Cô giáo miền xuôi cõng chữ lên non và ký ức không quên về lớp học “chuồng trâu”

08/03/2024 06:42
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lần đầu tiên đến ngôi trường vùng cao nhận công tác, cô Phùng Thị Trại “hẫng một nhịp” vì đó chỉ là một túp lều nhỏ, không có nổi một bảng tên…

Năm 2003, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ngành Sư phạm, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, cô giáo Phùng Thị Trại (sinh năm 1981) mang theo nhiều hoài bão về nghề “gõ đầu trẻ”. Sau đó, cô có 2 năm công tác tại quê nhà. Mùa thu năm 2005, cô giáo trẻ quyết định rời miền xuôi, “cõng chữ” lên dạy học trò vùng cao - tại xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

16 năm gắn bó với Trường Mầm non Vĩnh Yên, đến năm 2021 cô tiếp tục sự nghiệp trồng người ở Trường Mầm non Tân Tiến. Hiện, cô là hiệu trưởng trường này.

Ký ức đầu tiên của cô giáo miền xuôi "cõng chữ" lên non

19 năm đã trôi qua, cho đến bây giờ khi nhớ lại những ngày đầu tiên mới đặt chân lên Trường Mầm non Vĩnh Yên, cảm xúc của cô Trại vẫn cứ ngỡ như chỉ vừa mới hôm qua. Trong ký ức của cô giáo sinh năm 1981, ngôi trường ấy nằm cheo leo giữa rừng, xung quanh chỉ có màu xanh của cây cối, tiếng gió réo rắt xuyên qua từng ngọn núi.

co giao trai 1.gif

“Thời điểm đó trường chỉ là một túp lều nho nhỏ, phần mái được lợp bằng lá cọ. Thậm chí, ban đầu tôi không nghĩ túp lều này là trường học, vì vốn dĩ không có một tấm bảng tên nào cả. Khi đó tôi mới hơn 20 tuổi, chưa bao giờ có thể tưởng tượng được lớp học lại trông lụp xụp như thế, cứ ngỡ là chuồng trâu của người dân. Tôi tự động viên bản thân vượt qua những chông chênh ban đầu bằng tình thương với học trò và niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo.

Trước khi bắt đầu năm học mới, người dân cùng giáo viên trong trường lại cùng nhau cải tạo để lớp học đỡ dột nát, các con đỡ khổ. Mái lá cọ được thay bằng những tấm fibro xi măng cũ, chúng tôi cũng cố gắng trang trí để che đi những mảng tường bong tróc. Dù mọi điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng chỉ cần nhìn thấy những nụ cười của trẻ thơ là chúng tôi thấy như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp trồng người trên non cao này”, cô Trại kể.

Lớp học "chuồng trâu” ngày đó trở thành ký ức không thể quên với cô giáo này. Cô còn nhớ những hôm trời mưa nhỏ, phụ huynh gom góp từng manh áo mưa để che chắn cho lớp. Còn hôm trời mưa nặng hạt, cô trò đành chạy thật nhanh, tá túc tạm ở nhà người dân, đợi trận gió to qua đi mới dám trở lại lớp học. Trong lúc đợi mưa gió tạnh, cô vòng tay ôm lấy học trò, lòng cô giáo trẻ dâng lên niềm thương xót khó diễn tả thành lời.

Đến năm 2009, lớp học được xây kiên cố hơn, nỗi lo mỗi khi trời mưa gió các em không có chỗ học cũng dần vơi đi.

Cô Trại cũng kể thêm, giáo viên vùng cao như cô luôn chuẩn bị tâm thế “sẽ bị ngã” trong lúc đi từ nhà đến trường. Ngày ấy, con đường mòn dẫn đến lớp rất hẹp, chỉ vừa đủ để một chiếc xe máy di chuyển, hai bên cây cỏ mọc um tùm. Bởi thế, quần áo dính đầy bùn đất hay chân tay bầm tím, xây xước được xem là chuyện bình thường với giáo viên nơi đây.

Từ miền xuôi ngược lên miền núi công tác rồi lựa chọn ở lại, gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Lào Cai, cô Trại gọi đó là “mối duyên lành”. Cho đến bây giờ cô chưa từng hối hận với quyết định rời miền xuôi, ngược lên miền núi bám làng, bám bản dạy học cho trẻ.

