Cô gái "tim ấm"

21/02/2012 06:00
Nguyễn Lâm Tùng
(GDVN) - Nhắc tới Đào Thị Quỳnh Trang, có lẽ ít sinh viên trong trường ĐH Y tế công cộng cảm thấy xa lạ.

Cô gái đến từ mảnh đất nghèo huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) là người sáng lập Nhóm tình nguyện Cỏ ba lá, đồng thời là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ hiến máu nhân đạo và Cộng đồng xanh của trường.

Mới đây, vượt qua hàng trăm ứng viên trên khắp cả nước, cô gái “tim ấm” này và nhóm tình nguyện Cỏ ba lá đã vinh dự nhận được Giải thưởng Chim én 2011 dành cho những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Nhóm tình nguyện Cỏ ba lá
Nhóm tình nguyện Cỏ ba lá

Những cánh én tình nguyện

Tháng 12/2009, nhóm tình nguyện Cỏ ba lá do Trang sáng lập được ra đời với 15 thành viên chính thức cùng hàng chục tình nguyện viên đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội. Dự án “Nâng bước chân trẻ miền núi” là dự án đầu tiên của nhóm hướng tới việc xây dựng chương trình hướng dẫn kỹ năng chăm sóc bản thân và hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập thiết yếu cho trẻ em miền núi.

Một trong những hoạt động quan trọng của dự án là khuyến khích, động viên các em nhỏ tới lớp học và tác động làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc cho trẻ tới lớp. Sau hơn một năm triển khai, số trẻ tới trường của huyện Trạm Tấu tăng rõ rệt. Thậm chí, không ít bậc phụ huynh còn tham gia ngồi học cùng con.

Dự án “Nâng bước chân trẻ miền núi” đã giúp số trẻ tới trường của huyện Trạm Tấu tăng rõ rệt
Dự án “Nâng bước chân trẻ miền núi” đã giúp số trẻ tới trường của huyện Trạm Tấu tăng rõ rệt

Dù vậy để có được thành công này, nhóm dự án đã phải vượt qua không ít khó khăn. Không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn bởi quãng đường tình nguyện quá xa. Mỗi lần lên Trạm Tấu làm tình nguyện, nhóm phải đi bộ gần 5km đường rừng núi. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất có lẽ là vấn đề tài chính. Ngày mới thành lập, sự hỗ trợ của các đoàn thể là không nhiều. Chính vì vậy, nhóm phải tới từng trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các bạn sinh viên khác. Quỹ “Hũ gạo vùng cao” và “Học bổng hiếu học” cũng ra đời từ đó.

Hiện Trang cùng nhóm tình nguyện Cỏ ba lá đang xây dựng kế hoạch để có thể mở rộng dự án “Nâng bước chân trẻ miền núi” sang các xã Bản Công, Pá Hú và các xã khác của huyện Trạm Tấu. Nhóm cũng đang lên kế hoạch kêu gọi tài trợ để thực hiện dự án “Đưa nước sạch đến với đồng bào nghèo tỉnh Yên Bái” trong năm 2012.   

“Cháu xin cô ạ”



Trang kể, Tết nguyên đán năm học lớp 9, cô cùng một vài người bạn tới thăm khu suối Tà Xùa. Con suối cách trung tâm huyện Trạm Tấu khoảng 3km. Đường xấu nên không phương tiện nào đi vào được nên cả nhóm phải đi bộ mất gần 40 phút. Khi cả nhóm gần đến nơi thì tình cờ gặp mấy em nhỏ chừng 4-5 tuổi đang nhặt củi về sưởi ấm. Không quần áo ấm, không mũ len, không tất chân. Một vài em thậm chí còn chẳng có dép, đôi chân trần thâm tím vì lạnh.

Trong lòng nhóm bạn trẻ tới từ thành phố trào dâng một cảm xúc khó tả. Trang cùng các bạn đã chia cho các em toàn bộ phần bánh kẹo mang theo để ăn đường và dự định liên hoan khi tới Tà Xùa. Nhận được bánh kẹo từ tấm lòng của những “người xa lạ”, các em nhỏ đồng loạt khoanh tay và nói: “Cháu xin cô ạ”. Trang cũng như nhiều bạn bè trong đoàn không khỏi bất ngờ và xúc động.

Càng cảm động hơn khi nhận được những chiếc bánh kẹo, các em không ăn ngay mà luôn ngoảnh sang nhìn quanh, rồi bẻ thành đôi, thành ba để chia cho các bạn bên cạnh. Chiếc bánh nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay mà đôi khi được chia thành 7-8 phần.

Phải sống thật tâm dù chịu thiệt thòi

Cô gái "tim ấm" ảnh 3

Quỳnh Trang và Lớp học nâng bước chân trẻ miền núi

Quỳnh Trang sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo thuộc huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Dù còn nhiều khó khăn nhưng mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng những gì đẹp nhất: những dãy núi trùng điệp, những rừng thông xanh ngắt quanh năm, những dòng suối hiền hòa và trong lành. Đặc biệt, con người nơi đại ngàn tổ quốc này luôn rất thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Trang may mắn vì được gia đình tạo điều kiện cho lên thành phố Lào Cai học từ khi 6 tuổi. Với Trang, 14 năm học (12 năm ở cấp phổ thông và hai năm đại học) là quãng thời gian không ngắn nhưng đủ dài để cô cảm nhận tình yêu thương nơi xa mà bố mẹ và người em gái dành tặng mình. Mỗi năm, Trang chỉ tranh thủ về quê được hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết nguyên đán nhưng như Trang nói, cô chưa bao giờ cảm thấy cô đơn.

Xa gia đình và quê hương nên mỗi khi có dịp về thăm, Trang lại đi lòng vòng cả ngày trong bản chỉ để cố gắng lưu giữ lại những hình ảnh thân quen của quê hương. Cô nói: để khi đi xa có cái nhớ về! Bạn bè, người thân gọi cô là Trang “đồ cổ” bởi cô có một sở thích khá… kỳ quặc. Đó là sưu tầm những thứ cũ kỹ và có hình thù kỳ lạ.

“Bố mẹ luôn nhắc nhở em phải sống thật với tâm mình. Không bao giờ được phép làm bất cứ điều gì có hại cho người khác. Thậm chí có thể chịu phần thiệt thòi hơn một chút về mình cũng được (?!). Để có chữ chỉ cần học vài năm nhưng để có đạo đức thì phải học cả đời”, Trang chia sẻ.

Chính những lời động viên từ nhỏ đó đã trở thành động lực giúp Trang vượt qua những khó khăn nơi phố thị, nuôi dưỡng tâm hồn và giúp cô gái đến từ Trạm Tấu vững tin vào những ước mơ đang theo đuổi. Trang cùng rất nhiều bạn trẻ tình nguyện khác đang thực sự là những cánh én mang tới sức sống mới cho trẻ em nghèo miền núi.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt

Nguyễn Lâm Tùng