Chuyện ít người biết về Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu

25/01/2022 10:25
Thùy Linh - Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất ít nhà khoa học được treo ảnh ở Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna nhưng trong đó có 1 bức ảnh của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu chụp cùng thầy của mình.

Thông tin, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ trong ngành Vật lý của Việt Nam qua đời ngày 23/1 khiến nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp nghẹn ngào tiếc thương.

Giáo sư Nguyễn Đại Hưng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý cho biết, khi đó ông đang họp cùng Hội đồng chức danh giáo sư trong ngành để đánh giá 28 ứng viên Giáo sư và Phó Giáo sư của năm 2021, hay tin Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu qua đời, hội đồng đã tổ chức mặc niệm, cả phòng họp bỗng trở nên tĩnh lặng.

“Chúng tôi đau xót không nói lên lời, sự ra đi của thầy Hiệu là niềm tiếc thương vô hạn. Hôm đó, nhiều người đã bật khóc. Ký ức mấy chục năm công tác cạnh Thầy hiện về ăm ắp trong lòng. Mọi thứ như nghẹn lại", Giáo sư Nguyễn Đại Hưng nói.

Từng được thầy Hiệu dìu dắt và hỗ trợ, định hướng trong các nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Đại Hưng nhận định thầy là nhà khoa học có ảnh hưởng lớn đối với nền khoa học nước nhà, không chỉ trong lĩnh vực vật lý mà còn trong cả các lĩnh vực khoa học công nghệ khác. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu còn là người đã đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng cơ sở vật chất phát triển ngành Vật lý tại Việt Nam.

Tâm sự với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Việt Cương – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) cho biết, có thời gian 18 năm làm việc tại Viện Vật lý nên nhiều lần được nghe Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói chuyện, chia sẻ, trao đổi.

Tiến sĩ Phan Việt Cương (người cầm hoa) - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Tiến sĩ Phan Việt Cương (người cầm hoa) - Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

“Với tôi, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu ngoài là nhà vật lý hàng đầu thì còn là một người thầy đáng kính, hết tâm, hết lòng vì nền khoa học Việt Nam.

Mặc dù mấy năm gần đây sức khỏe của thầy đã yếu hơn nhưng trong những cuộc nói chuyện luôn thấy thầy trăn trở về khoa học Việt Nam”, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ thông tin.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phan Việt Cương rất tự hào khi bản thân từng có thời gian làm việc tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna – nơi Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ tiến sĩ thì được biết rất ít nhà khoa học được treo ảnh ở Viện này nhưng trong đó có 1 bức ảnh của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu chụp cùng với người thầy của mình.

Và điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với Tiến sĩ Phan Việt Cương là khi sang trò chuyện cùng các nhà khoa học cùng thế hệ với Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu thì đều thấy tinh thần, thái độ kính trọng, trân trọng cả năng lực chuyên môn và sự sâu sắc, tình cảm của Thầy.

“Tôi là người may mắn được Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu truyền cảm hứng trong hoạt động nghiên cứu. Thầy Hiệu nhiều lần chia sẻ rằng hoạt động nghiên cứu rất vất vả, nhất là lĩnh vực vật lý hạt nhân trong khi đó chế độ đãi ngộ chưa cao nhưng mỗi người phải có mục tiêu, sứ mệnh để đóng góp cho đất nước, nếu không nhìn đích đến đó thì khó mà gắn bó với khoa học. Vì kính trọng thầy nên tôi theo đuổi nghề này từ đó đến nay và chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này trong tương lai.

Thầy chính là tấm gương sáng về tinh thần miệt mài học tập để thế hệ sau noi theo bởi sau khi đến tuổi nghỉ hưu, thầy nghỉ làm quản lý nhưng vấn tiếp tục đi dạy và làm nghiên cứu khoa học”, Tiến sĩ Cương tự nhận thấy mình là người rất may mắn.

Được biết, nggoài những công trình nổi tiếng thế giới về Vật lý hạt cơ bản, Vật lý lý thuyết chất rắn và quang tử, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu còn là tác giả, đồng tác giả và nhà kiến tạo nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước như công trình thoát lũ miền Tây tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam thông qua chương trình intercosmos...

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sáng lập ra Viện Vật lý và trở thành viện trưởng, sau đó ông cũng lập ra rất nhiều viện nghiên cứu khác, ông luôn quan tâm phát triển Vật lý. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng chính là cha đẻ của chương trình phát triển Vật lý 2015-2020 rất thành công, kéo dài sang giai đoạn 2021-2025.

Ông là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong Vật lý chất rắn, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Ông còn là hiệu trưởng sáng lập trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín ở trong nước cũng như trên thế giới (Giải thưởng Lê nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996...), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khoá. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục.

Theo ông, để đảm bảo sự công bằng cho đội ngũ những “người đứng bục” cần có các mức phụ cấp khác nhau cho những từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên - thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên - tiến sĩ hoặc giáo sư. Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Ông cho rằng: “Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó”.

Trong cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: “Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thì giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”.

Thùy Linh - Ngọc Ánh