Có thật học sinh lớp 1 tiến bộ vượt bậc vì học chương trình, sách giáo khoa mới?

09/02/2021 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuối học kỳ 1 nhiều em đọc thông viết thạo để khẳng định chương trình vừa sức cũng chưa thật sự khách quan vì khi vào lớp 1 nhiều em đã đọc thông viết thạo.

Mới đây, Báo Lao động có phóng sự “Bất ngờ khi học sinh lớp 1 đọc thông, viết thạo chỉ sau 1 học kỳ”, bài viết phản ánh việc dạy và học của học sinh Trường Tiểu học cơ sở Bích Sơn, tỉnh Bắc Giang.

Học sinh lớp 1 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Học sinh lớp 1 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Cô giáo Vũ Thanh Lam, cho biết học sinh có sự tiến bộ rõ rệt, vượt bậc cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất. Học sinh tự tin đọc bài chia sẻ hiểu biết của mình khi có nhu cầu thảo luận, tự biết thực hiện nhóm đôi hoặc nhóm 4.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Giang ông Bạch Đăng Khoa cũng khẳng định đây là học sinh vùng dân tộc nhưng sau một học kỳ các em đã đọc tốt, chúng tôi đọc chính tả, học sinh viết một cách nhanh, thuần thục.

Chị Phan Hương, phụ huynh học sinh của trường cũng nói rằng học chương trình mới các con đọc nhanh hơn, viết tốt hơn.

Sau khi học xong, các con cảm thấy thích thú với việc học. Về nhà, các con tự giác học không phải bố mẹ nhắc nhở. Sau khi học xong, các con đọc truyện cho các em ở nhà. Ngoài ra còn biết làm nhiều việc nhà giúp bố mẹ, sáng không cần bố mẹ gọi dậy dục đi học mà tự dậy, thích đến trường, đến lớp.

Xem xong phóng sự, nghe xong những lời phát biểu của đại diện giáo viên, nhà lãnh đạo và phụ huynh học sinh, chúng tôi thấy thật vui và thật mừng vì hiệu quả của chương trình mới mang lại một cách vượt bậc.

Vượt bậc vì, đến những đứa trẻ vùng cao còn được thay đổi nhiều về nhận thức, về năng lực và phầm chất.

Mừng cho học sinh của đồng nghiệp nơi ấy đã học tốt hơn, năng động hơn, thích đến trường đến lớp hơn nhưng lại thấy buồn cho học sinh quê mình và một số địa phương khác.

Chúng tôi không khỏi thắc mắc, học sinh vùng khó khăn như vậy học tốt thế thì tại sao học sinh nơi quê mình và nhiều địa phương khác có điều kiện thuận lợi hơn lại khó bắt nhịp với chương trình?

Tại sao nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cùng là giáo viên lớp 1 luôn than chương trình quá nặng để học sinh khó theo kịp? Tại sao phụ huynh lại bức xúc vì quá mỏi mệt khi phải dạy con học ở nhà? Khi phải cho con đi học thêm ca ba mỗi ngày?

Chúng tôi buồn vì trên lớp giáo viên đã vất vả cả buổi nhưng nhiều học sinh cũng không thể theo kịp chương trình. Buồn vì phụ huynh luôn chia sẻ đánh vật với con suốt cả buổi tối, vợ chồng cự cãi nhau cũng vì dạy con học nhưng các con vẫn đọc rất chậm.

Thậm chí, đôi khi giáo viên lớp 1 như chúng tôi còn cảm thấy buồn pha nỗi xót xa khi những đứa trẻ phải học liên tục 3 ca suốt cả tuần mới theo kịp chương trình.

Chương trình và sách giáo khoa mới có nặng hơn chương trình hiện hành?

Câu hỏi này đã không ít lần được đặt ra, người làm chương trình cho rằng chương trình vừa sức nhưng người thụ hưởng và giáo viên giảng dạy lại có cách nhìn hoàn toàn khác.