Khai sinh cho những đứa trẻ mà bố mẹ chỉ nhớ "con ra đời vào mùa lúa"

Tình thương dành cho học trò vùng cao và niềm đam mê với nghề giáo của cô cũng được chồng rất ủng hộ. Năm 2009, sau khi tổ chức đám cưới, chồng cô chuyển công tác từ Yên Bái đến Lào Cai để thuận tiện cho công việc của vợ.

Mỗi ngày, cô thức dậy từ sớm tinh mơ, chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình rồi di chuyển hơn 15km đường rừng để đến trường, bắt đầu một ngày dạy học. Cứ thế, cô mải miết cống hiến và ngày càng cảm thấy yêu nhiều hơn những gì đã lựa chọn. Gia đình, học trò chính là những nguồn động lực to lớn để cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Cô Phùng Thị Trại tâm sự thêm, nhiều đứa trẻ khi đã đến tuổi đi học nhưng vẫn không có giấy khai sinh. Có lần, khi cô đến một gia đình có em bé khoảng 4 tuổi nhưng chưa đến lớp, bố mẹ cháu cho rằng “con còn nhỏ lắm, không cho đi học đâu”. Lúc cô giáo hỏi tuổi của cháu thì họ đáp lời: “Không biết mấy tuổi, chỉ biết nó sinh vào mùa lúa”. Họ chỉ chắc chắn duy nhất một điều - con họ là người dân tộc H'Mông. Cô Trại vận động trẻ đến lớp và phải áng chừng ngày, tháng, năm sinh để giúp các con làm giấy khai sinh. Có những đứa trẻ cũng được cô đặt tên - sau khi bố mẹ các em “ủy quyền”.

gdvn_cogiao2.gif

Theo cô Trại, học sinh ở các trường học ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình các em chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trồng rừng, điều kiện kinh tế cũng hạn hẹp. Nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, để con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Thậm chí nhiều gia đình còn có tư tưởng con đến lớp là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường nên không quan tâm nhiều đến việc giáo dục trẻ. Trẻ đi học được nhà nước hỗ trợ các khoản như tiền ăn trưa, tiền hỗ trợ chi phí học tập, miễn, giảm học phí. Họ nghĩ rằng con đi học sẽ được nhà nước cho tiền nên có phần bỏ mặc.

“Điều khiến tôi trăn trở nhất trong suốt gần hai mươi năm qua là làm sao cho tất cả các con trong độ tuổi đều được gia đình quan tâm, đồng hành cùng giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Hiện tại vẫn còn nhiều trẻ chưa được gia đình thực sự quan tâm, bố mẹ vẫn còn tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường, giáo viên”, cô Trại bộc bạch thêm.

Món quà đặc biệt trong những ngày lễ

Cô Trại nói rằng, là giáo viên vùng cao, cô nhận được những niềm hạnh phúc giản dị mà ấm áp vô ngần. Cô trân quý tình cảm hồn hậu, chất phác của phụ huynh, học sinh dành cho giáo viên.

gdvn_cogiaotrai.gif

Những ngày lễ, món quà mà cô nhận được cũng hết sức đặc biệt. Đó là bó rau, bắp ngô, củ khoai, hoa quả… phụ huynh tự trồng được, gói cẩn thận vào túi ni lông rồi đưa cho con xách đến lớp tặng cô giáo. Hay có những em trên đường đến lớp đã cẩn thận hái bó hoa dại ven đường rồi mỉm cười ngại ngùng trao tay cho cô giáo ở cửa lớp.

Đối với cô Trại, đây là những món quà rất ý nghĩa và quý giá, không đong đếm được bằng giá trị vật chất đơn thuần.

Cô Trại cũng cho rằng, tuy phụ huynh vùng cao còn nhiều hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục, nhưng họ rất quý mến giáo viên miền xuôi lên dạy học. Minh chứng là dù còn thiếu ăn, thiếu mặc nhưng sau giờ tan học, phụ huynh ngỏ lời mời cô giáo vào nhà ăn cơm, dành những miếng ăn ngon nhất phần cô.

“Có lần có học trò mang theo một con gà băng qua quãng đường rừng rất xa đến biếu cô giáo. Đó là con gà duy nhất trong nhà em, nhưng em bày tỏ nếu tôi không nhận thì “cái bụng nó không ưng”. Sau đó tôi đành nhận và gửi cho em vài chục nghìn mang về cho bố mẹ mua đồ ăn", cô giáo nhớ lại.

Những ánh mắt trong veo và nụ cười trẻ thơ đã khắc sâu vào tâm trí, trở thành động lực giúp giáo viên vùng cao như cô Phùng Thị Trại vững bước trên con đường đã chọn.

Phạm Thi