Theo Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 đã xét chọn 58 giáo viên tiêu biểu đến từ 47 tỉnh, thành phố để vinh danh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong đó, cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh ngày 6/10/1970), hiện đang công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có thời gian công tác nhiều nhất (32 năm, 9 tháng).
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ngà đã chia sẻ lại hành trình gắn bó với nghề giáo của mình. Từ thời điểm khó khăn nhất với đồng lương ít ỏi chỉ 256 đồng/ tháng tới khi nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngà đã có hơn 32 năm công tác trong ngành giáo dục. (Ảnh: NVCC) |
Nghề nghiệp “ươm những mầm xanh cho cuộc sống”
Cô Nguyễn Thị Ngà công tác trong ngành giáo dục từ năm 1990, thời gian đó ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn, không ít giáo viên đã phải chuyển sang công việc khác hoặc làm thêm để mưu sinh. Lúc ấy, cô Ngà giảng dạy tại trường Bổ túc văn hóa cán bộ của huyện, với đồng lương chỉ vỏn vẹn 256 đồng/ tháng.
Với đồng lương ít ỏi đó, việc chi tiêu phải rất dè sẻn. Thời điểm ấy, cô dự định để dành tiền lương, thời gian không lên lớp cô vào trong làng bản mua một số rau, củ quả của bà con đi nương kiếm được đem xuống chợ bán lại. Tuy nhiên, khi mượn xe đạp đi mưu sinh, chưa kịp làm gì cô đã không thấy xe đâu. Kỷ niệm ấy khiến cô Ngà tới bây giờ vẫn nhớ mãi.
“Tôi đi mượn xe đạp vào trong bản, nhưng mới dựng xe vào chưa kịp làm gì quay ra đã không thấy xe đạp đâu. Tôi tìm và khóc hết nước mắt… đi bộ về trường mà lòng trĩu nặng, lấy tiền đâu mà đền chiếc xe đạp. Tối muộn tôi mới về đến trường, hồi đó chưa có điện, tôi mò mẫm tìm gạo nấu cơm bằng bếp củi. Nhưng gạo còn rất ít, nhìn thấy có một củ mì tôi gọt vỏ thái nhỏ và rửa sạch hấp vào xoong cơm.
Thức ăn cũng đơn giản có chút cá mặn kho nhiều muối. Khi tôi xúc cơm và ăn thì miếng củ mì rất đắng không thể nuốt được. Lúc đó, nước mắt tôi đã chảy…”, cô Ngà xúc động bày tỏ.
Những ngày đầu công tác cô chỉ nhận được đồng lương vỏn vẹn 256 đồng/ tháng. (Ảnh: NVCC) |
Mặc dù điều kiện vật chất khó khăn nhưng khi nhìn thấy hoàn cảnh của bà con nơi đây, cô lập tức sốc lại tinh thần. Bởi theo cô Ngà, so với bà con, cuộc sống của cô dù thiếu thốn nhưng vẫn có thể tiếp tục cố gắng.
“Khi đi dạo lang thang ngoài cổng trường, tôi nhìn thấy một số nhà dân vẫn còn le lói ánh đèn dầu, tôi bước vào thấy cả nhà cũng đang ăn cơm, cả nhà mời tôi. Tôi lại gần thì thấy thức ăn của gia đình là chén muối hột và xoong canh chỉ là nắm lá mì nấu loãng. Mọi người xúc một miếng cơm và bốc một hột muối bỏ vào miệng nhai chung. Tự nhiên sao tôi thấy nghẹn lòng… và nghĩ cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn hơn mình gấp bội phần, sao mình không thể vượt qua?
Tôi quay trở lại trường với những suy nghĩ tích cực… Hôm sau, tôi đã cùng với một số thầy, cô và các em cùng cuốc đất trồng rau trên vườn của trường, cùng các em ra suối hái rau, bắt ốc về cải thiện bữa ăn… cùng vui chơi, tham gia các hoạt động tập thể. Hơn hết, chính các em học sinh và cuộc sống vất vả của người dân nơi đây là động lực để tôi vượt qua khó khăn của chính mình, lan tỏa tới học sinh những năng lượng tích cực giúp các em có nhiều hứng thú, yêu thích đến lớp, đến trường. Và cũng rất may mắn sau đó tôi đã tìm được chiếc xe đạp, do mấy em nhỏ dắt đi chơi rồi bỏ quên ngoài bờ suối", nữ giáo viên bồi hồi nhớ lại.
Cô Ngà cũng khẳng định, nếu được lựa chọn lại cô vẫn quyết định theo đuổi nghề giáo. Bởi vì mỗi nghề có một niềm vui riêng, niềm vui của nghề giáo là được ươm những mầm xanh cho cuộc sống.
