Số lượng GS, PGS và quy mô đào tạo đại học những năm qua biến động ra sao?

09/11/2023 06:41
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Quy mô đào tạo đại học những năm gần đây tăng lên, giảng viên trình độ tiến sĩ cũng tăng nhưng số giảng viên học hàm GS, PGS tăng/giảm thất thường.

Vừa qua, tại Hội thảo Giáo dục 2023 “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề về quy mô đào tạo đại học và số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cho biết, những năm qua, quy mô giáo dục đại học tăng nhưng số lượng giáo sư, phó giáo sư hầu như không tăng và lại có xu hướng thay đổi theo từng năm.

Chất lượng của giáo dục đại học được đo dựa vào số lượng người thầy giỏi, những nhà khoa học đầu ngành. Thế nhưng khi số lượng giáo sư, phó giáo sư không tăng trong khi số lượng sinh viên tăng thì ở một số trường sẽ khó đảm bảo được chất lượng.

Và số lượng giáo sư, phó giáo sư không tăng thì quy mô đào tạo tiến sĩ chắc chắn cũng không tăng được, vì quy mô đào tạo tiến sĩ còn phụ thuộc vào số lượng giáo sư, phó giáo sư.

Để có cái nhìn tổng quát về bức tranh quy mô đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng như số lượng, trình độ giảng viên trong những năm qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện thống kê theo số liệu thống kê trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về quy mô đào tạo đại học (chính quy, từ xa, vừa làm vừa học) từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021 – 2022 tăng 475.403 sinh viên, nâng tổng số sinh viên từ 1.670.023 em lên 2.145.426 em. Trong đó quy mô trường ngoài công lập tăng 239.901 sinh viên.

Quy mô đào tạo đại học từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022
Quy mô đào tạo đại học từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022

Từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015, quy mô sinh viên tăng hơn 150.000 sinh viên, tuy nhiên đến năm học 2015-2016 lại giảm hơn 70.000 sinh viên.

Đặc biệt, đến năm học 2018-2019, quy mô đào tạo đại học cả nước giảm mạnh (giảm hơn 180.000 em) so với năm học trước. Nhưng các năm học sau đó, quy mô đào tạo dần được tăng lên, đến năm học 2021-2022 cả nước đạt hơn 2 triệu sinh viên đại học.

Có thể thấy, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, quy mô đào tạo đại học tăng lên, thế nhưng số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư lại tăng/giảm thất thường.

Cụ thể, từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022, số giảng viên tăng thêm gần 13.000 người. Số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ tăng lên rõ nét qua từng năm học. Qua 9 năm, cả nước tăng hơn 15.500 giảng viên trình độ tiến sĩ, tăng gần 13.000 giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng/ giảm thất thường

Số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng/ giảm thất thường

Trong khi số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng thì số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư lại tăng/ giảm thất thường và nếu có tăng cũng không đáng kể.

Năm học 2017-2018, số lượng giảng viên học hàm giáo sư có tăng lên so với các năm học trước, tuy nhiên, trong 4 năm học tiếp theo, số lượng giảng viên học hàm giáo sư lại giảm so với năm học 2017-2018.

Trong 3 năm học 2016 – 2017, 2017-2018 và 2018-2019, số giảng viên giáo sư từ 574 tăng vọt lên 729 rồi lại bất ngờ giảm xuống còn 519. Cũng trong 3 năm học này, số lượng phó giáo sư từ 4.113 người tăng lên 4.538 người rồi sau đó lại giảm xuống chỉ còn 4.139 người.

Nếu tính trong 9 năm từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022, số giảng viên học hàm giáo sư tăng thêm 115 người, số giảng viên học hàm phó giáo sư tăng hơn 1600 người.

Vậy với số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng giảm thất thường và tăng không đáng kể thì sẽ ảnh hưởng đến quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ như thế nào?

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2016-2017 đến năm học 2021-2022, quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cũng tăng/giảm thất thường qua từng năm. Qua 6 năm, tổng quy mô chỉ tăng lên 2.198 người, trong khi đó, số lượng nghiên cứu sinh giảm 1.887 người, số học viên cao học tăng 4.085 người.

Trong 6 năm, số lượng nghiên cứu sinh giảm 1.887 người, số học viên cao học tăng 4.085 người.

Trong 6 năm, số lượng nghiên cứu sinh giảm 1.887 người, số học viên cao học tăng 4.085 người.

Năm học 2018-2019, số lượng nghiên cứu sinh giảm mạnh so với năm học trước, từ 14.686 người giảm còn 11.000 người, đến năm học 2020-2021 số nghiên cứu sinh tăng lên 12.112 người nhưng đến năm học tiếp theo lại giảm còn 11.700 người.

Cũng trong năm học 2018-2019, số lượng học viên cao học giảm mạnh, giảm hơn 9.000 người so với năm học trước đó.

Những con số trên đã có thấy số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư có tác động, ảnh hưởng đến quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.

Nguyên Phương