Bên trong những cái chợ giáo án 5512 đã bắt đầu có những cai thầu, đầu nậu

20/06/2021 07:11
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, các group của giáo viên trở thành nơi “mua, bán, xin, cho” giáo án theo mẫu 5512.

Giáo viên gần như ai cũng tham gia mạng xã hội, nào là Zalo, Facebook. Khi tham gia Facebook, ít có giáo viên nào không tham gia một hội, nhóm, group nào đó.

Giáo viên cấp học nào thì tham gia group cấp đó, môn nào thì tham gia group môn đó. Việc tham gia các group cũng là cách để được đọc chia sẻ của đồng nghiệp và ngược lại.

Đặc biệt, những thầy cô có nghề phụ là bán hàng online thì các group cũng là nơi quảng cáo, tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình.

Những group của giáo viên có từ vài ngàn thành viên đến hàng trăm ngàn thành viên là chuyện thường.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, các group của giáo viên trở thành nơi “mua, bán, xin, cho” giáo án theo mẫu 5512.

Giáo viên soạn giáo án cho group chẳng khác... "cốc mò cò xơi"

Có những group tập hợp được kế hoạch bài dạy từ giáo viên “hảo tâm” đã cho phép thành viên mình tải miễn phí, cũng có group cho tải nhưng với điều kiện “có phí nhỏ”.

Đặc biệt, có những group biến hình thành nơi sản xuất giáo án 5512. Quản trị viên của những group này tổ chức “DỰ ÁN SOẠN GIÁO ÁN LỚP 1, LỚP 2, LỚP 6”.

Những giáo viên tham gia “dự án” sẽ được quản trị viên phân công soạn bài nào, cuốn sách nào, trên cơ sở ban đầu là phục vụ cho chính bản thân người soạn. Khi đóng góp kế hoạch bài dạy cho group, quản trị viên sẽ tập hợp, giáo viên tham gia biên soạn được nhận lại kế hoạch bài dạy trọn bộ cho 1 cuốn sách.

Ảnh chụp màn hình tổ chức dự án soạn kế hoạch bài dạy theo sách giáo khoa mới của các group

Ảnh chụp màn hình tổ chức dự án soạn kế hoạch bài dạy theo sách giáo khoa mới của các group

Như vậy, chỉ cần tổ chức “DỰ ÁN SOẠN GIÁO ÁN LỚP 1, LỚP 2, LỚP 6”, quản trị viên của group đã có được “tài nguyên” kế hoạch bài dạy của các cuốn sách lớp 1, 2, 6 đã được Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt đang lưu hành ở các địa phương.

Giáo viên muốn có “tài nguyên” kế hoạch bài dạy phải liên hệ với “chủ thớt” quản trị viên của group với “mức phí nhỏ”.

Phải nói, nhưng “chủ thớt” quản trị viên của group tổ chức “DỰ ÁN SOẠN GIÁO ÁN LỚP 1, LỚP 2, LỚP 6” có đầu óc tổ chức kinh doanh.

Những giáo viên soạn giáo án cho group chỉ được hưởng một phần rất nhỏ của lợi nhuận mà tài nguyên họ đóng góp, lợi nhuận chủ yếu chảy về túi của “chủ thớt”.

Như vậy, giáo viên soạn giáo án cho group chẳng khác... cốc mò cò xơi!

Tại sao giáo viên phải mua kế hoạch bài dạy (giáo án)?

Trên group, có giáo viên viết: “Theo em nghĩ, thầy cô nên tự soạn kế hoạch bài dạy, có như thế mới hiểu rõ mục đích, kiến thức, kĩ năng cần có để dạy học trò. Nếu mua về, sản phẩm đó không phải của mình, không áp dụng được, tiền mất, kế hoạch bài dạy chỉ để không”.

Chia sẻ đó không sai mà phải nói là rất chính xác là đằng khác. Vậy tại sao giáo viên phải đi mua kế hoạch bài dạy?

Thực tế, kế hoạch bài dạy (giáo án) chỉ có tác dụng với giáo viên mới ra trường, chưa thuộc sách giáo khoa, còn phụ thuộc vào kế hoạch bài dạy (giáo án).

Với giáo viên “trung thành với sách giáo khoa”, kế hoạch bài dạy (giáo án) với họ cũng vô nghĩa vì phương pháp dạy học tối cao là “đọc chép”.

Với giáo viên đã có thâm niên, có chút tâm huyết với nghề, khi lên lớp chẳng ai dùng đến kế hoạch bài dạy (giáo án). Kế hoạch bài dạy (giáo án) chỉ nhằm phục vụ “làm đẹp hồ sơ kiểm tra”.

Kế hoạch bài dạy (giáo án) thường được soạn để cho người kiểm tra đọc chứ không phải cho giáo viên thực hiện, nên dài dòng, vô bổ, đặc biệt theo mẫu của 5512. Vì thế, giáo viên chọn phương án mua cho khỏe, vì vậy sau Công văn 5512 đã có hiện tượng “thị trường hóa” Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh đều có điểm khác biệt về vùng, miền, năng lực nhận thức. Vì thế, đòi hỏi kế hoạch dạy học khác nhau, đó chính là sự sáng tạo của người thầy.

Trao quyền tự quyết về chuyên môn cho giáo viên thì phải trao quyền sáng tạo Kế hoạch bài dạy (giáo án) cho họ.

Hãy để giáo viên tự soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án), miễn sao Kế hoạch bài dạy (giáo án) đó phát huy được phẩm chất, năng lực của học trò, tuyệt đối không áp đặt, bắt buộc giáo viên thực hiện khuôn mẫu giáo án nào.

Các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá giáo viên qua thực tế tiết dạy cụ thể trên lớp, thực tế mới sống động, chân thực, mới phản ánh đúng nhất năng lực, phẩm chất của người dạy và người học.

Hồng Nhung