Bài báo quốc tế là rào cản khiến nhiều giảng viên "ngại" nâng chuẩn lên GS, PGS

11/10/2022 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Chưa dễ để tạo động lực cho giảng viên đại học chức danh là phó giáo sư tham gia nâng chuẩn chức danh giáo sư", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ. 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Song, con số này là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm, đầu tư vào đội ngũ giảng viên để cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Tỷ lệ giảng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư có xu hướng giảm

Dựa vào số liệu cơ cấu đội ngũ giảng viên đại học, tính đến ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê với tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước là hơn 85.000 người, trong đó, tỷ lệ giảng viên đạt các chức danh có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, có 0,89% giảng viên là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư; 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục đại học cho thấy, tỷ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư đang ở mức thấp, tỷ lệ này có xu hướng giảm kể từ năm 2010.

Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư (trên tổng số giảng viên toàn thời gian) năm 2021 chỉ đạt hơn 7%. Con số này của năm 2010 là 8% theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, căn cứ vào kết quả thực tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê năm 2021, nhìn chung, về tổng thể, tỷ lệ giáo sư trên tổng số giảng viên toàn thời gian chưa đạt 1% (tương ứng chỉ có khoảng 706 giáo sư trong khi phó giáo sư là trên 5.200), con số này là quá thấp.

Chưa tạo động lực để giảng viên là phó giáo sư đạt chuẩn chức danh giáo sư

“Có thể do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nên chưa tạo động lực để giảng viên đại học đạt chức danh là phó giáo sư nâng chuẩn lên chức danh giáo sư. Lấy ví dụ như hiện nay, giáo sư là giảng viên cao cấp, phó giáo sư cũng là giảng viên cao cấp hay giảng viên chính sau khi thi thăng hạng cũng trở thành giảng viên cao cấp”, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.

Những năm gần đây, số giảng viên là phó giáo sư tăng nhiều, nhanh hơn số giáo sư. Cụ thể, theo số liệu mà Giáo sư Nguyễn Thanh Phương có được thì năm học 2010-2011 cả nước chỉ có khoảng 2.200 phó giáo sư. Đến nay là trên 5.200 phó giáo sư.

Lý giải về tốc độ tăng như trên, Giáo sư Phương cho biết một phần là do chính sách khuyến khích khi bổ nhiệm lên phó giáo sư được xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp với hệ số lương cao (6.20). Điều này kéo theo số giảng viên là phó giáo sư tăng lên.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

"Trường Đại học Cần Thơ có tổng 1.086 giảng viên, trong đó có 15 giáo sư, chiếm 1,14% và 149 phó giáo sư, chiếm 13,72%. Tỷ lệ này có cao hơn so với bình quân cả nước nhưng nhìn chung số giáo sư, phó giáo sư vẫn thấp.

Hiện tại, các ngành học thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường có số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt tỷ lệ cao. Các ngành học khác như Khoa học chính trị, Pháp luật hoặc một số lĩnh vực kỹ thuật thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư không cao", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm.

Trên thực tế, ở bậc giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển cũng như nâng tầm chất lượng giáo dục và đào tạo, uy tín của các trường nói chung và Trường Đại học Cần Thơ nói riêng so với khu vực và trên thế giới. Đơn cử, lĩnh vực Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ được xếp vào top 350 trên thế giới theo Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, số lượng giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư của trường nói riêng và của cả nước nói chung còn thấp. Muốn cải thiện và nâng tầm chất lượng giáo dục đại học thì cần quan tâm, đầu tư vào đội ngũ giảng viên.

Còn muốn đầu tư, tăng số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thì phải tìm căn nguyên gốc rễ từ đâu dẫn đến tình trạng chưa đến 1% giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư và chưa đến 7 % phó giáo sư như hiện nay.

Việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng có những tiêu chuẩn cao hơn trước đó là ứng viên đạt chức danh phó giáo sư, giáo sư bắt buộc phải có "bài báo khoa học quốc tế" thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học.

Liên quan đến tiêu chuẩn trên, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương cho rằng, đây cũng chính là rào cản lớn nhất để ứng viên tham gia học tập, nghiên cứu, nâng chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, ứng viên muốn đạt chức danh phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hoặc bằng sáng chế… Ứng viên đạt chức danh giáo sư thì phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học quốc tế…

Điều này đặt ra vấn đề, đó là để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi các ứng viên phải được đào tạo ở nước ngoài hoặc nếu đào tạo trong nước thì phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, những lĩnh vực nghiên cứu về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học ứng dụng có lợi thế hơn do đa số ứng viên được đào tạo ở nước ngoài, còn ứng viên nghiên cứu lĩnh vực thuộc nhóm Khoa học xã hội thường được đào tạo ở trong nước. Do vậy, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học ứng dụng sẽ chênh lệch so với lĩnh vực Khoa học xã hội.

Được biết, kế hoạch nâng chuẩn chức danh giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ là mỗi năm có khoảng 12 giáo sư, phó giáo sư, dự kiến, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư đạt đảm bảo 15-20% tổng số giảng viên của trường.

Ngọc Mai