Có trường, máy móc phòng học Tin đã hỏng hóc và cũ nát rất nhiều

15/08/2022 06:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn về giáo viên Tin học, tiếng Anh, nên các trường, các phòng Giáo dục và Đào tạo ở một số địa bàn miền núi đang tìm cách khắc phục trước mắt.

Năm học mới đã cận kề, bài toán thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 3 và lớp 7 đang khiến nhiều phòng Giáo dục và Đào tạo, một số trường trên địa bàn miền núi gặp khó.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết: “Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục huyện Than Uyên còn thiếu 7 giáo viên tiếng Anh và 12 giáo viên Tin học.

Hiện nay, các thầy cô giáo đã kết thúc thời gian nghỉ hè, đang trở lại trường làm công tác dọn dẹp cơ sở vật chất và chuẩn bị bước vào tập huấn chuyên môn”.

Các giáo viên ở huyện Than Uyên chuẩn bị tập huấn chuyên môn trước thềm năm học mới. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu

Các giáo viên ở huyện Than Uyên chuẩn bị tập huấn chuyên môn trước thềm năm học mới. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu

Nói về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thầy Hải cho biết: “Trước mắt ngành giáo dục Than Uyên sẽ cùng với các trường tùy thuộc vào tình hình thực tế trên địa bàn để sắp xếp giáo viên chuyên môn cho phù hợp. Ngành cũng cố gắng sẽ đảm bảo các em học sinh đều được tiếp cận với tiếng Anh, Tin học.

Về lâu về dài, phòng sẽ có tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện lên kế hoạch tuyển giáo viên để đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy. Còn trước mắt, phòng cho một số giáo viên có chuyên ngành Toán – Tin tập huấn để có thể dạy chuyên môn về Tin học.

Các thầy có thể dạy liên cấp, nhiều trường, nhiều lớp từ trung học cơ sở đến tiểu học. Đối với trường hợp thiếu giáo viên tiếng Anh, ngành sẽ kết hợp dạy trực tiếp và dạy trực tuyến nhiều trường, nhiều lớp".

Một số học sinh lớp 3 vẫn còn học ở các điểm trường sẽ được học kết nối theo hình thức trực tuyến. Trước khi đưa ra phương án dạy trực tiếp ở các điểm trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tiến hành rà soát đầy đủ tại các điểm. Khi đảm bảm được chất lượng giảng dạy, ngành giáo dục mới cho các trường triển khai.

Đối với vấn đề sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Trịnh Ngọc Hải cho biết: “Đến bây giờ, các trường, các thầy cô giáo vẫn đang phải vận động phụ huynh mua sách. Đến thời điểm này cũng có khoảng 80% các em có sách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn”.

“Ngành giáo dục Than Uyên cũng đang hi vọng thời gian tới sẽ có thêm giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bộ môn. Không chỉ huyện Than Uyên mà cũng nhiều nơi còn thiếu giáo viên cho chương trình mới, trước mắt phòng cứ chủ động khắc phục để đảm bảo công tác chuyên môn”, thầy Hải cho biết thêm.

Cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Kiều Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mường Cang (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết, nhà trường trước đây có 1 giáo viên Tin học, nhưng năm học này cô giáo chuyển công tác theo gia đình nên hiện trường đang “trắng” giáo viên dạy môn này.

Còn giáo viên tiếng Anh thì nhà trường đã có giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu.

Cô Tâm cũng chia sẻ: “Trên này vùng cao còn khó khăn lắm, phòng Tin học thì máy móc từ nhiều năm trước rồi nên hỏng hóc và cũ nát rất nhiều, chưa khắc phục được. Phòng học tiếng Anh cũng chưa có nên chất lượng học của các em cũng còn nhiều hạn chế”.

“Nhà trường sẽ tập trung vào khắc phục trước mắt. Có thể sẽ đưa thầy giáo có chuyên môn ban đầu là Toán – Tin đi bồi dưỡng thêm để dạy. Về lâu về dài, nhà trường vẫn có kế hoạch xin bổ sung giáo viên cho môn học này. Tuy nhiên, tình hình giáo viên Tin học đang thiếu chung thì việc này có lẽ chưa thể giải quyết ngay”, cô Tâm cho biết thêm.

Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: LC

Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: LC

Tại xã Thu Lũm (xã biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), thầy giáo Lỳ Xừ Po – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm cho biết: “Ở trường Tiểu học Thu Lũm phòng Tin học tính đến ngày 2/8 đã xây dựng xong. Trước mắt vẫn là tận dụng bàn ghế của các lớp học khác để dùng tạm.

Thiết bị thì có rồi nhưng đến nay trường vẫn chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè điều chuyển giáo viên Tin học để dạy.

Trường cũng đã chuẩn bị một phương án là cho một giáo viên thành thạo về Tin học trực tiếp giảng dạy trong trường hợp không có giáo viên điều chuyển”.

Nói về giáo viên tiếng Anh, thầy Lỳ Xừ Po cũng cho biết thêm: “Trước mắt thì nhà trường chưa có giáo viên tiếng Anh và cũng chưa có thiết bị để học sinh học tiếng Anh. Trường đang chờ sự sắp xếp của cấp trên như thế nào để đảm bảo việc dạy học. Về thiết bị môn học liên quan, cũng hi vọng sẽ nằm trong gói của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phát cho trường trong thời gian tới”.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị năm học mới cơ bản cũng đã ổn với các bộ môn khác, riêng 2 môn tiếng Anh, Tin học cho lớp 3 nhà trường chưa chủ động được nên vẫn phải đợi các cấp, các ngành giúp đỡ”, thầy Lỳ Xừ Po cho biết.

Trần Phương