Mong muốn lớn nhất của cô giáo Nguyễn Thị Hoa (giáo viên Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) là sản xuất những bộ phim ngắn về tuổi học trò, những nghịch cảnh, cám dỗ đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Qua đó, góp phần giáo dục cho các em cũng như thức tỉnh sự quan tâm, chăm sóc của các bậc phụ huynh với con cái mình.
Cháy bỏng điềm mê
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, có bố là đạo diễn (phó Giám đốc đài truyền hình Đà Nẵng), từ nhỏ, cô Hoa đã được theo bố đến trường quay, ra phim trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (thứ hai từ phải sang) luôn cháy bỏng niềm đam mê với nghề đạo diễn. |
Những cảnh phim, những bộ trang phục, cách diễn xuất của diễn viên... đã thấm dần vào trong tâm hồn của cô bé ngây thơ ngày nào.
“Ngày đó, mình vẫn mơ ước được làm cô giáo, được đứng trên bục giảng chứ không nghĩ sẽ làm đạo diễn như bố”, cô Hoa chia sẻ.
Năm 1999, cô tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm âm nhạc Trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng và bắt đầu với công việc của người đưa đò thầm lặng. Niềm đam mê âm nhạc của cô giáo trẻ được truyền thụ cho từng lớp học trò.
Một thầy giáo mê đọc sách, viết thơ văn |
Năm 2012, khi ngành giáo dục mở cuộc thi Piano kỹ thuật số cấp quốc gia dành cho giáo viên thì cô cùng con trai được phòng Giáo dục quận Hải Châu cử đi tham dự.
“Lúc đó, mình nghĩ chỉ là đi chơi thôi. Nhưng không ngờ, hai mẹ con cùng vượt qua vòng loại cấp thành phố và đạt giải nhất toàn quốc. Đó là kỷ niệm đáng nhớ”, cô Hoa chia sẻ.
Năm 2014, khi ngành giáo dục tiếp tục tổ chức cuộc thi Piano kỹ thuật số tiếp theo, cô Hoa cùng một học sinh trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, nơi cô đang giảng dạy đi thi. Và kết quả năm đó, cả hai cô trò cùng đạt giải xuất sắc.
Cô tâm sự rằng, trong cuộc đời của mình, cô có ba niềm đam mê và cái nào cũng mãnh liệt, rực cháy. Đó là niềm đam mê với nghề giáo, âm nhạc và nghề đạo diễn.
Dù cuộc sống của người giáo viên ngày đó còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng cô vẫn phải làm đủ việc để xoay sở với niềm đam mê của mình.
“Ngoài việc dạy nhạc thì năm 2015, khi trường điện ảnh quốc tế Sài Gòn tuyển đạo diễn về làm phim nên mình đăng ký tham gia đi học.
Lúc đó mình chỉ suy nghĩ đơn giản, đó là niềm đam mê và thứ hai là Đà Nẵng chưa có sự phát triển về điện ảnh nên mong muốn mang bộ môn nghệ thuật này về thành phố”.
Sau hai năm miệt mài học tập, theo chân các đoàn làm phim từ Đồng Nai đến miệt vườn Cà Mau, năm 2017, cô Hoa trở về Đà Nẵng tiếp tục công việc của một giáo viên âm nhạc.
Những vở kịch được dàn dựng công phu của cô đã giúp nhà trường và phòng giáo dục liên tục gặt hái những kết quả cao trong các cuộc thi cấp thành phố.
Con đường đến với môn nghệ thuật thứ 7
Chia sẻ về niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ 7, cô Hoa nói, trong những ngày học lớp đạo diễn đã được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hướng dẫn và “truyền nghề” tận tình.
Cô Hoa đang diễn xuất trong một trích đoạn phim. Ảnh: NVCC |
Chính nhờ sự tận tụy của người thầy đã giúp cô có được những kỹ năng và kinh nghiệm trong nghề đạo diễn.
“Với thời lượng học 2 năm thì mình chưa thể am hiểu hết về nghề. Nhưng những chuyến đi thực tế với thầy Dũng, những lần tham gia đoàn phim với các nghệ sĩ nổi tiếng đã giúp mình có thêm được nhiều kiến thức, kỹ năng”.
Bỏ lại đằng sau những khó khăn, chật vật của cuộc sống, cô Hoa bắt đầu cho “ra lò” những tác phẩm phim ngắn đầu tay với thời lượng 30-40 phút như: "Sinh mệnh thiên thần", "Trả giá", "Ước mơ thiên nga"...
Tất cả những kinh phí cho bộ phim đều do cô Hoa tự bỏ tiền túi ra chi trả. Những đạo cụ, thiết bị trường quay cùng đội ngũ chuyên gia, diễn viên đều được thuê từ thành phố Hồ Chí Minh về.
Cô Lê Thị Trang Nhung, cô giáo của những sáng tạo Văn học |
Có những kịch bản cô phải dành 4-5 tháng trời để hoàn thành. Nhiều lúc, nữ đạo diễn trẻ phải làm việc đến 2-3 giờ sáng mới hoàn thiện kịch bản phim.
“Trong bộ phim đầu tay của mình, tôi luôn cảm ơn nhà biên kịch - đạo diễn Chu Quang Mạnh Thắng, người đã góp nhiều công sức rất lớn để giúp tôi hoàn thành bộ phim”, cô Hoa nói.
Điều đặc biệt là hầu hết các bộ phim của cô Hoa đều xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt của giới trẻ và gia đình.
Trong đó, phản ánh những hiện trạng nóng bỏng của xã hội hiện nay như: trẻ tự kỷ, nạn ấu dâm, nghiện game…
Qua mỗi câu chuyện, mỗi cảnh quay là một bài học dạy cho học trò về cách sống, kỹ năng sống cũng như cách ứng xử trước những tệ nạn của xã hội. Và phụ huynh khi xem phim, “soi mình” vào đó để có cách quản lý, giáo dục con cái tốt hơn.
“May mắn khi mình là một giáo viên, được tiếp xúc với các em suốt 20 năm rồi nên hiểu được tâm tư, tình cảm của các em.
Khi ở trong vai trò là người đạo diễn thì mình sẽ có được những cảm xúc thực sự. Những cảm xúc đưa lên phim là những cảm xúc thật của một cô giáo đã từng trải qua.
Nếu như không phải là một giáo viên thực sự thì người đạo diễn sẽ rất khó hiểu. Vì mình đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thực tế của các em”.
Cô Hoa cũng chia sẻ thêm, trong quá trình đi dạy, có những em tự kỷ, trầm cảm đến mức mà chỉ cầm giáo viên la một tiếng thì em đó sẽ dùng kéo hoặc móng tay cào mặt chảy máu.
“Lần đầu chứng kiến cảnh đó mình rất đau lòng. Giáo viên phải nhẹ nhàng nói chuyện, chia sẻ dần dần thì các em mới chịu lắng nghe.
Nên mong muốn của mình qua những dự án phim là truyền tải một thông điệp đến với phụ huynh và xã hội phải làm gì để ngăn tình trạng trẻ tự kỷ, trầm cảm đang ngày một nhiều hơn.
Đó là trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh và cả cộng đồng”.