Hiện nay nhiều trường đại học thực hiện chương trình liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhờ đó, sinh viên có thêm nhiều lựa chọn học tập. Tuy nhiên, sự nở rộ của các mô hình liên kết đào tạo quốc tế cũng đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng cũng như quá trình kiểm định chương trình, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Là cơ sở giáo dục đại học có triển khai đào tạo chương trình liên kết, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin: Tất cả chương trình liên kết đào tạo của nhà trường đều theo hình thức đào tạo chính quy. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được phía đối tác liên kết cấp bằng.
Về công tác kiểm định, phía Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chương trình liên kết đã được các đối tác nước ngoài kiểm định và hiện giấy chứng nhận kiểm định các chương trình này đang có hiệu lực. Nhà trường cũng cung cấp cho phóng viên bản công khai thông tin và các điều kiện đảm bảo chất lượng của đối tác. Cụ thể như sau:
Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cơ sở giáo dục đại học thực hiện liên kết đào tạo quốc tế, bằng do đối tác nước ngoài cấp thì phải đảm bảo được 2 yếu tố. Đó là: Chương trình đào tạo phải được kiểm định bởi tổ chức kiểm định hợp pháp ở nước sở tại, đồng thời, trong thời gian tiến hành liên kết đào tạo giấy chứng nhận kiểm định phải còn có giá trị hiệu lực.
Bên cạnh đó, trước khi tiến hành liên kết đào tạo, cơ sở giáo dục cũng cần xem xét đối tác nước ngoài đã đạt kiểm định tại nước sở tại hay chưa. Điều này giúp gia tăng uy tín cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo, giúp người học tiếp cận được những chương trình chất lượng cao.
Đối với trường hợp tại Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy, đa số các tổ chức kiểm định chương trình liên kết phía đối tác nước ngoài là tổ chức kiểm định chuyên môn, tổ chức hiệp hội nghề nghiệp... Theo quy định thì chỉ cần phía đối tác tiến hành kiểm định. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cơ sở giáo dục phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học, cả về chất lượng chương trình đào tạo cũng như giá trị của bằng cấp quốc tế.
Học phí chương trình liên kết quốc tế do phía đối tác quy định sẵn
Hiện, Trường Đại học Quốc tế hiện liên kết đào tạo cử nhân với 9 đối tác, gồm: Đại học West of England, Đại học Houston, Đại học Binghamton, Đại học Andrews, Đại học Lakehead, Đại học New South Wales, Đại học Deakin, Đại học Sydney, Đại học Công nghệ Auckland. Cụ thể như sau:
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học West of England (Vương quốc Anh) theo hình thức 2+2; 3+1 và 4+0. Về học phí, giai đoạn 1 học tại Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 63-67 triệu đồng/ năm; giai đoạn 2 học tại Vương quốc Anh khoảng 490 triệu đồng/ năm (chương trình 2+2 và 3+1).
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Houston (Mỹ) theo mô hình 2+2 có học phí giai đoạn 1 học tại Trường Đại học Quốc tế là 50 triệu đồng/năm; giai đoạn 2 có học phí khoảng 650 triệu đồng/năm.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Binghamton (Mỹ) theo mô hình 2+2, sinh viên sẽ phải đóng từ 50-67 triệu đồng/năm giai đoạn 1 học tại Trường Đại học Quốc tế và khoảng 650 triệu đồng/năm học phí cho giai đoạn 2.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Sydney (Australia) theo mô hình 2+2 có mức học phí giai đoạn 1 là từ 43-45 triệu đồng/năm, học phí giai đoạn 2 khoảng 800 triệu đồng/năm.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học New South Wales (Australia) theo mô hình 2+2 có mức học phí giai đoạn 1 là 56 triệu đồng/năm, học phí giai đoạn 2 khoảng 655 triệu đồng/năm.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Deakin (Australia) theo mô hình 2+2 và 2,5+1,5 và 3+1. Sinh viên sẽ phải đóng học phí giai đoạn 1 dao động từ 60-77 triệu đồng/năm và đóng khoảng 512 triệu đồng/năm cho giai đoạn 2.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) theo mô hình 1,2+1,5 và 1+2 có mức học phí giai đoạn 1 là 65 triệu đồng/năm, học phí giai đoạn 2 là khoảng 470 triệu đồng/năm.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Lakehead (Canada) theo mô hình 2+2 có mức học phí giai đoạn 1 là từ 48-51 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 là khoảng 570 triệu đồng/năm.
Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Andrews (Mỹ) theo mô hình 4+0 có học phí dao động từ khoảng 47-116 triệu đồng/năm.
