Có những học sinh rất cá biệt, vi phạm nhiều lần nếu chỉ nhắc nhở rất khó GD

19/05/2025 06:36
Diệu Dương

GDVN - Bên cạnh đồng tình, không ít ý kiến lo ngại và băn khoăn về Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh để lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 6/7/2025. Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh.

Đáng chú ý, theo Dự thảo Thông tư mới, quy định các biện pháp kỷ luật gồm: nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; đồng thời các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh. Còn Thông tư số 08 quy định 5 hình thức kỷ luật gồm: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học 1 năm. Đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường và hình thức kỷ luật đuổi học một tuần lễ sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết.

Dự thảo Thông tư mới đã thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục. Theo ý kiến của các trường, điều này thể hiện tinh thần nhân văn trong giáo dục nhưng còn băn khoăn về hiệu quả răn đe.

Biện pháp kỷ luật nghiêm túc để góp phần nâng cao ý thức chung cho tập thể

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: Với 5 năm đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng từ năm 2020 đến nay, cùng 9 năm làm Bí thư Đoàn trường và 5 năm trên cương vị phó hiệu trưởng phụ trách công tác nền nếp, kỷ luật học sinh; thầy Ngọc Huỳnh nhận thấy rằng, nếu kỷ luật học sinh không có tính răn đe thì sẽ không chỉ có tác dụng giáo dục chính học sinh vi phạm kỷ luật, mà đồng thời còn không có tính giáo dục học sinh khác.

Việc áp dụng hình thức kỷ luật, kể cả đình chỉ học có thời hạn, không nên bị hiểu sai là sự trừng phạt "trù úm" hay đe nẹt học sinh. Trái lại, đó là một biện pháp sư phạm cần thiết nhằm giúp học sinh vi phạm nhận thức rõ hậu quả của hành vi sai trái, từ đó điều chỉnh và hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm túc còn góp phần giáo dục chung cho tập thể, giúp học sinh khác nâng cao ý thức kỷ luật và hành xử đúng mực hơn trong môi trường học đường.

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn.

Theo điều 13 của Dự thảo Thông tư, ngoài "các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học" đã được nêu như nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh đề xuất bổ sung thêm hình thức kỷ luật như sau:

"d) Kỷ luật cấp độ lớp: Khiển trách, cảnh cáo trước lớp, đình chỉ học dưới 3 ngày, ghi học bạ;

e) Kỷ luật cấp độ trường: Khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học có thời hạn".

Tại điều 16 của Dự thảo Thông tư, thầy Ngọc Huỳnh bổ sung thêm nội dung kỷ luật cụ thể dưới đây:

"4. Biện pháp kỷ luật ở cấp độ lớp khi mà giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm nhưng học sinh tiếp tục vi phạm.

5. Kỷ luật cấp độ trường: Khi học sinh đã được xử lý kỷ luật ở cấp độ lớp tiếp tục vi phạm và có những vi phạm nghiêm trọng khác...".

Theo kinh nghiệm của thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, khi học sinh vi phạm kỷ luật tới mức có thể đình chỉ học 01 năm, thầy thường xử lý linh hoạt, trao đổi với phụ huynh và đưa ra 03 lựa chọn.

Lựa chọn thứ nhất, nếu tiếp tục ở lại trường sẽ bị đưa ra Hội đồng kỷ luật đình chỉ học 01 năm và bị ghi học bạ.

Lựa chọn thứ hai, cho học sinh chuyển trường, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học sinh về hồ sơ (tức là học sinh vi phạm kỷ luật nhưng nhà trường không nhận xét quá trình rèn luyện không tốt tại trường vào học bạ). Với cách thức tạo điều kiện cho học sinh chuyển trường cũng là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc học sinh, mà không “triệt đường học tập” của học sinh, việc tạo điều kiện cho chuyển trường cũng là biện pháp nhằm cách ly nhóm học sinh cá biệt với nhau. Học sinh buộc phải thay đổi môi trường học tập, cách ly nhóm bạn thường vi phạm nội quy, học sinh học ở môi trường mới “lạ lẫm” cũng sẽ góp phần thay đổi hành vi của học sinh, học sinh buộc phải điều chỉnh hành vi của mình để thích nghi khi được chuyển ra môi trường học mới.

