LTS: Những ngày vừa qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi của các thí sinh trong kỳ thi quốc gia năm nay. Bản thân là người làm trong ngành giáo dục, cô giáo Phan Tuyết một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước những nỗ lực đổi mới của ngành Giáo dục và sự cố gắng vươn lên trong học tập của nhiều em học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có thể nói, người làm nghề giáo dục cũng được xem như “nàng dâu trăm họ”, được lòng người này nhưng đôi khi lại mất lòng người khác.
Làm chưa tốt bị góp ý, chê bai là điều đương nhiên nhưng nhiều khi làm tốt lại có không ít người tỏ vẻ nghi ngờ.
Điều đó, giống như phản ứng dây chuyền và ngành Giáo dục phải hứng chịu những điều ra tiếng vào chẳng mấy hay ho gì.
Hình minh họa, ảnh: hanoi.edu.vn |
Đơn cử về kỳ thi quốc gia năm nay, một kỳ thi nhận được vô số lời khen ngợi từ chính các em học sinh, phụ huynh, giáo viên đến những chuyên gia giáo dục… từ khâu tổ chức đến nội dung đề thi của từng môn.
Từ chính câu hỏi cảm nhận về từ “thấu cảm” cũng như qua các bài làm của các em đã chứng minh học sinh không hề mất điểm về câu hỏi này, phần lớn các em làm bài rất tốt.
Thế nhưng không ít người “học rộng tài cao” vẫn thi nhau mổ xẻ, lên án với kiểu ra đề không đúng đã làm “dậy sóng cộng đồng mạng” trong suốt cả thời gian dài.
Đến lúc công bố điểm, với sự xuất hiện hàng loạt điểm 10 thì hàng loạt câu hỏi nghi ngờ được đưa ra như: “có phải là chất lượng ảo” hay “do kết quả của việc thay đổi môn thi, đề thi, hình thức thi và có thể ở cả khâu tổ chức và chấm thi, chứ không phải chất lượng giáo dục được nâng lên”.
Nhưng trên thực tế, mọi người lại chỉ nhìn vào những cơn mưa điểm 10, chứ chẳng ai soi vào số lượng điểm 0, điểm liệt. Chỉ riêng môn Toán đã có 278 điểm 10 nhưng có tới 761 điểm 0.
Theo thống kê sơ bộ từ điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, đã có tới 6.805 điểm liệt. Trong khi đó, số bài thi có điểm 10 là 4.220. Nếu là đề dễ hoặc khâu coi thi lỏng lẻo như một số người nghi ngờ thì liệu có nhiều điểm 0, điểm liệt như vậy?
Thầy Thiên Ấn phấn khởi vì học sinh thi tốt, nhiều điểm 10 |
Trong những ngày thi, chẳng thấy ai nói đề thi dễ, đến lúc có nhiều điểm 10, thì mọi người lại lên tiếng cho rằng: “đề thi quá dễ nên học sinh dễ dàng đạt điểm 10”. Có người còn đặt nghi vấn “có sự bất thường gì đây?”…
Nói gì thì nói, chúng ta cần có sự công tâm trong nhìn nhận kết quả kỳ thi quốc gia một cách khách quan nhất. Và người nhận xét chính xác nhất không ai khác chính là các em học sinh.
Phóng viên Báo Thanh niên đã có cuộc phỏng vấn một số học sinh ở trường Nguyễn Hiền thành phố Hồ Chí Minh về chất lượng đề thi của kỳ thi quốc gia năm nay, và nhận được những câu trả lời như:
“Đề thi năm nay có những câu rất hay, phải có kiến thức xã hội mới hiểu và làm được. Chẳng hạn, mã đề số 418 của em đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường và xu hướng đọc truyện của giới trẻ”.
Thí sinh Hồng Quang thì tự tin nói: “Em hy vọng đạt được điểm 10. Nhìn tổng thể, em thấy đề cho tương đối rộng, có tính phân loại rõ ràng. Có khoảng 7 - 8 câu mang tính chất đánh lừa”.
Thí sinh Lê Tiên (học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh), tự nhận làm được tốt 30/50 câu (mã đề 404):
“Phần đọc hiểu quá dài, gồm có hai đoạn văn. Em bị mất nhiều thời gian với phần này bởi vì có nhiều ý dài quá đọc không kịp và không hiểu mấy. Dù vậy, em vẫn thừa nhận đề rất hay. Bên cạnh những câu hỏi thông dụng, đơn giản, còn có những phần đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội mới hiểu và làm bài tốt”.
Một thí sinh khác cho biết: "Chỉ 50 phút nhưng làm đến 40 câu. Vì thế, chỉ có hơn 1 phút cho 1 câu. Trong đó, có khoảng 15 câu khó để phân loại học sinh nên em không làm hết được. Em làm được 20 câu, còn lại không kịp thời gian nên chọn đại".
Còn Thành Tân, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: "Như mọi năm, phần điện là khó nhất trong đề thi. Em làm không kịp thời gian. Em chắc chắn đúng được 25 câu. May mắn những câu lý thuyết tương đối dễ, học thuộc lòng là làm được. Còn những câu phần điện khó quá nên... hên xui".
Danh sách 10 thủ khoa trong kỳ thi quốc gia năm nay |
Nhóm thí sinh thi tại điểm thi Trường trung học phổ thông Diên Hồng (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “đề thi năm nay dài và khó, có những câu đánh đố và có tính phân loại thí sinh rất cao”.
Còn Thanh Thủy, học sinh Trường trung học phổ thông Diên Hồng thì nhận xét: "Những năm trước, phần lý thuyết là phần ăn điểm, nhưng, với đề hóa năm nay, lý thuyết khá khó, trải đều ở cả ba năm học, nếu không đọc kỹ sẽ dễ chọn đáp án sai".
Chia sẻ về đề thi này, em Nguyễn Cảnh Dũng (Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho hay: "Đề này em chỉ tự tin khoảng 45%, em thực sự không rõ là mình làm đúng hay sai, không dám hi vọng quá nhiều vì sợ khi nhận kết quả sẽ sốc”.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên báo Infonet, thầy Nguyễn Quốc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hồng Hà nhận định:
“Về cơ bản, độ phân hóa của đề rất tốt với 30 câu là kiến thức cơ bản, 20 câu sau có sự phân hóa rõ rệt, yêu cầu thí sinh phải học kỹ mới vận dụng được. Toán ứng dụng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nền tảng tốt, không thuần túy là những kiến thức trong sách giáo khoa.
Tuy nhiên, 24 mã đề cho 24 thí sinh trong một phòng thi là điểm mới trong kỳ thi năm nay, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Đề thi môn Toán được đánh giá là khó, hiếm điểm 10.
Sau khi có phổ điểm chúng ta dễ dàng nhận thấy ở một số bài thi, môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống hiếu học”.
Thông tin về một số cá nhân đạt điểm 10, phần lớn các em đều là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc nhiều năm liền và trong số đó có rất nhiều em học trường chuyên lớp chọn.
Với kết quả đạt được của kỳ thi quốc gia năm nay, chúng ta có quyền vui mừng và tin tưởng bởi chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Đừng nên vì có quá nhiều điểm 10 mà cho rằng đề thi dễ, khâu coi thi chưa nghiêm túc, nhận định đó có phần phủ nhận tất cả những nỗ lực đổi mới của ngành Giáo dục cũng như sự cố gắng vươn lên trong học tập của nhiều em học sinh.