Cô Hà Ánh Phượng: Tôi dùng tiền thưởng của mình vào những việc có ích!

04/11/2021 09:10
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Với số tiền giá trị từ giải thưởng, tôi sẽ dành một phần để hỗ trợ cho các dự án về giáo dục và thanh thiếu niên mà mình đang thực hiện”, cô Phượng chia sẻ.

Tại lễ trao giải trực tuyến Công chúa Thái Lan Maha Chakri lần thứ 4, tổ chức ở Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường Trung học phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là đại diện của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng này.

Chia sẻ cảm xúc với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi nhận được giải thưởng, cô Hà Ánh Phượng vui mừng kể lại: “Giải thưởng mà tôi nhận được là do Hội đồng Giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan và Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành tặng cho giáo viên hoặc nhà quản lý giáo dục của các nước Đông Nam Á.

Yêu cầu ứng viên cần hội đủ các tiêu chí sau: Là giáo viên hoặc cán bộ quản lý giáo dục tận tâm, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Xứng đáng được quốc tế công nhận là tấm gương sáng, có ảnh hưởng đến cộng đồng, tích cực thúc đẩy phát triển giáo dục, sự nghiệp trồng người và hội nhập quốc tế của địa phương và đang trực tiếp giảng dạy hoặc quản lý ở các trường học.

Vì thế, khi nhận được giải thưởng này tôi có một cảm xúc rất đặc biệt. Bởi lẽ, chất lượng giáo dục của các quốc gia Đông Nam Á còn tồn tại nhiều bất lợi so với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi và hải đảo xa xôi. Thế nên, qua giải thường này, nó là một sự cỗ vũ tinh thần rất lớn cho nhiều thầy cô giáo Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á".

Cô Hà Ánh Phượng trong buổi lễ nhận giải Công chúa Thái Lan. Ảnh: NVCC

Cô Hà Ánh Phượng trong buổi lễ nhận giải Công chúa Thái Lan. Ảnh: NVCC

So sánh về tiêu chí, độ cạnh tranh của giải thưởng này với giải Giáo viên toàn cầu mà cô đã từng đạt được vào năm 2020, cô Phượng nhận định: “Giải Công chúa Thái Lan này nó có một số tiêu chí khắt khe hơn khi tham dự so với một số giải thưởng trước đây mà tôi đạt được. Nếu giải Giáo viên toàn cầu có phạm vi tuyển chọn chỉ trong các trường công lập và với bậc Trung học phổ thông, cụ thể là lớp 12 thì với giải thưởng này, nó còn bao gồm tất cả các cấp học, kể cả sau đại học nữa.

Bản thân tôi từ khi là học sinh, sinh viên đã may mắn nhận được một số giải thưởng và học bổng quốc tế tiêu biểu như: Học bổng cho 1 trong 14 sinh viên châu Á về lãnh đạo do Viện giáo dục Quốc tế Mỹ trao tặng. Học bổng quốc gia Hoa Trạng Nguyên dành cho thủ khoa tốt nghiệp và một số học bổng khác. Qua đó, tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều quỹ, giải thưởng.Từ đó, tôi tự rút ra được một vài kinh nghiệm cho bản thân rằng: Các học bổng hay giải thưởng thường đánh giá cả quá trình, thường là trong vòng 10 năm chứ không tính một vài năm trở lại.

Ngoài thành tích chuyên môn như trong giải Giáo viên toàn cầu thì bắt buộc ứng viên đó phải có thành tích quốc gia trở lên hoặc được cộng đồng lớn ghi nhận trước khi nộp hồ sơ, thì các kỹ năng khác cũng được chú trọng.

Đó là các hoạt động ngoại khoá, sự ảnh hưởng tới cộng đồng, kỹ năng viết bài luận, kỹ năng trả lời phỏng vấn, thuyết trình, khả năng lãnh đạo. Tất nhiên, những điều này phải có minh chứng rõ ràng, chân thực. Đặc biệt, các giải thưởng hiện tại dành cho giáo viên thường hướng tới khả năng mà giáo viên đó hỗ trợ học sinh có được các phẩm chất, năng lực kỹ năng cần mà học sinh cần có trong thế kỷ 21.

Một yếu tố quan trọng nữa là “Khả năng vượt qua rào cản”, đề cập về khả năng xử lí những khó khăn, thách thức của môi trường mà giáo viên đó đang giảng dạy có hiệu quả. Tôi nhìn thấy rất rõ những điều này ở cả 2 giải thưởng Giáo viên xuất sắc toàn cầu của Quỹ Varkey, đối tác UNESCO và giải thưởng Công chúa Thái Lan cùng hướng tới.

Giải thưởng Công chúa Thái Lan lần này không chỉ là sự ghi nhận cho cá nhân tôi, mà tôi chỉ là người may mắn được đại diện cho rất nhiều thầy cô giáo, những nhà lãnh đạo ngày đêm cố gắng và không ngừng cống hiến, dạy học bằng cả trái tim. Tôi chưa nghĩ mình là một giáo viên thành công nhưng điều tôi luôn hướng tới là làm gì cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương học sinh, từ trái tim thật sự của mình.

Trong thời gian tới, bên cạnh công việc giảng dạy trên lớp, tôi sẽ tiếp tục dành thời gian cho những dự án hiện tại, thường xuyên học hỏi và chia sẻ với các đồng nghiệp về các phương pháp dạy học tích cực, phát triển kênh Youtube và thực hiện các dự án gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tôi nghĩ đây sẽ là những cơ hội tốt để giúp tôi trưởng thành, học hỏi được nhiều hơn vì tôi tin rằng “người dám dạy phải không bao giờ ngừng học”.

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NVCC

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NVCC

Bật mý về giá trị giải thưởng cô nhận được lần này và chia sẻ những dự định sắp tới của mình, cô Phượng cho hay: “Trong sự nghiệp là giáo viên của mình, đây là lần đầu tiên tôi nhận được giải thưởng có giá trị lớn như thế. Vì thế, tôi phải dùng nó vào những công việc thật có ích.

Trước đây, nếu giải thưởng Giáo viên toàn cầu tôi nhận được cũng có giá trị cao, nhưng phải chia đều số lần nhận tiền thưởng trong vòng 10 năm thì với giải thưởng Công chúa Thái Lan tôi được nhận một lần, với số tiền là 10.000 USD.

Với số tiền này thì tôi có thể tự tin thực hiện được rất nhiều dự định đang ấp ủ. Nhưng trước hết tôi phải tự thưởng cho mình bằng việc mua một cái máy tính mới thật “xịn xò” để phục vụ công việc dạy học, nghiên cứu và kết nối với thế giới của mình, vì cái máy tính hiện tại, nó đã theo tôi bao nhiêu năm giờ cũng xuống cấp lắm rồi.

Trong những năm vừa qua, tôi thường hiện thực hóa các vấn đề mà tôi trăn trở qua các dự án dạy học như: “Dự án lớp học không biên giới”, “Dự án nói không với ống hút nhựa”, “Dự án thư viện hạnh phúc” nhằm phát triển năng lực, phẩm chất và kỹ năng cần có cho học sinh tại thế kỷ 21, hướng tới việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Hiện tại, có 2 vấn đề mà tôi trăn trở là bạo lực học đường và nâng cao nhận thức an ninh mạng cho học sinh. Tôi đã “hành động hóa” qua 2 dự án đang thực hiện: Dự án “ACB-Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” và dự án “PsyMics - Tâm lý học đường”. Tôi sẽ dùng một phần số tiền thưởng này để hỗ trợ các hoạt động của 2 dự án.

Nếu như dự án “ACB- Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” là nơi các em học sinh có cơ hội nâng cao nhận thức, an ninh mạng thông qua các nền tảng số thì trong dự án về tâm lý học đường PsyMics, chúng tôi cũng tổ chức các buổi chia sẻ từ ban cố vấn dự án. Khách mời là các Tiến sĩ tâm lý, giáo viên kinh nghiệm lâu năm để giải đáp các thắc mắc của các bạn học sinh liên quan đến các vấn đề tâm lý học đường. Dự án này có nhiều hình thức như: giải đáp trực tiếp, các buổi podcast miễn phí tới các bạn nhỏ.

Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để các em học sinh trưởng thành và phát triển những kỹ năng, phẩm chất, năng lực cần thiết của thế kỷ 21".

Trung Dũng