Thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học nhưng không thể tuyển vì không còn biên chế

23/04/2022 06:38
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù chỉ còn vài tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng nhiều địa phương hiện thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh và Tin học.

Tại nhiều trường tiểu học ở địa phương, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học ít hoặc không có, nhiều lo ngại đang đặt ra là có thể giáo viên này phải tăng ca, dạy thêm giờ trong năm học tới.

Từ năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục tổ chức dạy môn tiếng Anh và môn Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3. Tuy nhiên, dù chỉ còn vài tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng nhiều địa phương hiện thiếu trầm trọng giáo viên 2 bộ môn này.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, các trường tiểu học ở huyện Bắc Quang cũng như trên toàn tỉnh đang thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên những bộ môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học.

“Hiện tại gần như các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Số lượng trường có giáo viên 2 bộ môn này rất ít, không đáng kể”, bà Hiền nói.

Với mục tiêu các em học sinh lớp 3 đều được học môn Tiếng Anh và Tin học trong năm học 2022 - 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang đang thống kê số lượng cụ thể giáo viên thừa, thiếu để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện công tác biệt phái, có thể thành lập tổ giáo viên di động dạy trên nhiều địa bàn trên cùng một xã. Các nhà trường cũng sẽ phải phối hợp với nhau để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Với những trường tiểu học có giáo viên 2 bộ môn này, trong năm học tới dạy thêm lớp 3 sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí. Theo đó, các nhà trường sẽ phải thống kê lại cụ thể số tiết dạy thừa ra để thanh toán tiền tăng ca cho giáo viên.

“Hiện tại ngân sách nhà trước cấp cho huyện rất hạn hẹp, vì vậy nhà trường khó có thể trả được hoàn toàn kinh phí tăng ca của giáo viên dạy thừa giờ. Vì vậy, khi trường trả tiền tăng ca cho giáo viên sẽ mang tính chất hỗ trợ thêm là chính để tạo động lực cho giáo viên đi dạy. Còn nếu muốn chi trả đúng và đủ theo quy định thì huyện không đủ nguồn ngân sách”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang nhấn mạnh.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang bày tỏ, thiếu giáo viên là tình trạng chung của các trường trên địa bàn huyện nên mỗi trường có nhiệm vụ làm công tác tư tưởng, động viên giáo viên tăng ca dạy thêm giờ, mỗi giáo viên đều phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình. Nếu giáo viên không chấp nhận dạy thêm giờ thì không thể đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Huyện Bắc Quang đang tiến hành thực hiện các giải pháp để đảm bảo năm học mới hiệu quả nhất nhưng về lâu, về dài bài toán biên chế vẫn là một vấn đề nan giải.

“Vì hiện tại các trường trên địa bàn huyện đang thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế, tuyển mới với các huyện vùng cao thì còn có chỉ tiêu chứ huyện Bắc Quang thuộc vùng thấp nên mỗi năm đều tinh giản 10% biên chế. Do đó huyện không có chỉ tiêu biên chế dư ra tức là dù thiếu giáo viên nhưng không được tuyển.

Trong năm học 2022 - 2023 sắp tới, có thể huyện sẽ ký hợp đồng có thời hạn hoặc mời giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng nhu cầu học Tiếng Anh và Tin học của học sinh”, bà Hiền cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Xuân Chiến- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, hiện tại huyện Nậm Pồ đang thiếu khoảng 8 giáo viên Tiếng Anh, 5 giáo viên Tin học.

Năm học 2022 - 2023 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy bắt buộc Tiếng anh, Tin học cho lớp 3 thì ở những trường hiện tại đang có giáo viên Tiếng Anh, Tin học, giáo viên buộc phải dạy thêm tiết. Các trường sẽ thống kê số tiết dạy thừa để chi trả đầy đủ tiền tăng ca cho giáo viên theo đúng quy định.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh cử 25 em đi học dự tuyển, tính đến giờ là được 1 năm, tức là vào năm học mới vẫn chưa đi giảng dạy được.

Ngoài ra, các trường sẽ tiến hành dạy ghép lớp, hai lớp 3 học chung một tiết do một giáo viên giảng dạy. Ghép lớp thì chất lượng giáo dục học sinh sẽ thấp hơn. Vì một giáo viên phải dạy nhiều học sinh cùng một lúc nên không thể sát sao từng em được”, ông Chiến cho hay.

Ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, huyện có 22 trường có cấp tiểu học, hiện tại cần bổ sung thêm 3 giáo viên Tin học và 2 giáo viên Tiếng Anh. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện đề xuất lên Sở Nội vụ tuyển dụng. Tuy nhiên, năm ngoái công tác tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn nên năm nay cũng chưa biết rõ được có tuyển đủ số lượng giáo viên không.

“Mô hình trường ở huyện chủ yếu là ghép hai cấp học là trung học cơ sở và tiểu học nên chung giáo viên. Các giáo viên hưởng lương theo cấp dạy. Giáo viên Tiếng Anh, Tin học tại các trường đã sớm được đưa đi bồi dưỡng, tập huấn theo quy định nhằm đảm bảo chất lượng dạy tốt nhất trong năm học tới”, ông Hạnh nói.

Định mức giờ dạy của giáo viên tiểu học được quy định tại điều Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2017 như sau:

– Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

+ 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

+ 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

+ 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

+ 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

– Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần.

Trần Lý