Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất các biện pháp cứu trường tư thục

13/03/2020 06:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Vũ Minh Đức đề xuất cần có cơ chế tài chính như: miễn, giảm, giãn thuế... có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho trường tư vay.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và gây khó khăn đối với nền kinh tế, làm đảo lộn mọi hoạt động khác trong đó có giáo dục, đặc biệt đã tác động lớn tới các trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, nhóm trẻ độc lập…

Nhiều nơi đã đóng cửa, nhiều nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn vì vẫn đang phải gánh nhiều khoản chi phí trong khi hệ thống đang phải dừng hoạt động.

Nhiều trường tư hiện nay đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, cô thầy giáo phải dạy học trực tuyến nhưng không có nguồn tiền để trả lương (ảnh minh họa - Thùy Linh).
Nhiều trường tư hiện nay đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, cô thầy giáo phải dạy học trực tuyến nhưng không có nguồn tiền để trả lương (ảnh minh họa - Thùy Linh).

Trước tình cảnh đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XV bày tỏ chia sẻ những khó khăn với các trường tư và các thầy cô đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo ông Vũ Minh Đức, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có một số ý kiến sau:

Hiện nay các trường ngoài công lập, trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình… gặp khó khăn khi phải cho học sinh nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch Covid-19 là có thật và rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành và các địa phương;

Trong đó có thể miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác; có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay… để giúp các đơn vị này vượt qua khó khăn.  

Bộ Giáo dục cần sớm có hướng dẫn việc dạy học trực tuyến đừng để mạnh ai nấy làm
Bộ Giáo dục cần sớm có hướng dẫn việc dạy học trực tuyến đừng để mạnh ai nấy làm

Việc buộc phải đóng cửa một số trường học ngoài công lập sẽ là một việc làm rất đáng tiếc vì có được các nhà trường như hiện nay là tâm huyết và sự cố gắng của các nhà đầu tư, của nhiều thế hệ lãnh đạo, giáo viên và người lao động trong các nhà trường;

Chưa nói đến những hệ lụy vô cùng to lớn mà các em học sinh của các trường này phải gánh chịu nếu nhà trường đóng cửa hoặc giải thể.

Qua đợt dịch Covid-19 này, các nhà trường cũng cần quan tâm, phân bổ nguồn lực trên cơ sở cân đối thu - chi, bảo đảm nguồn lực dự trữ, để có thể duy trì hoạt động của nhà trường trong những tình huống phức tạp;

Đồng thời có sự chuẩn bị để có thể ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của Nhà trường.

Mặt khác, cũng cần coi việc đảm bảo quyền lợi của người lao động, có hỗ trợ các thầy cô giáo trong tổ chức dạy học trực tuyến và ôn tập cho học sinh để người lao động gắn bó với nhà trường vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, đồng thời cũng là điều kiện đảm bảo nhà trường phát triển ổn định, lâu dài.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh: “Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19.

Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các đơn vị cần chung tay cùng tháo gỡ khó khăn.

Các trường ngoài công lập căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị mình cần hỗ trợ giáo viên khi tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.

Vì vậy rất cần có cơ chế tài chính như: miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác; có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay… để giúp các đơn vị này vượt qua khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, ban hành những văn bản quy định về tính pháp lý của việc giảng dạy trực tuyến, làm căn cứ để các nhà trường có thể thu học phí hợp lý, trang trải chi phí và trả lương cho giáo viên".

Trinh Phúc