần được thường xuyên bảo dưỡng, bổ sung để đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số.

Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố Hạ Long đã chỉ đạo ngành Giáo dục quyết liệt thực hiện các nội dung chính trong chuyển đổi số, như: Số hoá thông tin quản lý (hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, dịch vụ công trực tuyến,…); số hoá học liệu (sách giáo khoa, bài giảng, thư viện điện tử,…); tích cực ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, phần mềm chuyên ngành vào công tác dạy và học.

cds-ha-long.jpeg
Hoạt động kiểm tra bài cũ bằng ứng dụng Plickers của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long (Ảnh: NTCC)

Điển hình tại Trường Tiểu học Hạ Long hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối mạng Internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học theo hình thức trắc nghiệm qua ứng dụng Plickers.

Với ứng dụng này, mỗi học sinh được cung cấp 1 thẻ in trên giấy có 4 cạnh tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D; mỗi cạnh có 1 mã code. Khi kiểm tra bài, giáo viên dùng điện thoại quét lên thẻ, ứng dụng sẽ đọc code ở đáp án học sinh chọn để biết đúng hay sai.

Ứng dụng Plickers giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị.

Hiện 100% giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Các phòng học thông minh, hoặc phòng học được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin cũng được giáo viên khai thác triệt để, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh cũng tỏ ra rất hứng thú và có kết quả học tập tốt hơn, tư duy học tập được đổi mới hơn và tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ kiến thức lâu hơn với phương pháp học tập mới gắn với các thiết bị và ứng dụng thông minh.

Cô giáo Ngô Thị Thái, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long chia sẻ: “Thời gian qua, nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, như loa, đài, micro, kết nối wifi, bảng thông minh...

Đây là cơ sở rất thuận lợi để cô, trò chúng tôi sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy.

Đặc biệt, tôi đã tìm tòi các phần mềm để thực hiện đánh giá học sinh theo hình thức trắc nghiệm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể kiểm tra được kiến thức của tất cả học sinh. Các em thì cũng thích thú, không áp lực gì cả”.

Những kết quả thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục:

- Thu thập được thông tin của 100% trường học (khoảng 53.000 trường) ở bậc mầm non và phổ thông: với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 2,4 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thông tin về thể chất của học sinh; Kết nối (API) với hơn 17.083 trường học....

- Xây dựng dữ liệu quản lý thừa, thiếu giáo viên; quản lý sức khoẻ học sinh; quản lý triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em; quản lý tiêm vắc xin Covid-19; quản lý, theo dõi giáo viên học sinh F0, F1 giai đoạn dịch Covid-19.

- Triển khai cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS): Thu thập, số hoá dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học. Đồng thời, thu thập dữ liệu về nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế...

- Thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử giúp giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường...

- Thực hiện hơn 7000 bài giảng E-learning và video bài giảng, thực hiện bản điện tử toàn bộ các bộ sách giáo khoa phổ thông.

- Giai đoạn dịch Covid-19, có gần 80% học sinh Việt Nam tiếp cận các hình thức dạy học trực tuyến.

Tình hình triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030":

Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (từ năm 2022): đã đồng bộ, xác thực định danh hơn 24 triệu hồ sơ học sinh, giáo viên (đạt tỷ lệ gần 98%), đã làm giàu dữ liệu của gần 23 triệu hồ sơ học sinh và giáo viên về giáo dục cho cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những cơ quan hoàn thành sớm nhất kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Thực hiện nghiêm, kịp thời chủ trương không dùng sổ hộ khẩu, không dùng Giấy chứng nhận thường trú trong thực hiện các thủ tục hành chính (Nghị định 104/2022/NĐ-CP): Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối, khai thác dữ liệu lịch sử thường trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Năm 2023, ngành giáo dục không sử dụng giấy chứng nhận thường trú mà khai thác hoàn toàn trực tuyến trên môi trường số cho hàng triệu thí sinh tham gia các kỳ tuyển sinh đầu cấp và tuyển sinh vào đại học.

Thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu bằng hình thức trực tuyến: Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 93% mỗi năm); Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến (hơn 600.000 thí sinh với hơn 3 triệu nguyện vọng được đăng ký trực tuyến mỗi năm); Thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 97%); Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến trên Cổng tuyển sinh (đạt 81%)...

LÃ TIẾN