Đối với lựa chọn thứ ba, làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập (cũng là cách tạo điều kiện về hồ sơ). Với hình thức này học sinh ở nhà một thời gian, năm sau vẫn có thể xin quay trở lại lớp học bình thường.

Nếu chỉ có hình thức kỷ luật như Dự thảo thì thực tế sẽ làm khó cho các nhà trường, cho giáo viên chủ nhiệm, khi nhà trường có học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy. Việc chỉ nhắc nhở, kiểm điểm đối với những học sinh đó không có tác dụng mạnh trong giáo dục.

Cần nhìn nhận rằng thực tế, có những học sinh rất cá biệt, rất khó giáo dục, học sinh vi phạm rất nhiều lần mà chỉ nhắc nhở, kiểm điểm sau đó lại tiếp tục vi phạm thì giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ “bất lực” bởi không có cách nào để giáo dục học sinh đó.

Học sinh biết mình dù có vi phạm nội quy trường lớp như thế nào đi chăng nữa nhưng vẫn không bao giờ bị đình chỉ học nên “không sợ”, sẽ tiếp tục quậy phá trong trường, vô tổ chức kỷ luật sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục tới học sinh khác. Thậm chí, nếu tiếp tục để học sinh cá biệt ở trong trường, thì có thể dẫn đến việc lôi kéo học sinh khác cũng vi phạm nội quy trường, lớp và làm tăng số học sinh cá biệt lên, bởi các em biết rằng dù vi phạm kỷ luật cũng không bao giờ bị đình chỉ học.

Ảnh minh họa: C.V.

Ảnh minh họa: C.V.

Vì vậy, kiến nghị không nên đặt hoàn toàn trách nhiệm giáo dục học sinh cho giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường; nhiệm vụ giáo dục học sinh còn do gia đình, do xã hội và các lực lượng khác trong xã hội. Bởi giáo dục học sinh là một quá trình tổng hòa, đòi hỏi sự phối hợp, đồng hành chặt chẽ giữa các bên cùng hành động, từ đó, môi trường giáo dục góp phần lành mạnh, bền vững hơn nữa.

Cần có thang kỷ luật chặt chẽ và hợp lý về các hình thức đình chỉ học tập và buộc thôi học

Còn đối với bậc tiểu học, theo cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông, Hà Nội), lứa tuổi tiểu học là giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành nền tảng phẩm chất, nhân cách cho trẻ. Do đó, định hướng giáo dục ở cấp học này cần chú trọng về hình thức rèn giũa, uốn nắn thay vì áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Trẻ tiểu học như tờ giấy trắng, những nét vẽ đầu tiên phải là sự yêu thương, kiên nhẫn và hướng dẫn. Do đó, việc không áp dụng những biện pháp kỷ luật nặng nề ở bậc học này là phù hợp. Điều này cũng được thể hiện rõ trong cách tiếp cận kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, yêu cầu chuyển từ kiểm tra điểm số sang nhận xét, khuyến khích sự tiến bộ, giảm áp lực thi cử cho các em.

Tuy nhiên, cô Hương cũng chỉ ra một số trường hợp thực tế, trong quá trình học tập và rèn luyện, vẫn có những tình huống học sinh tái phạm các lỗi vi phạm nội quy, dù đã được nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi nhiều lần nhưng vẫn chưa đủ. Trẻ em cũng có thể sinh tâm lý chủ quan nếu không thấy có hậu quả gì xảy ra khi vi phạm, có thể một số em suy nghĩ đơn giản rằng nếu mắc lỗi thì chỉ cần xin lỗi là xong mà không sao cả. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành ý thức trách nhiệm.

Từ trước đến nay, các giáo viên thường linh hoạt áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp, như yêu cầu học sinh viết tường trình lại sự việc, đồng thời cam kết không tái phạm, nhằm giúp các em nhận thức rõ hơn về hành vi của mình và ghi nhớ lâu hơn. Đây không chỉ là hình thức nhắc nhở, mà còn là một bước để các em tập làm quen với việc chịu trách nhiệm trước hành vi của bản thân.

“Đối với trẻ, khi vi phạm sự việc nào đó, nếu người lớn chỉ nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi nhiều lần thì có thể tạo ra tâm lý dễ bị "nhờn". Đôi khi, học sinh sẽ suy nghĩ, mình vi phạm nhưng không bị cô giáo phạt nên không sợ”, cô Trần Thị Hương cho hay.