Phóng viên băn khoăn về căn cứ để nhà trường đưa ra các mức học phí nêu trên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ lý giải: "Việc xây dựng mức học phí của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế này được quy định sẵn bởi đối tác, đây là mức phí mà sinh viên phải đóng theo quy định của đối tác hợp tác với nhà trường.
Còn đối với các chương trình 2+2, 3+1, mức thu học phí được nhà trường xác định dựa trên nguyên tắc thu bù chi và tích luỹ một phần để tái đầu tư vào cơ sở vật chất. Điều này giúp đảm bảo nguồn lực để duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của quá trình đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu".
Nâng cao chất lượng đào tạo chương trình liên kết quốc tế
Về số sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết từ năm 2019 đến nay, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trường Đại học Quốc tế đã có 5 khóa sinh viên tốt nghiệp. Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường cho các ngành đào tạo liên kết với đại học nước ngoài năm 2022 là 1.140 chỉ tiêu và năm 2023 là 870 chỉ tiêu.
Về cơ hội việc làm của sinh viên chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thầy Vũ khẳng định, sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia. Nhiều sinh viên được nhận làm việc tại các tập đoàn, công ty có tên tuổi trước khi tốt nghiệp.
Sinh viên chương trình liên kết Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC. |
Ngoài ra, đối với trường hợp sinh viên vì các lý do khách quan hoặc chủ quan không thể chuyển tiếp sang nước ngoài có thể lựa chọn lộ trình học tập tại Việt Nam thông qua các chương trình du học tại chỗ (mô hình 4+0).
Khi lựa chọn hình thức này sinh viên chỉ học bổ sung những môn học chưa hoàn thành mà vẫn đủ thời gian hoàn thành chương trình học kịp tiến độ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giữa các chương trình liên kết vẫn phải tuân thủ theo quy định, chẳng hạn điểm xét tuyển/trúng tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành chuyển đến, thời gian còn lại có thể hoàn tất chương trình đào tạo sau khi chuyển...
Thầy Vũ cũng chia sẻ kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo chương trình liên kết quốc tế, thu hút người học: Hằng năm, nhà trường thực hiện khảo sát ý kiến giảng viên về khối lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ và nhu cầu học tập, bồi dưỡng. Kết quả khảo sát là một trong những cơ sở để nhà trường điều chỉnh và cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ của các trường đại học đối tác đến thăm và làm việc tại trường nhằm thu thập ý kiến phản hồi trực tiếp từ sinh viên và để tham gia dự thính các lớp học được giảng dạy trong chương trình qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Về chất lượng đào tạo, thầy Vũ cho biết, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học đối tác cùng phối hợp giám sát hoạt động tuyển sinh, giám sát tình trạng học tập của sinh viên ở chương trình do trường Đại học đối tác cấp bằng. Hoạt động giảng dạy (trực tuyến/ trực tiếp) được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động ghi nhận tình hình thực hiện thời khóa biểu. Sinh viên được khảo sát ý kiến về chất lượng môn học cuối mỗi môn học và được khảo sát ý kiến về các dịch vụ hỗ trợ định kỳ hằng năm.
Kết quả khảo sát là một trong những cơ sở để nhà trường cải tiến nội dung môn học, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá và các điều kiện hỗ trợ quá trình học tập.
"Với các chương trình liên kết quốc tế đào tạo tại Việt Nam sau khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp cơ sở giáo dục phải tiến hành kiểm định chất lượng, nếu không sẽ phải tạm dừng tuyển sinh đến khi nào hoàn thành kiểm định.
Tuy nhiên, cũng cần phân ra các trường hợp cụ thể. Thứ nhất, nếu bằng của chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp thì chỉ cần kiểm định ở nước ngoài, không cần kiểm định lại tại Việt Nam. Trường hợp bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp hoặc cấp song bằng thì phải tiến hành kiểm định ở Việt Nam", Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung chuyên nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam từng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ngoài ra, nhà trường liên tục phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày càng tốt hơn. Ý kiến của sinh viên về cơ sở vật chất cũng được tìm hiểu thông qua phiếu khảo sát nhằm nắm rõ nguyện vọng của người học, và căn cứ vào đó để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập ngày càng tốt hơn cho các em.
Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức, quản lý chương trình liên kết thông qua sự cải tiến các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện tại để thông tin, giải đáp thắc mắc của sinh viên kịp thời, nâng cao chất lượng học tập, đặc biệt là khả năng tiếng Anh của sinh viên chương trình liên kết.
Về hoạt động truyền thông, tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức sự kiện Ngày hội thông tin tuyển sinh hàng năm và tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông nhằm thu hút sự quan tâm hơn từ phụ huynh và học sinh.
Việt Nam hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.
Trong nước có 7 trung tâm kiểm định gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.
10 tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, THE-ICE, ACBSP, ABET, ACQUIN.