Có thầy cô bắt học trò soạn bài còn mình đi mua giáo án, vì đâu nên nỗi?

06/07/2021 06:52
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chợ giáo án sẽ tự dẹp khi ngành giáo dục thay đổi cách đánh giá giáo viên như chú trọng vào tiết dạy, chất lượng của học sinh, sự bằng lòng của phụ huynh.

Là một người tương đối hoạt ngôn thế mà bản thân chẳng biết nói gì khi có một phụ huynh đặt câu hỏi: Cô ơi! Giáo viên mà không biết soạn giáo án hay sao mà cứ phải đi mua? Không soạn được giáo án sao mà dạy được? Giáo án người khác soạn mình dạy thế nào?”

Ảnh chụp màn hình trên facebook.

Ảnh chụp màn hình trên facebook.

Nói rồi vị phụ huynh kia cho biết vì bản thân muốn dạy con nên có tham gia vào một số diễn đàn của nhiều thầy cô giáo. Trước đây, khi chưa thay sách thì những diễn đàn này chủ yếu thấy các thầy cô trao đổi bài dạy, rồi phụ huynh và học sinh hỏi những bài tập khó…nhưng nay thì toàn thấy đăng bán giáo án của các lớp và những sáng kiến kinh nghiệm đi thi.

Nói rồi vị phụ huynh chốt một câu, buôn bán chất xám mà đưa công khai lên mạng xã hội cho bàn dân thiên hạ biết cũng kỳ cô hè.

Nhưng phụ huynh nói vẫn chưa thể đau bằng một học trò lớp 12 từng phát biểu thế này: Thầy cô thì bắt học sinh soạn bài mỗi ngày, không soạn cho ăn ngay quả trứng (điểm 0) hoặc con ngỗng (điểm 2) mà không thương tiếc. Còn bản thân mình lại bỏ tiền mua giáo án để dạy có phải là vô lý quá hay không?

Tôi chỉ biết im lặng vì quả thật những nhận xét của phụ huynh và học sinh chẳng sai nên không thể biện minh. Tự nhiên cảm thấy cũng còn may vị phụ huynh chưa nói tiếp việc nhiều giáo viên tố nhau vì bị lừa khi mua phải giáo án dởm (không đúng như giáo án mẫu cho xem lúc đầu).

Chào bán một đằng sản phẩm đưa một nẻo

Giáo án bán có khá nhiều giá, có người chỉ đưa giá 100 ngàn đồng 1 môn cho cả năm học, người bán 200, 300 ngàn thậm chí có người bán tới 500 ngàn đồng/môn.

Người đưa yêu cầu chịu trách nhiệm soạn luôn cả năm với đầy đủ các môn với giá khoảng 1 triệu đồng/khối…

Một đồng nghiệp của chúng tôi cũng từng là nạn nhân của việc mua phải giáo án dởm. Để tạo lòng tin, người bán đã chụp màn hình có một bài đang soạn khá chi tiết.

Sau khi bên mua đồng ý, tiền được chuyển vào tài khoản thì lập tức emai báo đã nhận được thư. Thế nhưng mở ra chỉ có vài bài được soạn đầy đủ còn hầu như chỉ có cái tựa đề hoặc soạn sơ sài ít dòng cho có.

Biết mình bị lừa, nhiều thầy cô ngậm đắng nuốt cay, không thể công khai giữa thanh thiên bạch nhật cho bao người biết. Bởi, việc mình mua giáo án đã sai, việc mình bị lừa lại càng xấu hổ.

Tuy nhiên có người nói để cảnh báo cho những người sau không bị lừa như mình, để những người lừa không còn “đất làm ăn” nên lên mạng bốc phốt nhau làm cho hình ảnh những người thầy càng trở nên xấu xí hơn trong mắt nhiều người.

Chuyện mua bán giáo án công khai trên mạng xã hội đã trở thành chuyện thường. Chợ buôn bán giáo án mới thật sự sôi nổi kể từ khi chương trình mới được áp dụng 2 năm gần đây. Và dự báo, chợ giáo án này sẽ tồn tại cho đến khi khối lớp cuối cùng được triển khai chương trình mới.

Bởi lúc đó, giáo viên trong trường, trong địa bàn chỉ cần trao đổi giáo án qua lại với nhau.

Cần thay đổi cách đánh giá giáo viên

Là giáo viên, ai cũng biết, cũng hiểu giáo án chỉ cần để kiểm tra và xếp loại vào mục hồ sơ sổ sách.

Trong thực tế, giáo viên lên lớp dạy tùy vào tình hình hiện tại của lớp, tùy vào tình huống xảy ra trong tiết dạy ấy để có sự điều chỉnh phương pháp, hình thức lên lớp phù hợp. Dù là chương trình mới cũng chẳng mấy ai nhìn giáo án để giảng bài.

Việc giáo án được mua bán sôi nổi trên mạng một phần cũng do giáo viên muốn có những bộ hồ sơ đẹp dùng để kiểm tra khỏi bị góp ý, nhắc nhở chứ không phải dùng để dạy hàng ngày.

Ở các trường học hiện nay, vẫn coi trọng việc kiểm tra hồ sơ sổ sách. Khi kiểm tra, có người xăm soi từng câu chữ xem có đúng mẫu theo yêu cầu? Các phần có ghi đầy đủ?...rồi nhận xét, góp ý và xếp loại. Khi hồ sơ bị xếp loại chưa đạt hoặc đạt thì kéo theo xếp loại chung cũng không thể tốt.

Chúng tôi cho rằng, chợ giáo án sẽ tự dẹp khi ngành giáo dục thay đổi cách đánh giá giáo viên như chú trọng vào tiết dạy, chất lượng của học sinh, sự bằng lòng của phụ huynh chứ đừng đặt nặng vào việc giáo án phải soạn theo mẫu, phải đúng quy định về nội dung và cách trình bày. Chỉ cần xem giáo án như một yêu cầu cần có chắc chắn giáo viên sẽ không còn tư tưởng đối phó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa