7 giờ tối hàng ngày (trừ Chủ Nhật), tại Nhà văn hóa thôn 168 (Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình) lại vang lên tiếng loa thông báo rõng rạc, chậm rãi của một cụ ông: "Bây giờ là 7h (19h) yêu cầu các em học sinh ngồi vào bàn học để học bài, đề nghị các bậc phụ huynh tắt tivi, văn nhỏ âm thanh và nhắc nhở các em ngồi vào bàn học để các em học sinh học bài nghiêm túc có chất lượng”.
Tiếng loa thông báo trên đã gắn liền với người dân nơi đây suốt 6 năm qua, như lời thúc giục con em họ ngồi vào bàn học tập. Người tiếp lửa cho hoạt động này là ông Trần Hữu Thỉnh (78 tuổi, Chi hội trưởng người cao tuổi trong thôn 168).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hữu Thỉnh cho hay, xuất phát từ phong trào "tiếng trống khuyến học" do Mặt trận Tổ quốc xã và thôn phát động, ông đã xung phong làm công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" này, nó giúp ích cho thôn xóm, mang lại cho ông niềm vui tuổi già.
Trong thâm tâm ông khi đó chỉ mong sao góp được chút ít công sức của mình giúp cho tinh thần hiếu học ở thôn, xóm phát triển.
Ông Trần Hữu Thỉnh đọc loa kêu gọi học sinh ngồi vào bàn học. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Từ nhà ông Thỉnh đến Nhà văn hóa thôn khoảng trăm mét, bất kể trời mưa gió, rét buốt hàng ngày ông đều chủ động đến sớm khoảng 15 phút để chuẩn bị loa đài. Ở nhà, có những hôm cơm canh do vợ ông nấu xong, nhưng ông chưa kịp ăn thì cũng tạm gác lại, còn bà ngồi chờ ông về cùng ăn.
Khi đọc loa, ông không cần chuẩn bị giấy tờ, ông đọc thật chậm rãi, rõng rạc để mọi ngời nghe rõ. Việc thông báo này của ông mất khoảng hai phút.
Sau khi thông báo trên loa xong, trên đường về nhà, ông lại ghé xem những nhà có con em học sinh, có ngồi vào bàn học hay không.
"Tôi đi kiểm tra và vào một số nhà thấy các cháu đều ngồi vào bàn học. Phụ huynh nói là đều thông báo cho các cháu học thế là tốt, trước đây chưa thông báo có cháu mải xem tivi, đi chơi, khi có thông báo thì nó tắt tivi đi để học và học trong khoảng 1-2 tiếng", ông Thỉnh chia sẻ.
Từ khi có "tiếng trống khuyến học", tình hình học tập của học sinh trong thôn đi lên. Ví như các cháu Hiền con nhà ông bà Thuân, cháu Thùy con nhà ông bà Thanh, Đan Lê con nhà ông bà Vĩnh…thuộc diện được thi học sinh giỏi của huyện và của tỉnh.
Khoảng thời gian đầu mới phát loa, một số gia đình không có con cháu trong độ tuổi đến trường phải nghe tiếng loa, khiến họ khó chịu và than phiền “Ầm ỹ quá, cứ đến giờ xem Thời sự là lại phát thanh”.
Tuy nhiên, sau một thời gian họ hiểu ra hoạt động này rất có ích trong việc khuyến khích học đối với các cháu học sinh. Rồi họ cảm thấy nhớ tiếng nói của ông vào ngài chủ nhật, ngày mà ông nghỉ đọc loa để các cháu nghỉ ngơi sau một tuần học tập căng thẳng.
"Hôm nào không nghe ông Trần Hữu Thỉnh a lô nhắc nhở các cháu học bài là lại thấy thiếu thiếu và nhớ nhớ”, người dân thôn 168 nói với nhau như vậy.
Với sự tích cực, đều đặn phát loa đã mang lại những sự thay đổi trong học tập của các cháu học sinh nơi đây. Chính quyền địa phương cũng có những lời khen ngợi với người dân và cá nhân ông Thỉnh.
Ông Thỉnh cho hay, trước đây ông từng làm bí thư chi bộ thôn, đội trưởng, trưởng thôn. Trong 10 năm làm trưởng thôn, ông phụ trách các công việc trong thôn như là ma chay, đoàn kết nội bộ, trật tự trị an.
"Tranh chấp đất đai là mình phải giải quyết đâu ra đấy hoặc là mất đoàn kết nội bộ thì phải hòa giải. Ví dụ có 3 trường hợp tranh chấp đất đai thì tôi phải yêu cầu đem sổ và địa chính ra để giải quyết, và phải bồi thường nếu sai, phải làm cương quyết", ông Thỉnh chia sẻ.
Chia sẻ thêm về hoạt động của ông Thỉnh, bà Nguyễn Thị Dảnh cho hay, dù ông Thỉnh nay đã tuổi cao sức yếu nhưng trí vẫn cao và không ai chê trách được ông, bởi ông rất nhiệt tình trong công việc tập thể.
Đối với hoạt động đọc loa kêu gọi các cháu ngồi vào bàn học, nhà bà Dảnh có 3 đứa cháu đang là học sinh, mỗi khi nghe thấy tiếng loa là chúng đều tự giác ngồi vào bàn học tập. Học lực của những đứa cháu nhà bà Dảnh đều đạt học lực khá, có công rất lớn của ông Thỉnh.
Bà Dảnh cho hay, gần đây, người dân trong thôn thấy ông Thỉnh tuổi đã cao, nên mọi người quyết định để cho ông nghỉ ngơi và bầu Bí thư chi bộ thôn lên làm thay hoạt động đọc loa, còn ông thì vẫn phụ trách công việc Chi hội trưởng người cao tuổi trong thôn. Thi Thoảng ông vẫn đọc loa nếu Bí thư chi bộ bận.
"Ông Thỉnh làm được khoảng 6 năm nay thì rất tốt, cả làng không ai chê trách được điều gì cả. Khi mà đọc loa thông báo thì đến 7h thì ngồi vào bàn học, các cháu nhà tôi đều học lực khá giỏi", bà Dảnh chia sẻ.
Bà Bùi Thị Giới cho hay, nhà bà có hai cháu đang học lớp 1 và lớp 5, khi nghe thấy tiếng đọc loa thì chúng nó cũng tự giác ngồi vào bàn học, đến 9 rưỡi, 10 giờ tối là chúng nghỉ ngơi.
"Ngày mưa, gió rét thì ông cũng đều ra đọc loa thông báo, và được người dân rất là ủng hộ. Chính nhờ hoạt động đều đặn của ông đã tạo ra tính tự giác cho tụi nhỏ", bà Giới chia sẻ.