Nhọc nhằn nào bằng chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn?

22/05/2018 06:48
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Trong kỳ thi quốc gia, ngoài các môn thi trắc nghiệm được chấm trên máy thì môn thi tự luận Ngữ văn được yêu cầu chấm thi đặc biệt cẩn trọng và nghiêm túc.

LTS: Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đang đến gần, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc ghi nhận những ý kiến, tâm tư của các thầy cô giáo từng tham gia chấm thi tự luận trong kỳ thi quốc gia.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 04/2017/TT- BGDĐT, ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Có thể nói, đây là một quy chế rất chặt chẽ, đầy đủ từ khâu thành lập các hội đồng coi thi; hội đồng in sao đề thi; hội đồng chấm thi, hội đồng chấm thi phúc khảo…

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm ngoái, chỉ có duy nhất môn Ngữ văn là thi theo hình thức tự luận, còn các môn thi, bài thi tổ hợp khác chuyển sang hình thức trắc nghiệm khách quan.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đang đến gần. (Ảnh minh hoạ: TT/Giaoduc.net.vn)
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đang đến gần. (Ảnh minh hoạ: TT/Giaoduc.net.vn)

Các môn thi, bài thi trắc nghiệm khách quan do máy chấm, thời gian chấm và xử lý những sai sót về kỹ thuật diễn ra khá nhanh, chỉ cần một vài ngày là hoàn tất, cho kết quả cụ thể, chính xác.

Với hình thức thi và chấm bằng máy như thế đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản kinh phí không hề nhỏ (chế độ công tác phí, chế độ chấm thi cho cán bộ, giáo viên…).

Đối với bài thi môn Ngữ văn, theo hình thức tự luận thì vẫn cần phải huy động một số lượng thầy cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn nhất định ở các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành phố để thực hiện việc đánh giá, thẩm định, ghi điểm từng bài thi của thí sinh.

Là một giáo viên có nhiều năm chấm thi Trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Viết Hòa, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) nhận xét:

"So với các năm trước đây thì cách chấm bài thi tự luận năm vừa rồi được quy định tại Điều 25 của Quy chế 04 nêu trên thì việc chấm và thống nhất điểm của các giám khảo chấm thi, tổ trưởng tổ chấm vô cùng vất vả, nhọc nhằn hơn nhiều.

Nhọc nhằn nào bằng chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn? ảnh 2Chấm thi quốc gia 2017 được thực hiện như thế nào?

Kết quả một bài thi giữa giám khảo thứ nhất và giám khảo thứ hai chỉ cần chênh nhau từ 1 điểm đến 1,5 điểm phải lập biên bản, báo cáo tổ trưởng tổ chấm, nếu qua đối thoại không thống nhất được với nhau thì tổ trưởng tổ chấm quyết định số điểm.

Nếu một bài thi mà chênh nhau trên 1,5 điểm, trên 2,5 điểm thì công đoạn đối thoại, giao cho tổ trưởng tổ chấm vòng 3, rồi chia điểm trung bình… tốn nhiều công sức, thời gian.

Do đặc thù của môn Ngữ văn, cách diễn đạt, lập luận của các thí sinh khá phong phú, đa dạng nên việc đánh giá, chấm điểm bài thi có độ lệch giữa hai giám khảo 1 và 2 thường xuyên xảy ra.”

Tham gia trực tiếp tại một hội đồng chấm thi tự luận năm 2017, tôi nhận thấy:

"Mấy ngày đầu, vì chưa nhuyễn đáp án và quy trình chấm tự luận nên nhiều giám khảo bị áp lực, lo lắng dữ lắm.

Có một xấp bài thôi mà cả ngày chấm vẫn không sao khớp, thống nhất với nhau được.

Thư ký liệt kê ra hàng loạt bài chênh từ 1 điểm trở lên từ 2 phiếu chấm độc lập, mời gọi lên đối thoại, làm việc với tổ trưởng tổ chấm liên tục, có người mặt xanh xám, vã mồ hôi hột…

Nghĩ mà thương cho những thầy cô giáo đi làm nhiệm vụ nặng nề, khó nhọc này.”

Nhọc nhằn nào bằng chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn? ảnh 3Mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi Ngữ văn

Sau khi đi chấm thi về, cô Lan, một giáo viên Trung học phổ thông ở thành phố Đà Nẵng, phân trần:

"Năm tới (2018) có rút tôi đi chấm thi Trung học phổ thông quốc gia nữa, tôi cũng xin nghỉ một năm, nhường lại cho các giáo viên trẻ tuổi hơn tôi.

Thời tiết nắng nóng, nhiều bài thí sinh viết cẩu thả, nguệch ngoạc, đọc không ra chữ, cộng với quy trình chấm quá nghiêm ngặt, chặt chẽ, tôi chịu hết nổi.

Sau khi công bố kết quả thi mà các giám khảo như chúng tôi vẫn chưa hết nỗi lo, vì sợ chấm sót, cộng nhầm điểm khi thí sinh phúc khảo lại bài.

Trong khi đó, chế độ bồi dưỡng cho người chấm còn thấp chưa tương xứng với công sức, trách nhiệm mà chúng tôi đã bỏ ra.”

Theo thầy Nguyễn Viết Hòa, một quy trình chấm bài thi tự luận chặt chẽ, nghiêm ngặt như vậy là rất cần thiết để các giám khảo chấm đúng tất cả bài thi của thí sinh, tránh tình trạng chấm chủ quan, cẩu thả, đem lại sự công bằng, chính xác cao cho các em.

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 sắp đến rất gần, công đoạn chấm thi bài tự luận môn Ngữ văn sẽ diễn ra ngay sau khi công tác coi thi hoàn tất và Quy trình chấm thi vẫn giống y như năm ngoái, mọi thí sinh và dư luận xã hội mong sao các thầy cô giáo được điều động đi chấm thi tiếp tục giữ vững ý thức trách nhiệm, vượt qua những áp lực, khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng thời, các địa phương, hội đồng chấm thi cần tính toán, tăng thêm chế độ bồi dưỡng cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia công đoạn chấm thi để kịp thời động viên, khích lệ và ghi nhận công lao, đóng góp lớn của họ vào thành công chung của một kỳ thi quan trọng bậc nhất hiện nay.

ĐỖ TẤN NGỌC