Có em học thêm tới 12 ca/tuần, tuổi thơ không có gì khác ngoài học

28/12/2023 09:24
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phía sau những điểm số, những tờ giấy khen thì học sinh, phụ huynh đang phải đánh đổi rất nhiều thứ, như: sức khỏe, tiền bạc, tâm lí, cảm xúc của học trò.

Có lẽ, trong thâm tâm của nhiều học trò đang đi học thêm hiện nay đều rất ngán ngại suốt ngày ngồi trong phòng học chính, học thêm ở nhà trường và ở nhà của thầy cô giáo bởi lịch học trong ngày của nhiều em đều kín.

Những học sinh cuối cấp như lớp 9, lớp 12 thì lịch học thêm càng dày đặc hơn bởi tâm lí học sinh lo, nhà trường lo và tất nhiên phụ huynh cũng luôn phải đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em của mình trong việc học.

Lịch học kín ngày, kín tuần và học gần như quanh năm, suốt tháng. Tất nhiên, có nhiều học sinh sẽ tiến bộ hơn về điểm số và nắm kĩ hơn về các đơn vị kiến thức môn học bởi vì đa số những môn thi tuyển sinh 10 hoặc thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh học đi, học lại nhiều lần.

Nhưng, phía sau những điểm số, phía sau những tờ giấy khen của mỗi năm học thì học sinh, phụ huynh đang phải đánh đổi rất nhiều thứ, như: sức khỏe, tiền bạc, tâm lí, cảm xúc của học trò. Đặc biệt, tuổi thơ hồn nhiên mộng mơ của nhiều em đã không còn, một số kĩ năng cần thiết, cơ bản cũng không còn được chú trọng khi học sinh suốt ngày tất bật với lịch học chính, học thêm.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Có những học sinh mỗi tuần học thêm đến 12 ca

Bản thân người viết bài là một giáo viên phổ thông ở một trường thị trấn, hiện đang ôn thi học sinh giỏi cho một môn của lớp 9. Đội tuyển có 5 học sinh nhưng rất hiếm hoi có mặt đầy đủ trong các buổi học. Thông thường, mỗi buổi được 3-4 em đã là mừng lắm rồi.

Các em vắng trong các buổi ôn thi phần lớn là bận đi học thêm. Có những hôm đang ôn thi nhưng học sinh vẫn xin phép về trước để đi học thêm. Tất nhiên, học sinh có nhiều lựa chọn cho riêng mình. Ôn thi học sinh giỏi cuối cấp không phải là mục tiêu chính của các em.

Trong đội tuyển mà bản thân tôi đang ôn, đa phần các em đang học thêm từ 3 đến 4 môn học nên lịch học gần như suốt tuần. Các em gần như không có khái niệm ngày nghỉ Chủ nhật vì ngày này các thầy cô đều bố trí lịch học thêm do không vướng lịch dạy ở trường.

Một học sinh chia sẻ, hiện em đang học thêm 4 môn, mỗi môn 3 ca nên mỗi tuần em phải học thêm đến 12 ca học thêm.

Chính vì thế, ngoài 6 buổi học chính khóa ở trường; 1 buổi học thể dục; 01 buổi học tin học trái buổi; 02 buổi ôn thi học sinh giỏi và nhiều khi còn phải vào trường tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp, của trường nên về cơ bản lịch học ở trường cũng đã rất tất bật.

Vì thế, 12 ca học thêm này chủ yếu buổi tối, hoặc ca 17-19 giờ, hoặc vào ngày Chủ nhật.

Với lịch học thêm như vậy, rõ ràng học sinh sẽ rất vất vả. Vì ngoài chuyện học chính, học thêm theo lịch của nhà trường, thầy cô thì học sinh còn phải chuẩn bị bài mới, làm bài tập ở nhà.

Những học sinh học yếu, ít có động lực học tập thì còn có thể lơ là nhưng những em học tốt, được cha mẹ đầu tư để thi vào trường chuyên hoặc trường có uy tín, tỉ lệ chọi cao thì phải học nhiều hơn bạn bè cùng trang lứa.

Các em đi học như một cái máy đã được cài đặt sẵn mà nhà trường, thầy cô đã sắp sẵn lịch học tập. Một khi đã tham gia học thêm cũng đồng nghĩa phải theo thầy, theo cô. Các em nghỉ buổi nào là mất tiền buổi ấy vì tiền học thêm đã đóng đầu tháng, thậm chí đã đóng cả học kỳ.

Nhìn chung, học sinh phổ thông, nhất là học sinh ở những nơi có điều kiện, phụ huynh nào cũng đầu tư cho con mình một cách tối đa. Em này học thêm được dẫn đến phụ huynh các em khác cũng sốt ruột vì sợ con em mình không bằng bạn, bằng bè.

Cuối năm, con người ta được khen thưởng mà con mình không được cũng cảm thấy chạnh lòng. Vì thế, vòng xoáy học thêm của học sinh cứ kéo dài triền miên từ năm này đến năm khác.

Làm sao để học sinh có một tuổi thơ trọn vẹn?

Phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề hiện nay, chúng ta thấy rất khó có thể hạn chế được việc dạy thêm của giáo viên và việc học thêm của học trò vì thầy có mục đích của thầy, trò có mục đích của trò.

Chương trình 2006 khi chưa giảm tải thì học sinh đã học thêm, khi được giảm tải nhiều lần học sinh vẫn phải học thêm. Khi Bộ triển khai chương trình 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học được kỳ vọng sẽ giảm được việc học thêm nhưng học sinh vẫn đang học thêm một cách rất bình thường.

Nhìn chung, dạy thêm, học thêm hiện nay cũng không có gì mới so với trước đây. Chủ yếu giáo viên, các trung tâm gia sư đang dạy thêm cho học trò bằng cách là dạy trước chương trình chính khóa. Phần lớn học sinh học thêm là học với thầy cô đang dạy chính khóa ở trên lớp nhằm cải thiện điểm số. Vì thế, một đơn vị kiến thức nhưng học sinh phải mất tiền học đi, học lại nhiều lần.

Một khi đã học thêm ở nhà thầy cô giáo, đã biết trước được kiến thức, đáp số thì khi lên lớp học sinh sẽ lơ là trong học tập. Giáo viên dạy lại các bài đã dạy ở lớp học thêm thì hỏi đến đâu, học sinh biết đến đó vì đã có sẵn đáp án trong vở học thêm.

Các bài kiểm tra học sinh được định hướng, hướng dẫn cặn kẽ ở lớp học thêm nên điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ thường cao. Thầy cô cũng tạo điều kiện, nhất là điểm thường xuyên được phép kiểm tra nhiều lần và lấy điểm cao nhất cho học trò.

Chương trình 2018 với mục tiêu là phát triển phẩm chất, năng lực cho người học nhưng cách dạy, cách học và kiểm tra hiện nay vẫn chủ yếu là tái hiện kiến thức.

Trước khi kiểm tra, học sinh vẫn đang học thuộc lòng, hoặc thầy cô làm sẵn đề cương mà đề cương với đề kiểm tra cơ bản giống nhau. Điểm khác là đề cương có thêm vài câu hỏi, đề kiểm tra bớt đi vài câu hỏi mà thôi.

Điểm số học sinh cao hơn, danh hiệu học sinh có nhiều hơn nhưng phía sau những điểm số và danh hiệu học tập hiện nay cũng có rất nhiều những mặt trái mà chỉ những người trong cuộc mới thấy rõ vấn đề.

Vòng xoáy học thêm của học trò cứ nối dài từ năm này sang năm khác. Cuối năm, các em có danh hiệu học tập cao đương nhiên các em vui, phụ huynh vui và thầy cô và nhà trường cũng vui, nhận được nhiều lời khen ngợi…

Nhưng, nếu vòng xoáy học thêm vẫn được duy trì chúng ta thấy có rất nhiều hệ lụy mà người thiệt thòi nhất lại chính là các em học trò.

Các em cứ mải mê học tập, được cha mẹ làm hết việc nhà đương nhiên các em sẽ thiếu đi những kĩ năng cần thiết khi phải tự lập sau này. Các em cứ nhốt mình trong lớp học chính, học thêm suốt sáng, chiều, tối đương nhiên các em sẽ không có được nhiều thời gian bên cạnh những người thân yêu, bạn bè của mình.

Khi kết thúc các ca học trong ngày, nhiều em lại lo chuẩn bị bài mới, bài cũ. Những lúc thảnh thơi lại cắm cúi vào màn hình điện thoại để sống với thế giới riêng của mình mà quên đi những bậc sinh thành đang hằng ngày lo từng miếng ăn, lo dọn dẹp những công việc gia đình mà đáng lẽ ra những công việc như rửa bát, quét nhà, giặt đồ các em đã biết, đã thuần thục từ nhỏ.

Những kĩ năng giao tiếp, hòa đồng với những người xung quanh nhiều em cũng thiếu, không ít học sinh trở nên cộc cằn, thô lỗ với bậc sinh thành và rất ngại trò chuyện với cha mẹ mình, với mọi người xung quanh.

Tuổi thơ các em sẽ lặng lẽ trôi qua với những con số khô khan, với những trang sách lạnh lùng để làm đẹp cho điểm số. Và đâu đó chúng ta chứng kiến không hiếm học sinh đang mất dần đi tuổi thơ của mình bởi một phần do học thêm quá nhiều.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY