Hành giảng viên luân chuyển công tác rồi đưa vào danh sách tinh giảm
Năm 2011, ông Hồ Hữu Tuyến - giảng viên tại Viện Dân tộc học (Học viện âm nhạc Huế) chuyển công tác từ Quảng Trị vào Học viện âm nhạc.
Học viện âm nhạc Huế nơi xảy ra vụ việc giảng viên tố giám đốc ưu ái người nhà. Ảnh: TL |
Năm 2012, ông Tuyến chuyển sang Viện nghiên cứu âm nhạc (hiện là Viện Dân tộc nhạc học). Tiếp đó, năm 2017 giảng viên này tiếp tục chuyển sang Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên.
Cuối năm 2017, ông Tuyến tiếp tục chuyển công tác về phòng Nghiên cứu khoa học và Đối ngoại. Sau đó, đến đầu năm 2018 ông lại chuyển về Viện Dân tộc nhạc học.
Ông Tuyến cho biết, cuối tháng 8/2018 ông cùng 3 người khác nhận được thông báo về việc nằm trong diện tinh giản biên chế của học viện.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế |
Ông Tuyến cho hay, lý do được cơ quan nêu ra khi đưa ông vào diện tinh giản biên chế bởi vì ông không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Tuyến và 3 giảng viên nói trên sau khi nhận được thông báo đã không đồng tình với nhiều lý do.
Giảng viên này cho hay, việc đưa ra danh sách tinh giản biên chế không thông qua tập thể, không được tổ tư vấn thống nhất.
Trước khi nhận được thông báo về tinh giản biên chế, ông Tuyến nhiều lần nhận bằng khen, đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
Vì vậy, ông Tuyến cho rằng việc lãnh đạo học viện này đưa ra thông báo trên là không hợp lý.
Giống với ông Tuyến, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung hiện công tác tại phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế không hài lòng với việc mình thuộc diện tinh giản biên chế.
Bà Nhung cho rằng từ năm 2012 đến nay, bà luôn làm tốt công việc của mình, nên việc thuộc diện bị tinh giản, biên chế là không hợp lý.
Bên cạnh đó, giảng viên này cho biết với vị trí của bà nếu chuyển sang ngạch viên chức là không phù hợp, trái với Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Giám đốc bị giảng viên “tố” ưu ái người nhà
Ông Tuyến và bà Nhung cho biết, trong khi các giảng viên của học viện không hài lòng về thông báo tinh giản biên chế thì em trai của ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Học viện âm nhạc Huế lại được ưu ái bất thường.
Theo đó, em trai của ông Đức là ông Nguyễn Việt An vốn là một giáo viên tại một trường Trung học cơ sở trước khi sang công tác tại Học viện âm nhạc Huế.
Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực |
Các giảng viên tại học viện này cho rằng, trong việc bổ nhiệm ông An có nhiều điểm không minh bạch, có dấu hiệu ưu ái người nhà của ông Đức.
Cụ thể, giám đốc Học viện âm nhạc Huế đã lập hội đồng thi cho ông An thi sang ngạch giảng viên không công khai, thiếu minh bạch, cán bộ trong trường không biết.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ lùm xùm liên quan đến vị giám đốc Học viện âm nhạc Huế.
Trước đó, vào năm 2015, ông Đức đã bị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách.
Cũng trong thời gian này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản của học viện âm nhạc Huế cũng đã kỷ luật cảnh cáo ông Đức vì những liên quan đến công tác bổ nhiệm và kỷ luật viên chức.
Trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ tư (giai đoạn 2015-2020) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào tháng 8/2015 dù bị hai cơ quan trên thi hành kỷ luật nhưng ông Đức vẫn được công nhận là điển hình yêu nước cấp tỉnh.
Trả lời báo chí vào thời gian trên, ông Cái Vĩnh Tuấn - Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế (hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay, từ tháng 11/2014 Đại hội thi đua yêu nước đã được khởi động.
Đến tháng 2/2015, các huyện, thị xã và các cơ quan ban ngành phải nộp danh sách lên Ban thi đua khen thưởng của tỉnh.
Riêng đối với Học viện âm nhạc Huế, thời gian nộp danh sách là tháng 3/2015, thời điểm ông Đức vẫn chưa bị kỷ luật.
Dù bị kỷ luật Đảng nhưng đến tháng 4/2018, ông Nguyễn Việt Đức lại được trao quyết định phong hàm Phó Giáo sư gây nhiều bức xúc trong cán bộ, nhân viên của trường.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Đức cũng như lãnh đạo Học viện âm nhạc Huế để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan nhưng đều bị từ chối.