Trong quá trình công tác hơn 32 năm thì có 24 năm cô Ngà dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, kỷ niệm mà cô Ngà nhớ nhất chính là một học sinh dân tộc Hrê. Chính sự ham học, tình cảm hồn nhiên, trong sáng của em đã tiếp thêm động lực cho cô quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.
“Em này bị khuyết tật, một tay không cầm nắm được và một chân phải kéo lê. Khi đến lớp phải có người đưa đón. Hoàn cảnh của em cũng rất khó khăn: mồ côi mẹ, ở với chị và người cha bị nặng tai. Thế mà ngày nắng cũng như ngày mưa em vẫn chăm chỉ đến trường không bỏ buổi học nào.
Phụ huynh nói em dậy rất sớm và chuẩn bị đầy đủ để đi học. Hôm ấy đúng vào ngày 20/11 em đến lớp nhìn tôi háo hức, giờ ra chơi em lấy trong ngăn bàn ra một bó rau rừng to và đưa cho tôi với nét mặt rạng ngời. Tôi hơi bất ngờ, cảm động nắm bàn tay mềm oặt của em mà lòng trào dâng một cảm xúc khó tả....”, cô Ngà xúc động nói.
Nữ giáo viên luôn tận tâm với nghề, không ngại công tác tại vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: NVCC) |
Từ hôm đó mỗi sáng đến lớp, cô Ngà đều thấy học sinh ấy đứng ở cửa lớp nhìn về phía con đường chờ mình tới. Hình ảnh đó khiến cô không bao giờ quên. Ngay cả những hôm bận đi họp phải nghỉ dạy là cô lại hình dung ra hình dáng và ánh mắt của học sinh khi chờ mình. Đó chính là động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn để phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc.
Trèo đèo, lội suối “gieo chữ” cho học sinh vùng cao
Hiện tại, cô Ngà đang công tác ở Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Điểm trường cách nhà cô khoảng 20km. Vì đường nhiều dốc nên mỗi ngày cô phải mất hơn 30 phút mới tới nơi. Hôm nào trời mưa gió thì lâu hơn. Tuy nhiên, ngoài dạy ở điểm trường chính cứ 2 năm cô Ngà lại được cử lên công tác ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.
“Tôi ở ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn này của huyện đến nay đã được 21 năm thì cứ hai năm một lần lên điểm trường xa.
Thời gian đầu lên đó phải leo dốc và phải đi bộ hoàn toàn cũng như phải ở lại cuối tuần mới được về nhà. Hồi ấy con còn nhỏ tôi cũng nhớ lắm nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì việc gian khổ biết dành phần ai…
Đoạn đường lầy lội thì cứ mỗi chỗ một đoạn, có đoạn có dòng suối vắt ngang mùa mưa nước lớn, tôi phải nhờ phụ huynh dẫn đường và đẩy xe qua", cô Ngà tâm sự.
Cô Ngà từng phải vượt qua con đường lầy lội này mới có thể tới được điểm trường. (Ảnh: NVCC) |
Đến nay nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đường xá đi lại đã thuận tiện hơn. Điều đặc biệt là những năm công tác của cô Ngà đều có hậu phương vững chắc đưa đón trên mọi nẻo đường, đó chính là người bạn đời bao năm gắn bó của cô, dù không phải đồng nghiệp.
Cô Ngà tâm sự, dù biết đi xe máy nhưng trong một lần đi dạy về cô bị tai nạn phải nằm viện một thời gian dài. Chính vì thế, sau khi cô hồi phục, chồng của cô đã chủ động đưa đón cô đi làm. Những người đồng nghiệp cũng hỗ trợ thêm giúp cô yên tâm công tác.
Là giáo viên trực tiếp gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số, cô Ngà cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Một số giải pháp giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số sử dụng Tiếng Việt có hiệu quả”.
Nội dung của sáng kiến là nêu ra những thuận lợi và khó khăn của các em học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp phải khi học Tiếng Việt. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể đã áp dụng nhằm khắc phục những khó khăn, giúp các em xóa đi rào cản về ngôn ngữ, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.
Đồng thời hướng dẫn các em sử dụng Tiếng Việt có hiệu quả để tiếp thu tốt bài học trên lớp, làm cơ sở để các em học có chất lượng các môn học khác và học có hiệu quả các bậc học tiếp theo… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Sáng kiến này của cô Ngà đã đạt giải và nhận được bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh Bình Định. Đồng thời, cô cũng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án "Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" giai đoạn 2016-2020.
Cô Ngà còn nhiều lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tặng bằng khen; 6 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh; danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh...
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, năm 2012 cô Ngà đã được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục: "Đã có công lao đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước".
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Ngà cũng bày tỏ sự biết ơn vì luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự động viên, tạo điều kiện của Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, sự đoàn kết, giúp đỡ của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường... đã giúp cô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.