Cô giáo góp ý cho Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

10/08/2015 08:03
Phan Tuyết
(GDVN) - Trước khi áp dụng việc đổi mới chương trình Bộ GD&ĐT cần triệt để xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục đang tồn tại hiện nay.

LTS: Ngày 5/8, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông nhằm khái quát toàn bộ chương trình giáo dục trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông. 

Vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết mạnh dạn đưa ra nhìn nhận về những hạn chế mà Dự thảo gặp phải với mong muốn trước khi đổi mới các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ càng. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết. 


Kể từ lần đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông gần đây nhất vào năm 2002 đến thời điểm này được hơn 10 năm. 

Trong thời gian hơn 10 năm đó, giáo viên và học sinh đã phải xoay như chong chóng để tiếp cận và làm quen với nội dung chương trình, phương pháp dạy học mới nhưng chưa kịp thích nghi lại tiếp tục lao vào một cuộc đổi mới khác.

Ngược dòng thời gian

Để giáo viên nắm được chương trình dạy học, quy trình một tiết lên lớp, những phương pháp sử dụng hiệu quả trong một tiết dạy…giáo viên được đi tập huấn thay sách từ năm 2003 đến năm 2006. 

Trong những năm học này, giáo viên thường xuyên được tổ chức thao giảng ở tổ, trường, cụm trường, liên trường trong huyện thị với nhau.

Thao giảng, góp ý, nhận xét và bổ sung rồi rút kinh nghiệm. Thầy cô quay như chong chóng. Trò như những chú “chuột bạch” được mang ra thí nghiệm.

Cô giáo góp ý cho Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông  ảnh 1
Nội dung chương trình phổ thông tiếp tục lại được đổi mới (Ảnh: apl.edu.vn)

Mới có vài năm nay, việc cải cách nội dung chương trình xem như là ổn định mặc dù những nội dung ấy vẫn mắc phải những hạt sạn mà giới chuyên môn đã chỉ ra. 

Sắp tới đây, nội dung chương trình phổ thông tiếp tục lại được đổi mới với kì vọng như là khâu đột phá cho đổi mới giáo dục toàn diện và triệt để với định hướng dạy học phát huy năng lực học sinh. 

Theo dự thảo mới nhất, học sinh THCS chỉ còn học 7-8 môn và THPT chỉ còn học 4 môn thay vì phải 13 môn học như trước đây. Tên gọi mới một số môn học thực chất là sự tích hợp từ các môn học truyền thống. 

Chẳng hạn ở Tiểu học ở lớp 1,2,3 có môn học Cuộc sống quanh ta, lớp 4,5 tách ra thành hai môn Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên…

Ở bậc THCS tương ứng với môn Khoa học tự nhiên là tích hợp của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tương ứng với môn Khoa học xã hội là tích hợp của các môn Lịch sử, Địa lý. 

Những khó khăn gặp phải

Việc tích hợp các môn học như trên được xem như là một bước đột phá mới nhưng chắc chắn với tình hình thực tế của giáo dục hiện nay để thực hiện tốt như kì vọng là điều rất khó bởi các nguyên nhân thực tế như sau:

Về đội ngũ giáo viên

Ở Tiểu học, giáo viên cơ bản được đào tạo một cách toàn diện cộng với việc nội dung kiến thức ở mức độ vừa phải nên một giáo viên tiểu học có thể dạy tốt tất cả các môn. 

Nhưng giáo viên THCS, THPT lại khác. Có thể nói, giáo viên dạy môn gì chỉ dạy tốt các môn học đó. Nếu về lý thuyết, giáo viên đã học và tốt nghiệp chương trình Cao đẳng, Đại học nên giáo viên dạy Lý sẽ dạy được Hóa, Sinh và ngược lại. Hay giáo viên dạy Sử nhất định phải dạy được Địa...

Cô giáo góp ý cho Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông  ảnh 2

Chương trình giáo dục phổ thông mới, thống nhất nội dung từ lớp 1 đến 12

(GDVN) - “Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó”. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề cập tới nội dung chương trình mới

Nếu hiểu theo nghĩa “dạy được” thì chẳng có gì sai nhưng để “dạy tốt” thì không phải ai cũng đáp ứng được. 

Thực tế thì có những giáo viên dạy Địa khi được nhà trường phân công dạy Sử chỉ dạy khoảng hơn 20 phút là hết bài.

Hay một số giáo viên dạy Lý nhưng khi giải một bài tập Hóa cũng đã rất vất vả vì ít có sự đầu tư, học hỏi thêm.

Chưa nói đến việc đời sống của giáo viên hiện nay không cho phép các thầy cô dành nhiều thời gian sau giờ lên lớp để toàn tâm, toàn ý với việc nghiên cứu bài giảng vì họ còn phải tất tả ngược xuôi để làm đủ thứ nghề như làm rẫy, chụp hình, bán bảo hiểm, chạy bàn đám cưới hay miệt mài dạy thêm...

Giáo dục còn tồn tại căn bệnh hình thức

Dù có đổi mới nội dung chương trình thế nào, đổi mới các phương pháp dạy học ra sao, đến áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến của các nước tiến bộ trên thế giới nhưng căn bệnh thành tích chưa được dẹp bỏ thì chắc chắn chất lượng học sinh cũng sẽ không thể nâng lên. 

Đơn cử học sinh yếu vẫn bị “lùa lên lớp” vì chỉ tiêu như một số trường trong cả nước vẫn còn áp dụng thì dù có đổi mới giáo dục một cách toàn diện như chúng ta nói vẫn sẽ có hàng ngàn điểm liệt như trong kì thi quốc gia vừa rồi.

Thay lời kết


Tâm huyết của những nhà giáo chân chính, trước khi áp dụng việc đổi mới chương trình Bộ Giáo dục cần triệt để xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục đang tồn tại hiện nay.

Phan Tuyết