Cơ sở mầm non tư thục khó khăn trăm bề khi được hoạt động trở lại

18/02/2022 06:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn trong việc tuyển giáo viên mới, buộc cơ sở mầm non tư thục phải nâng lương, đồng thời phải tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành phố cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp sau quãng thời gian dài tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19.

Để hoạt động trở lại, nhiều chủ cơ sở mầm non đã phải có sự chuẩn bị chu đáo, kĩ càng về khâu nhân sự, phòng chống dịch bệnh.

Trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy (quản lí cho một cơ sở mầm non tư thục tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) sinh em bé và ở nhà làm công việc nội trợ. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào người chồng và sự hỗ trợ của hai bên nội, ngoại.

Gắn bó với nghề trong nhiều năm, chị Thúy không ngờ được rằng, các cơ sở mầm non bị gián đoạn hoạt động lâu như vậy. Trong quãng thời gian nghỉ dịch, những giáo viên trong cơ sở chị Thúy đã chuyển đổi công việc để mưu sinh.

Đầu năm 2022, khi Thành phố Hồ Chí Minh ổn định tình hình dịch Covid-19, cơ sở mầm non của chị Thúy lên kế hoạch để tuyển giáo viên, bởi những giáo viên trước đây không quay trở lại công tác.

"Khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong việc tuyển giáo viên. Các giáo viên trước đây đã chuyển nghề, hoặc họ đã về quê sinh sống, hay sau đợt dịch họ lại muốn có công việc tốt hơn nên chọn cơ sở mầm non khác. Chúng tôi mất chừng một tháng để tuyển được đủ lượng giáo viên", chị Thúy chia sẻ.

Cô trò trong giờ học kĩ năng sống. (Ảnh: NVCC)

Cô trò trong giờ học kĩ năng sống. (Ảnh: NVCC)

Song song với việc tuyển giáo viên, cơ sở của chị Thúy cũng đưa ra mức lương hơn 7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với thời điểm trước đây là hơn 1 triệu đồng, để thu hút giáo viên vào làm việc.

Phòng giáo dục cũng có những buổi tập huấn đối với những cơ sở mầm non tư thục, bên cạnh việc phải tăng cường trang thiết bị để phòng chống dịch, cơ sở của chị Thúy cũng phải giảm sĩ số gần một nửa để đảm bảo giãn cách.

"Chúng tôi phải chuẩn bị dụng cụ rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, phòng cách ly... Cơ sở cũng phải đạt các chỉ tiêu của Phòng giáo dục đưa ra thì mới được hoạt động. Bên cạnh đó, phải hỏi phụ huynh đã tiêm đủ 2 mũi hay chưa thì mới dám nhận con em vào lớp", chị Thúy chia sẻ.

Khó khăn ngập trong khó khăn, cơ sở mầm non của chị Thúy hoạt động trở lại chỉ với hơn 20 bé, bất đắc dĩ đơn vị phải thu thêm 200 nghìn đồng/bé để cân đối thu, chi.

Hàng ngày, các nhân viên tạp vụ đến từ 6h sáng để dọn dẹp, giáo viên thì đến lúc 6h30. Bố mẹ của các bé đa phần đều là công nhân, người lao động nên các bé được đưa đến lớp sớm, và chiều tối muộn mới đón về.

Trong việc học tập và ăn uống, các em đều được thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ y tế.

"Các con khi ngồi ăn hay lúc ngủ cũng đều cách nhau khoảng một mét để phòng chống dịch", chị Thúy chia sẻ.

Chị Thúy cũng cho hay, khi phụ huynh cho con em đến lớp, các bé được gặp lại bạn bè thì chúng rất vui, bố mẹ cũng phấn khởi vì có nơi gửi gắm để yên tâm đi làm.

Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng chị Thúy cho rằng, cơ sở của chị vẫn may mắn vì vẫn còn có khả năng quay lại hoạt động. Nhiều chủ cơ sở mầm non khác tại Thành phố Hồ Chí Minh phải giải thể, do không có thu nhập để trang trải tiền thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên...trong gần 1 năm đóng cửa trường chống dịch vừa qua.

Trong khi đó, tại Thành phố Hà Nội, các cơ sở mầm non vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Nhiều chủ cơ sở mầm non tư thục mong muốn được mở lớp nhưng đồng nghĩa việc họ phải đối mặt với khó khăn khi các ca mắc Covid-19 ở Hà Nội những ngày qua đều từ 3.000 - 4.000 ca/ngày. Trẻ học mầm non đều chưa được tiêm phòng vắc xin.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, chủ một cơ sở mầm non tại Thanh Xuân cho biết, thời gian vừa qua các bé không được đến trường lớp để học, vui chơi với các bạn là một thiệt thòi lớn. Điều này cũng làm ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các em.

Trước thông tin Hà Nội sẽ cho học sinh đi học trở lại trong thời gian sắp tới, chị Lan cho rằng, các cơ sở mầm non sẽ phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho các bé.

Anh Lê Văn Nam (phụ huynh có con nhỏ 3 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết, thời gian dài vừa qua, các cơ sở mầm non đóng cửa, vợ chồng anh phải nhờ bà nội đến trông cháu để có thể đi làm được.

Con nhỏ ở nhà được bà nội chăm sóc nhưng cháu tinh nghịch khiến bà cũng mệt mỏi, bên cạnh đó cháu bé cũng xem tivi nhiều hơn, khiến gia đình lo lắng cháu bị cận thị sớm.

"Tôi mong Hà Nội sớm cho các cơ sở mầm non hoạt động trở lại, để các con được trở lại lớp học hành, vui chơi cùng các bạn, để được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần", anh Nam chia sẻ.

Mạnh Đoàn