Từ đầu năm học, nhà trường luôn chủ động phổ biến các quy định rõ ràng để học sinh thực hiện, đồng thời tổ chức các phong trào như “Nói lời hay, làm việc tốt” nhằm khuyến khích lối sống tích cực, nhân ái để dạy học sinh biết cách yêu thương, sẻ chia, kính trọng thầy cô, cha mẹ, ông bà, từ đó dần hình thành ý thức ứng xử đúng mực trong cộng đồng học đường.

Tuy vậy, nhưng vẫn sẽ có những trường hợp học sinh vi phạm và nhà trường cần có các biện pháp xử lý. Điều quan trọng là cách xử lý phải mang tính giáo dục, không làm tổn thương trẻ, nhưng đủ để các em hiểu được hậu quả cho các hành vi của mình.

Khác với bậc tiểu học khi mỗi giáo viên chủ nhiệm gắn bó với một lớp từ sáng đến chiều nên dễ dàng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi chưa đúng của học sinh, nhưng ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, mỗi giáo viên còn linh hoạt phân chia dạy theo một môn. Mặt khác, đây là giai đoạn học sinh ở độ tuổi dậy thì, tâm lý phức tạp, biết bao che cho nhau, nên việc quản lý và kỷ luật trở nên khó khăn hơn nếu không có những hướng dẫn cụ thể và các biện pháp răn đe phù hợp, nghiêm túc.

Bên cạnh đó, giáo dục phẩm chất, hành vi, nhân cách của học sinh là cả một quá trình liên tục, cần được rèn giũa, uốn nắn từ nhỏ đến lớn, và không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Thực tế, một số học sinh không làm bài tập, cô giáo giữ các em lại 5-7 phút cuối giờ để hoàn thành, nhưng cũng có phụ huynh phàn nàn vì cho rằng như vậy là gây áp lực. Mục tiêu của giáo dục là cần định hướng học sinh phải rèn luyện tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Muốn học sinh nên người, cần có sự thống nhất trong cách dạy dỗ, cần có cả sự đồng hành và thấu hiểu từ hai phía gia đình và nhà trường.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, việc giảm hình thức kỷ luật như đình chỉ học có thời hạn, cụ thể là đuổi học một tuần hoặc một năm, là một hướng làm thể hiện quan điểm nhân văn.

Mục tiêu hướng đến giáo dục là con đường để điều chỉnh hành vi, không phải nhằm loại trừ người mắc lỗi. Tuy nhiên, việc xóa bỏ những biện pháp mang tính răn đe mạnh trong kỷ luật học sinh, tuy xuất phát từ ý định nhân văn, nhưng còn là tư duy chủ quan duy ý chí.

Điều quan trọng mà các thầy cô giáo viên cần là một hệ thống bao gồm các hình thức kỷ luật học sinh rõ ràng như biện pháp đình chỉ học tập hoặc buộc thôi học phải được đặt trong thang kỷ luật với những quy định chặt chẽ, minh bạch và hợp lý. Những biện pháp này không nhằm loại bỏ học sinh ra khỏi môi trường giáo dục, mà để các trường có cơ sở pháp lý và kỹ năng sư phạm rõ ràng.

"Trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật ở mức độ nghiêm trọng, nhà trường có thể cân nhắc thực hiện xử lý một cách công bằng, đúng quy trình, tránh oan sai, đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp tốt nhất để giáo dục học sinh, tạo cơ hội cho các em quay lại với môi trường học tập trong nhà trường sớm nhất", thầy Đăng Du lý giải.

Việc Dự thảo Thông tư xóa bỏ các hình thức kỷ luật nghiêm khắc mà không kèm theo những biện pháp khác sẽ vô tình đẩy trách nhiệm kỷ luật học sinh về phía giáo viên và nhà trường, trong khi chính thầy cô lại không có căn cứ cụ thể để để thực hiện nhiệm vụ giáo dục các em một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Trong tình huống thế này, giáo viên và ban giám hiệu có thể sẽ buộc phải lựa chọn thỏa hiệp trước những hành vi vi phạm để tránh áp lực trách nhiệm; hoặc sử dụng những biện pháp không chính thức khác để đối phó, không đảm bảo tính sư phạm và dễ dẫn tới hệ quả tiêu cực cho cả học sinh và giáo viên.

Diệu Dương