Liên quan đến phản ánh công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình-Nam Định có “trụ móng làm bằng bê tông trộn đất”, mới đây Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), đơn vị chủ đầu tư cho rằng, họ "không chịu trách nhiệm" về móng cột điện làm bằng bêtông trộn đất…
Lý do được đơn vị chủ đầu tư đưa ra là: “Đến nay, chưa có văn bản cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công phần móng vị trí số 01 và 02 đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định do đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để điều chỉnh đoạn tuyến nêu trên.
Việc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tự ý thi công là trái yêu cầu của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) – đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án".
Trước đó, cột đường dây truyền tải 500 kV, Quảng Ninh - Hiệp Hòa, do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, cũng gặp sự cố đổ, gãy.
Sự việc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, nguyên nhân sự cố vẫn chưa được làm rõ.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (ảnh: Infonet). |
Trước sự việc nói trên, hôm 29/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra sự cố.
Tôi thấy nực cười, và ngạc nhiên vì một công trình có tầm quan trọng như vậy mà phần móng lại làm bằng bê tông trộn đất. Thi công như vậy thì lấy đâu ra chất lượng?.
Thường thì những công trình đã hoàn thành rất khó kiểm tra được chất lượng thi công, trừ khi người ta đập công trình ấy ra để kiểm tra.
Do đó, để tránh sự cố có thể xảy ra, những phần khuất (phần đã thi công xong) phải được kiểm tra ngay trong quá trình xây dựng.
Theo đó, quá trình thi công phải có biên bản nghiệm thu công trình. Ví dụ khi đổ bê tông phải thực hiện lấy mẫu thử.
Nếu đơn vị thi công đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được thi công tiếp. Riêng khâu trộn, đổ bê tông phải giám sát rất kỹ để đảm bảo chất lượng công trình.
Vấn đề là những quy trình đó họ có làm hay không? kết quả kiểm tra như thế nào?".
Về việc EVN NPT cho rằng "không chịu trách nhiệm" về cột móng làm bằng bê tông trộn đất, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhận định: "Tôi thấy EVN NPT hình như hơi lo lắng về trách nhiệm mà quên đi lợi ích của mình. Lợi ích của chủ đầu tư là có một công trình chất lượng tốt theo đúng quy định.
Vấn đề quan trọng là, khi đã có thông tin dư luận về công trình có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, thì chủ đầu tư phải nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra, xác minh cụ thể sự việc, thay vì đổ trách nhiệm hoặc đùn đẩy cho người khác.
Xin nhắc lại, để làm rõ nghi vấn liên quan tới chất lượng công trình, đơn vị chủ đầu tư cần kiểm tra sổ tay thi công, giám sát để biết rằng đơn vị thi công có tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật hay không?
EVN nói "không chịu trách nhiệm" về móng cột điện làm bằng bêtông trộn đất |
Quan trọng hơn, EVN NPT cần nhanh chóng thực hiện rà soát các trụ, móng khác, xem xét chất lượng công trình có được thi công đảm bảo an toàn hay không?.
Dư luận có quyền nghi ngờ về chất lượng công trình tại các vị trí được cho là có bê tông trộn đất (cho dù EVN NPT nói "không chịu trách nhiệm" về các trụ móng này). Ai biết các trụ móng khác có tái diễn trường hợp tương tự?".
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đây là công trình quan trọng, ảnh hưởng tới nền kinh tế, an ninh điện lưới, do đó, cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để làm rõ nghi vấn.
Qua đó xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, trong đó có chủ đầu tư.
Đề cập tới trách nhiệm của chủ đầu tư trước sự việc nói trên, GS.TS Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, EVN NPT đang chối bỏ trách nhiệm.
"Cứ cho rằng EVN NPT chưa có văn bản cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công phần móng vị trí số 01 và 02 đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định… Việc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tự ý thi công là trái yêu cầu của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc.
Công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình-Nam Định đang thi công đào đúc móng cột bị tố có “trụ móng làm bằng bêtông trộn đất”. Ảnh: Thanh Niên. |
Hay kể cả chuyện ngừng thi công rồi, mà phát hiện ra hiện tượng bất thường từ các trụ móng, thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các hạng mục khác do Công ty Sông Đà 11 thi công.
Kiểm tra để xem các trụ móng khác có đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thi công hay không, chứ không phải việc anh chối bỏ trách nhiệm cho xong chuyện.
Mặt khác EVN NPT là chủ đầu tư phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan tới vấn đề dư luận phản ánh.
Từ sự việc nói trên, GS.TS Bùi Thị An cho rằng, câu chuyện nhận trách nhiệm trước những sự cố do yếu tố chủ quan, chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
“Trong khi khen thưởng thì người ta hăng hái nhận, nhưng khi có sự cố xảy ra thì chẳng ai chịu. Tôi cho rằng, đối với những sự cố hết sức nguy hiểm như vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan...”.
Trở lại cách đây hơn 1 tháng, ngày 22/4, một trận dông đã làm cột đường dây truyền tải 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa vừa bị đổ.
Đáng chú ý, cột điện khổng lồ ngã rạp nhưng vườn chuối cạnh đó chẳng hề hấn gì.
Vụ việc được cho là đang được điều tra, đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Cột điện bị đổ, bị ảnh hưởng sau đó đã được nhanh chóng khắc phục, vụ việc có vẻ như thế là xong.
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng hàng trăm cột khác của đoạn tuyến. Và, nay chuyện xảy ra ở Nam Định càng khiến cho mối lo lắng ấy là có cơ sở.