LTS: Tiếp nối những nỗi lo lắng của giáo viên dạy bán trú tại một số trường tại Hà Tĩnh, tác giả Lê Văn Vỵ giúp độc giả thấu hiểu hơn nỗi vất vả, cực nhọc của những "người Mẹ" nơi đây không chỉ lo ăn, lo ngủ cho học trò mà còn phải lo vệ sinh an toàn thực phẩm mà trẻ ăn mỗi ngày.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả nỗi lo lắng đó.
“Không có sức khỏe thì nói gì đến dạy dỗ”
Tại các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú, tất cả những gì có thể làm để kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm thì các cô đã làm.
Nào là ký hợp đồng với các cơ sở để có nguồn thực phẩm sạch cho các cháu. Nào là hàng ngày công khai lên bảng thực đơn, giá cả, và các tổ kiểm tra, giám sát để tất cả mọi người “được biết, được bàn, được kiểm tra”.
Bữa ăn bán trú của các cháu trường Mầm non Nam Hồng (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Kiểm tra hàng ngày, hàng bữa, kiểm tra đột xuất. “Tổ kiểm tra không chỉ Ban giám hiệu mà còn có Ban chấp hành Hội cha mẹ học sinh tham gia. Hàng tuần tổ kiểm tra luân phiên nhau”, cô Nguyễn Thị Hoa- Hiệu trưởng trường Mầm non Bông Sen, Thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết.
Tuy nhiên để kiểm tra, giám sát thường xuyên không dễ, vì trong tay tổ kiểm tra không có bất cứ dụng cụ, thiết bị hỗ trợ nào mà chỉ nhìn đánh giá bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm nên rất khó khăn.
Hơn nữa, nhiều trường có đến 2-3 thậm chí 4 điểm trường ví như trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh thì vấn đề kiểm tra vô cùng khó.
Bởi theo cô Nguyễn Thị Lan- Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: “Mặc dù đã phân công cho các cô phụ trách các điểm trường nhưng vẫn không yên tâm nên hàng ngày cứ phải chạy qua chạy lại như con thoi. Trường bạn lo 1 thì trường mình lo gấp 4”.
Vườn rau sạch tại trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Ngoài ra, những “người Mẹ” còn mang trên mình hàng trăm ngàn nỗi lo không tên khác, cô Thiều Thị Minh Châu- Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Tân, Thạch Hà, Hà Tĩnh lo lắng:
“Khi có chuyện đáng tiếc xảy ra ở một trường ở Nghi Xuân dư luận cho rằng Nhà trường đã bớt khẩu phần thịt của các các cháu, chúng tôi nghe mà xót xa và tủi hổ thay. Chúng tôi cố gắng mỗi ngày làm tốt trách nhiệm của mình để không xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy”.
Trước lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường bán trú, phụ huynh Trần Văn Cừ (có con học trường Mầm non Yên Hồ) quan ngại rằng:
“Trường không lo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì thật nguy hiểm. Bệnh tật cũng từ đây. Không có sức khỏe thì nói gì đến giáo dục với đào tạo. Cho nên mỗi phụ huynh cũng cần xắn tay cùng Nhà trường để lo cho hiện tại và tương lai của con em mình, của dân tộc mình”.
Lo trồng rau sạch cho con em
Nỗi lo lắng về sức khỏe của con cái, nhiều phụ huynh đã triển khai trồng rau sạch cung cấp cho Nhà trường. Tại huyện Hương Sơn, huyện đoàn đã triển khai kế hoạch “Vườn rau cho em” tới 60 trường trong huyện.
Nhờ những kế hoạch này, “nhờ có những vườn rau này, trường chúng tôi chủ động trong việc tự túc được một phần thực phẩm đảm bảo chất lượng tới học trò. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi thấy an tâm. Và trường dự định sẽ triển khai mô hình nuôi bồ câu, đào hồ nuôi cá, nuôi cá…”, cô Nguyễn Thị Lan trao đổi thêm.
Cô Nguyễn Thị Định (trường Mầm non Nam Hồng, Hồng Lĩnh) sử dụng máy xay sinh tố đang xay cháo cho cháu Nguyễn Hữu An bị sâu răng (Ảnh: Lê Văn Vỵ) |
Đúng là chỉ ai đã từng đến những trường tổ chức bán trú mới thấy hết nỗi vất cả của đội ngũ các cô giáo nhất là cô giáo mầm non phụ trách bữa ăn của học sinh.
Cô Bùi Thị Bích Ngọc- giáo viên trường Mầm non thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn trao đổi:
“Một mình phụ trách 38 cháu 4 tuổi, đến bữa lo được cho 38 cháu ăn là cả một vấn đề. Vì không phải tất cả các cháu đều tự túc ăn được.
Có cháu ăn nhanh, cháu ăn chậm, có cháu thường làm đổ thức ăn vương vãi ra bàn, có cháu bị đau răng, sổ mũi nên việc cho cả lớp ăn là khâu vất nhất, phải nhẫn nhịn, mềm dẻo, không được nóng tính".
Hơn nữa, khi ăn xong thì giáo viên phải hướng dẫn các cháu rửa tay rửa mặt. Công việc này đối với các cháu mẫu giáo bé thì càng vất vả hơn.