Nếu chỉ căn cứ vào việc cuối học kỳ 1 mà nhiều em đã đọc thông viết thạo để khẳng định chương trình vừa sức cũng chưa khách quan. Hay việc cứ nhìn thấy một số học sinh chưa thể đọc và viết được nói rằng chương trình quá nặng cũng chưa thuyết phục.

Bởi, trong thực tế nhiều học sinh đã học thêm từ mẫu giáo, khi vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo.

Vậy nên, hãy làm một phép so sánh và mỗi người có quyền rút ra nhận xét của riêng mình.

Nếu sách giáo khoa hiện hành một tiết dạy chỉ 2 âm hoặc vần thì sách giáo khoa chương trình mới có tiết học từ 3 đến 4 âm vần và đọc cả đoạn văn bản dài.

Chương trình hiện hành thì cuối học kỳ 2 học sinh còn nhìn chép văn bản và mới tập viết chữ hoa nhưng sách giáo khoa mới tuần 15 học sinh đã phải nghe viết chính tả.

Trong chương trình hiện hành, chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu tốc độ đọc của các em 30 tiếng/phút.

Trong khi chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 “Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc: 40 – 50 tiếng/phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ”.

Thực tế thì những học sinh đạt tốc độ đạt chuẩn theo quy định 30 tiếng/phút vẫn thể hiện đọc ngắc ngứ, ê a, chưa thật sự trôi chảy. Nay, buộc các em phải đọc 1 phút từ 40 đến 50 tiếng quả là quá cao. Yêu cầu này, hiện học sinh lớp 2 chương trình hiện hành đang thực hiện.

Phần đọc đã nặng, ở phần viết, với học sinh lớp 1 mà đã yêu cầu các em biết viết “Quy tắc viết chữ cái đầu câu, viết tên riêng người Việt”.

Biết “Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu. Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi.

Chẳng hạn: “Em học được điều gì tốt ở nhân vật trong truyện?”, “Câu chuyện/bài thơ khuyên chúng ta điều gì?”.

Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.

Nhờ sự gợi ý, hỗ trợ, hiểu được đề tài hay thông tin chính của văn bản, thể hiện qua khả năng trả lời câu hỏi, chẳng hạn: “Văn bản này viết về điều gì?”.

Đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 30 trang/năm, mỗi trang khoảng 110 chữ, có tranh minh họa.

Đọc mở rộng văn bản thông tin với dung lượng khoảng 20 trang/năm, mỗi trang khoảng 90 chữ, có hình ảnh.

Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 – 35 chữ theo các hình thức nhìn – viết (tập chép), nghe – viết, tốc độ viết khoảng 30 – 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi”.

Những yêu cầu về kiến thức của chương trình mới như thế chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh khối lớp 2 của chương trình 2000.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi là giáo viên lớp 1 chương trình hiện hành cho biết: “Cuối năm học, học sinh lớp 1 mới chỉ đủ trình độ nhìn văn bản chép (tập chép). Nếu đọc viết chỉ khoảng 2/3 học sinh trên lớp đáp ứng được”.

Nay kiến thức mới được nâng cao nhiều hơn “nghe – viết, tốc độ viết khoảng 30 – 35 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi” đến học sinh lớp 2 nhiều em chưa đạt được yêu cầu này.

Chúng tôi là giáo viên tiểu học đang trực tiếp giảng dạy học sinh, góp tiếng nói phản ánh thực trạng không ngoài mong muốn chương trình và sách giáo khoa lớp 1 sẽ được giảm tải để giáo viên đỡ áp lực, phụ huynh đỡ vất vả và để học sinh lớp 1 được học hành, vui chơi hồn nhiên đúng lứa tuổi mình.

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/video/bat-ngo-khi-hoc-sinh-lop-1-doc-thong-viet-thao-chi-sau-1-hoc-ky-873271.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết