Cùng một ngành nhưng nhiều trường đào tạo, thí sinh nên lựa chọn như thế nào?

21/03/2023 06:45
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho biết, một hệ thống giáo dục đại học luôn luôn có sự phân loại các trường đại học, cả về chất lượng và số lượng.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023, một phụ huynh đặt câu hỏi tới các chuyên gia của ban tư vấn tuyển sinh rằng, khi con đam mê ngành công nghệ thông tin, hầu như trường đại học nào cũng đào tạo ngành này nên rất khó lựa chọn. Nếu chọn xét tuyển trường top đầu thì cơ hội trúng tuyển thấp, nhưng chọn trường đầu vào thấp lại lo lắng đầu ra về công việc tương lai.

Trước thắc mắc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, về quản lý chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các chuẩn tối thiểu với các chương trình đào tạo, cụ thể như đầu vào, đội ngũ, cơ sở vật chất,... khi các em nỗ lực học tập, tốt nghiệp nghĩa là sẽ đảm bảo chuẩn đầu ra tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải đáp thắc mắc cho học sinh và phụ huynh. Ảnh: Nguyên Phương

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải đáp thắc mắc cho học sinh và phụ huynh. Ảnh: Nguyên Phương

Các trường có thể có nhiều chuẩn riêng của mình thậm chí với nguồn lực đầu tư, uy tín, chất lượng đào tạo của mình, có nhiều trường công bố những chuẩn đầu ra cao hơn nhiều so với chuẩn của Bộ.

Tuy nhiên để đảm bảo mặt bằng chung, là yêu cầu tối thiểu và đến một lúc nào đó, toàn bộ hệ thống đã nâng lên mức cao hơn thì Bộ cũng sẽ nâng chuẩn lên cao nhằm tiệm cận với những chuẩn cao hơn, vượt qua chuẩn khu vực.

Tuỳ thuộc vào nguồn lực đầu tư của các trường, uy tín, thương hiệu, bề dày chất lượng đã được tích lũy theo thời gian và sự đầu tư của các bên liên quan, do đó mỗi trường có sự khác nhau về chương trình đào tạo. Một hệ thống giáo dục đại học luôn luôn có sự phân loại các cơ sở giáo dục đại học cả về chất lượng và số lượng. Trường nào có chuẩn cao thì sản phẩm đầu ra sẽ hấp dẫn hơn trên thị trường lao động.

Song, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh đến sự nỗ lực, phương pháp học tập của mỗi cá nhân sinh viên. Dù không học trường top đầu nhưng nếu sinh viên nỗ lực, biết tự học, có phương pháp học tập hiệu quả, tinh thần học tập suốt đời, để thích ứng với thị trường lao động và sự phát triển của khoa học công nghệ thì các em sẽ không lo lắng về vấn đề việc làm.

Nhiều trường đại học có chương trình đào tạo mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, phụ trách công tác tuyển sinh của Trường Đại học Thương Mại cho biết:

Năm 2023, nhà trường có các phương thức xét tuyển như: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ của học sinh trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia; xét tuyển kết hợp (chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập trung học phổ thông, chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giải học sinh giỏi với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông); xét tuyển theo kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2023, Trường Đại học Thương Mại tăng thêm 500 chỉ tiêu và bổ sung thêm 6 chương trình đào tạo mới. Ảnh: Nguyên Phương

Năm 2023, Trường Đại học Thương Mại tăng thêm 500 chỉ tiêu và bổ sung thêm 6 chương trình đào tạo mới. Ảnh: Nguyên Phương

Năm 2023, trường tăng thêm 500 chỉ tiêu và bổ sung thêm 6 chương trình đào tạo mới, trong đó có 3 chương trình chất lượng cao.

Ba chương trình chất lượng cao đào tạo các ngành Marketing, Kinh doanh quốc tế và Quản trị khách sạn. Sinh viên sẽ được học những học phần chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ với giảng viên trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, các em được thực tập, trải nghiệm doanh nghiệp, có những chương trình hỗ trợ thực hành, thực tập, tham gia các diễn đàn chuyên môn.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung nhắn gửi các thí sinh tận dụng các phương thức xét tuyển khi đủ điều kiện, tuỳ vào kết quả thi có thể đăng ký các nguyện vọng, nên sắp xếp đúng thứ tự nguyện vọng theo ngành học mình yêu thích.

Chia sẻ về những điểm mới trong công tác tuyển sinh, Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung - phụ trách công tác tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, trong vài năm trở lại đây, trường có một số ngành học mới mang tính đặc trưng riêng của trường.

Ngành du lịch địa chất hiện chỉ có Trường Đại học Mỏ - Địa chất đào tạo, sinh viên vừa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng du lịch, vừa được học về cấu tạo địa chất.

Ngành an toàn vệ sinh lao động, ngành Quản lý đô thị và bất động sản, ngành Kỹ thuật robot, Trí tuệ nhân tạo đều là những ngành học đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội ngày nay.

Năm 2023, Trường Đại học Mỏ - Địa chất mở ngành Kỹ thuật vật liệu với 45 chỉ tiêu. Ảnh: Nguyên Phương

Năm 2023, Trường Đại học Mỏ - Địa chất mở ngành Kỹ thuật vật liệu với 45 chỉ tiêu. Ảnh: Nguyên Phương

Đặc biệt, năm 2023, trường có thêm ngành Kỹ thuật vật liệu với 45 chỉ tiêu. Ngành học này chuyên về nghiên cứu tính chất vật liệu, khai thác và phát triển các loại vật liệu mới, nâng cao tính ứng dụng của các vật liệu. Đây là ngành học chưa được đào tạo phổ biến ở Việt Nam nhưng là lĩnh vực vô cùng quan trọng vì nó tác động đến các lĩnh vực khác nhau.

Chia sẻ về những ngành học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên mà nhiều thí sinh chưa thực sự “mặn mà” theo đuổi, Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung cho rằng, người học cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề, nhu cầu nhân lực của xã hội thay vì chạy theo thị hiếu, trào lưu.

Như hiện nay, nhu cầu nhân lực kỹ sư khai thác mỏ, kỹ sư khai thác dầu khí là rất lớn, mức lương cao, độ cạnh tranh thấp. Hay các ngành Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Kỹ thuật tuyển khoáng, Kỹ thuật địa chất, Địa chất công trình, Kỹ thuật dầu khí,... cũng đang rất thiếu nhân lực. Tuy nhiên, nhiều người không mặn mà với những ngành truyền thống vì chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề.

Cô Thái Nguyễn Thị Như Hảo – đại diện Ban tuyển sinh Học viện Hàng Không cho biết, năm 2023, trường có khoảng 3000 chỉ tiêu, mở rộng phương thức xét tuyển đối với hai ngành học: Quản lý hoạt động bay và Kỹ thuật hàng không. Ngoài xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì năm nay trường có phương thức xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển.

Năm 2023, Học viện Hàng Không Việt Nam tuyển sinh khoảng 3000 chỉ tiêu. Ảnh: Nguyên Phương

Năm 2023, Học viện Hàng Không Việt Nam tuyển sinh khoảng 3000 chỉ tiêu. Ảnh: Nguyên Phương

Điểm mới thứ hai là trường thay đổi tổ hợp xét tuyển với một số ngành học. Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực sẽ xét tuyển theo tổ hợp A1, D1, D14, D15.

Năm nay, trường không mở ngành mới nhưng có chuyên ngành mới. Ngành Quản trị kinh doanh trước đây có 4 chuyên ngành thì nay có thêm chuyên ngành Quản trị kinh doanh hàng không với chương trình đào tạo hơn 90% bằng Tiếng Anh.

Sinh viên trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh, đến cuối năm 2 sẽ lựa chọn chuyên ngành căn cứ vào sở thích và kết quả học tập.

Cô Hảo gửi lời khuyên đến các thí sinh cần nắm rõ cách thức đặt nguyện vọng để tránh trường hợp xảy ra sai sót, năm ngoái, có trường hợp thí sinh không trúng tuyển ngành mình yêu thích nhất vì sắp xếp sai thứ tự nguyện vọng.

Nguyên Phương