Theo kế hoạch Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày, từ ngày 10-12/11/2021 với 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm, gồm: y tế, lao động -thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo.
4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Lắng nghe ý kiến của cử tri về vấn đề giáo dục, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay cử tri Hải Dương rất bức xúc khi không đủ điều kiện tham gia kỳ tuyển dụng giáo viên các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh năm 2021 chỉ vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay cử tri Hải Dương (ảnh: quochoi.vn) |
Được biết, theo kế hoạch tuyển dụng giáo viên và nhân viên kế toán các cơ sở giáo dục công lập ngành giáo dục đào tạo năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nếu không có bằng đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng đại học có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm đăng ký dự tuyển và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, điều đáng nói, ngày 5/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (cả hai Thông tư có hiệu lực thi hành từ 22/5/2021).
Cử tri phản ánh hai Thông tư này chẳng khác gì đánh đố giáo viên vì vừa ban hành đã có hiệu lực trong khi thời gian học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là 34-35 tín chỉ nên giáo viên học cũng không thể kịp lấy chứng chỉ. Chính việc này đã dẫn tới tình trạng trong số gần 500 người không đủ điều kiện dự tuyển giáo viên, nhân viên kế toán ngành giáo dục đào tạo tỉnh Hải Dương năm nay có hàng trăm người bị loại vì không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sau ngày 22/5/2021 theo yêu cầu của thông tư mới, gây thiệt thòi cho giáo viên.
Do đó cử tri Hải Dương đề nghị khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn cần đi trước chứ ra văn bản áp dụng ngay thì giáo viên không kịp chuẩn bị các chứng chỉ dẫn tới tình trạng Hải Dương thiếu nhiều giáo viên nhưng số lượng hồ sơ đủ điều kiện thi tuyển rất ít.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ngoài vấn đề chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cử tri còn nêu băn khoăn về chuyện học trực tuyến thời gian qua bên cạnh những ưu điểm thì tồn tại rất nhiều bất cập. Rõ ràng chúng ta đã tiến hành dạy – học trực tuyến từ năm 2020 đến nay trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chính vì vậy cử tri Hải Dương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình khung chung cho cả nước về dạy- học trực tuyến, không thể bê nguyên chương trình, nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến.
Chưa kể cũng cần tập huấn cho giáo viên khi chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến bởi dạy online có thể giáo viên thành thị không gặp nhiều khó khăn khi thiết kế bài giảng vì đã sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, nhưng giáo viên nông thôn, vùng sâu vùng xa thì là cả một vấn đề lớn. Do đó Bộ cần có hướng dẫn, barem cụ thể, chi tiết từng cấp học, đừng để giáo viên tự bơi.
Cuối cùng, cử tri lo ngại bây giờ xác định từng bước sống chung an toàn với COVID, sống chung thì rõ rồi nhưng an toàn hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cho nên Bộ cần chỉ đạo đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học kế hoạch cụ thể đón sinh viên trở lại trường ra sao để môi trường đại học không thành nơi bùng phát COVID như một số nhà máy, xí nghiệp thời gian qua vì trường đại học là nơi tập trung rất đông sinh viên.
Cử tri rất bức xúc chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học
Trước thời gian Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn Quốc hội, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nổi cộm nhất trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua chính là chuyện dạy học online làm sao có hiệu quả chứ không phải làm cho có.
Muốn có hiệu quả thì đội ngũ thầy cô cần được tập huấn, bồi dưỡng, riêng về chương trình học thì phải được nghiên cứu kỹ từng độ tuổi, từng cấp học thậm chí từng môn học, từng trường học khu vực thành thị, khu vực nông thôn, tránh tình trạng thiếu thiết bị, không có đường truyền…làm ảnh hưởng tới quá trình tổ chức dạy học cũng như đảo lộn sinh hoạt gia đình khi bố mẹ phải ở nhà trông con, phải ở nhà kèm con học, nếu con nhỏ mà để tự ở nhà học bài thì đối mặt với nguy hiểm từ chính thiết bị học tập. Chưa kể, học online hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ trong khi giáo dục đang đặt mục tiêu giáo dục toàn diện… Tất cả đều là vấn đề mà nhiều cử tri lo lắng.
Dạy học online thời gian qua còn nảy sinh vấn đề dạy thêm, học thêm. Câu chuyện đó có phải vì tình trạng này từ trước đến nay không được giải quyết triệt để hay là dạy học online nảy sinh nhiều bất cập, hiệu quả không được như kỳ vọng nên nhiều thầy cô lo chất lượng, buộc phải dạy thêm.
Nhất là học sinh cuối cấp vẫn còn đó nhiều lo lắng về học thế nào, thi cử ra sao, xét tuyển có công bằng không.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội (ảnh: quochoi.vn) |
Cuối cùng, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đề cập nội dung mà cử tri rất bức xúc đó là chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học.
“Khi 30 điểm không đỗ đại học thì cá nhân tôi cho rằng, chúng ta cần xem lại việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường phải gắn với yêu cầu bắt buộc của nhà nước, tránh tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học”, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Phân tích thêm điều này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước luôn là vừa nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có chất lượng vừa bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, “chiêu hiền đãi sĩ”, vậy tại sao học sinh đạt 30 điểm vẫn không được chào đón. Nhân tài không phải khi họ thành tài rồi mới trọng dụng mà chỉ cần thấy có phẩm chất là phải trọng dụng, bồi dưỡng rồi.