Cơ cấu số lượng GS, PGS giữa các ngành, ngành Kinh tế cao nhất

12/11/2023 07:09
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, trong khi có ngành có gần 100 giáo sư, phó giáo sư được công nhận thì có liên ngành chỉ có 3 phó giáo sư, nhiều ngành không có giáo sư.

Từ khi có Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, yêu cầu về số lượng bài báo khoa học quốc tế đăng trên tạp chí uy tín cũng là thách thức với một số ngành, đặc biệt là ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Những năm gần đây, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có xu hướng giảm, cụ thể như ngành Ngôn ngữ học, Văn học, liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, liên ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao, ….

Cụ thể, năm 2023, một số ngành "trắng" giáo sư như ngành Luyện kim, Văn học, liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao, Xây dựng - Kiến trúc. Đặc biệt có ngành "trắng" giáo sư hai năm liên tiếp là ngành Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Dược học, Văn học.

Thực trạng này đặt ra lo ngại vấn đề bất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành/lĩnh vực.

Theo thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đợt xét giáo sư, phó giáo sư cấp Nhà nước năm 2023, những ngành/liên ngành có nhiều giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhiều nhất là: Kinh tế, Y học, Hóa học – Công nghệ thực phẩm, Cơ khí – Động lực, Điện – Điện tử - Viễn thông, Nông nghiệp – Lâm nghiệp, Sinh học, Vật lý, Toán.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành Kinh tế cao nhất trong tất cả các ngành.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành Kinh tế cao nhất trong tất cả các ngành.

Trong đó, ngành Kinh tế có 86 phó giáo sư, 6 giáo sư; ngành Y học có 57 phó giáo sư, 6 giáo sư; liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm có 48 phó giáo sư, 6 giáo sư; liên ngành cơ khí động lực có 37 phó giáo sư, 6 giáo sư.

Trong khi đó, các ngành/ liên ngành như: Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, Luyện kim, Văn học, Ngôn ngữ học, Cơ học lại có số lượng giáo sư, phó giáo sư rất ít.

Có thể kể đến liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học chỉ có 3 phó giáo sư, không có giáo sư nào. Ngành Văn học, Ngôn ngữ học, Dược học cũng không có giáo sư, số lượng phó giáo sư được công nhận cũng cực ít.

Trong top ngành ít giáo sư, phó giáo sư, nhiều ngành "trắng giáo sư".

Trong top ngành ít giáo sư, phó giáo sư, nhiều ngành "trắng giáo sư".

Nhìn vào 2 biểu đồ top ngành có số lượng giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất và top ngành có số lượng giáo sư, phó giáo sư ít nhất có thể thấy được sự bất cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực.

Thêm một vấn đề đặt ra là mỗi năm có hàng trăm ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, thế nhưng, số lượng giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư, phó giáo sư lại tăng giảm thất thường.

Số lượng giảng viên toàn thời gian học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng giảm thất thường qua các năm. Số liệu: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Số lượng giảng viên toàn thời gian học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng giảm thất thường qua các năm. Số liệu: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Năm 2020, có 339 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, thì từ năm 2020 đến năm 2021, số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư tăng 24 người, nhưng số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm phó giáo sư lại giảm 34 người.

Năm 2021, có 405 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư, trong đó có 42 ứng viên giáo sư, 363 ứng viên phó giáo sư, nhưng từ năm 2021 đến năm 2022, số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư tăng 158 người, số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm phó giáo sư tăng 730 người.

Nhưng từ năm 2022 đến năm 2023, số lượng giảng viên cơ hữu học hàm giáo sư, phó giáo sư lại bị giảm, trong khi năm 2022, có 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn chức danh (34 giáo sư và 349 phó giáo sư). Cụ thể, trong 1 năm mà cả nước giảm 49 giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư, giảm 39 giảng viên cơ hữu có học hàm phó giáo sư.

Giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ từ năm 2020 đến năm 2021 đã tăng đến 1.410 người, thế nhưng năm 2022 lại giảm mạnh, giảm tới 4.196 người.

Bước sang năm 2023, số lượng giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ đã tăng lên 1.060 người so với năm 2022.

Riêng số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ thạc sĩ đã tăng đều trong 4 năm qua; giảng viên trình độ đại học từ năm 2021 đến năm 2023 cũng tăng về số lượng.

Nguyên Phương