LTS: Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đang đến gần, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một số lưu ý khi làm bài thi môn Văn từ kinh nghiệm của một đồng nghiệp.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Là giáo viên dạy Văn Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) lại thường xuyên đi chấm thi các kì thi Trung học phổ thông quốc gia, cô Trịnh Thị Huệ đã chia sẻ khá nhiều những điểm đáng tiếc mà học sinh thường mắc phải khi làm bài thi.
Đồng thời, cô cũng nhắn gửi những học sinh khi làm bài thi Ngữ văn năm học này, một số lưu ý với hy vọng các em sẽ không mắc phải để bài làm đạt kết quả tốt hơn.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2017. (Ảnh: TTXVN) |
Những lưu ý khi làm phần Đọc hiểu
Bài thi Ngữ văn sẽ gồm 2 phần chính là Đọc hiểu và Làm văn.
Ở phần đọc hiểu là phần thi dễ lấy điểm nhất nhưng khá nhiều học sinh đã mắc sai lầm trong khi làm bài, dẫn đến tình trạng mất điểm oan hoặc không được điểm cao.
Đây thật sự là một điều đáng tiếc.
Nhiều em trả lời câu hỏi lan man, dài dòng, viết dài lê thê cả trang giấy nhưng lại không có điểm nào vì trình bày không có ý trong đấy.
Có em mất điểm, không đạt điểm tối đa do bị trừ điểm diễn đạt. Để đạt điểm tối đa, các em chỉ cần trả lời ngắn gọn, xúc tích.
Người ta hỏi sao trả lời đúng trọng tâm câu hỏi ấy. Bài làm chỉ cần trả lời vài ba câu nhưng đúng ý là có điểm tuyệt đối.
Ví như người ta hỏi “Anh chị có đồng tình với ý kiến này không?”, đã có nhiều em đi vào lý giải ngay, trả lời như thế là mất từ 0.25 đến 0.5 điểm.
Nhưng chỉ cần câu trả lời có một từ “có” hoặc “không” lại có luôn số điểm ấy.
Hay câu “anh chị hãy xác định thao tác, phương pháp biểu đạt chính (hoặc chủ yếu)” nhiều em lại ghi từ 2 phương pháp biểu đạt, mà không hiểu rằng “chính” hoặc “chủ yếu” chỉ có duy nhất một.
Khi chấm gặp những bài làm như thế, giám khảo thường không cho điểm vì cho rằng thí sinh hiểu mơ hồ, không biết cái nào là chính.
Nếu hỏi “Những thao tác, lập luận nào…?” mới ghi từ 2 thao tác trở lên.
Có không ít em đã làm đúng nhưng cuối cùng lại gạch đi sửa lại và thành sai…
Trong phần viết đoạn văn nhiều em thiếu luôn phần giải thích, phần bình luận hoặc phân tích. Lưu ý, nếu thiếu một trong những phần ấy sẽ bị mất điểm.
Viết đoạn văn bàn về câu hói “hạnh phúc là sự trở về”, trong bài làm của mình, phải có sự giải thích 2 từ “hạnh phúc là gì” “trở về là gì?”, giải thích xong từ ngữ, giải thích từng ý mới giải thích cả câu nói ấy nói gì?
Xong xuôi mới đi vào phân tích, chứng minh vấn đề đúng hay sai? Sai thế nào? Có dẫn chứng minh họa.
Các em cần lưu ý bao giờ nghị luận văn học cũng có phần bác bỏ. Giả sử đó là hiện tượng mình ca ngợi vẫn phải có phần làm ngược lại là phê phán hiện tượng sai.
Ví như nói “tình thương giữa con người với con người…” phần bác bỏ vẫn còn hiện tượng một số người sống vô cảm, thờ ơ… để lật lại vấn đề, để lập luận thêm sâu sắc cần đưa dẫn chứng minh họa nhưng tuyệt đối không sa đà.
Dẫn chứng phải cô đọng, súc tích vì bài viết chỉ giới hạn 200 chữ.
Phần rút ra bài học cho bản thân cần thực tế, gần gũi đúng với suy nghĩ nhận thức lứa tuổi đừng nên viết cái gì cao siêu quá, xa rời thực tế và sáo rỗng sẽ khó lấy được điểm của giám khảo.
Lưu ý khi làm bài thi phần Làm văn Nghị luận xã hội
Thí sinh đừng để mất điểm oan môn Toán ở các câu nhận biết và thông hiểu |
Đây được xem như phần khó nhất của bài thi Ngữ văn. Thường đề được phân theo 2 mức độ cơ bản và nâng cao.
Phần cơ bản dành cho học sinh chỉ cần đạt 5-6 điểm để đủ điểm tốt nghiệp.
Phần nâng cao tuy chiếm khoảng 30-40% bài Nghị luận văn học nhưng nó quyết định bài làm có đạt mức điểm giỏi hay không.
Khi so sánh, liên hệ giữa hai tác phẩm, các em cần tìm ra những điểm giống nhau như giống về đề tài, về cảm hứng, hay về phong cách, nghệ thuật, về cách nhìn của nhà văn…
Từ đề thi thử vừa qua, phần lớn học sinh khi làm phần mở bài đã không đạt yêu cầu vì các em chỉ nói về một tác giả, tác phẩm.
Tác giả còn lại các em để mãi phần sau mới đề cập tới. Bởi thế, phần mở bài sẽ bị thiếu, chưa đạt yêu cầu.
Khắc phục tình trạng này, học sinh cần lưu ý ngay từ phần mở bài phải giới thiệu được cả 2 tác giả, từ tác phẩm lớp 12 liên hệ tác phẩm lớp 11…
Bài văn nghị luận phải đảm bảo được sự liên kết về ý, liên kết câu tránh việc trình bày rời rạc, lan man.
Và cuối cùng bài viết cần trình bày sạch đẹp để giám khảo có cảm tình.
Một thực tế cho thấy, thời gian chấm thi tiết trời nắng gắt, áp lực công việc chấm khá cao nhưng cầm một bài văn với chữ viết nguệch ngoạc giám khảo khá khó chịu và không muốn đọc.