Nằm sâu trong ngõ nhỏ tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) là gia đình bà Thám Hải Anh (75 tuổi, cựu giáo viên trường Trung học cơ sở Tam Sơn). Các con không ở cùng, hai ông bà già nương tựa nhau những lúc ốm đau tuổi già.
Bà Thám Hải Anh chia sẻ, sau nhiều lần tăng lương, hiện nay bà đang nhận mức lương hưu khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn chồng bà là công nhân về hưu mất sức nên mức lương cũng thấp chỉ khoảng 2 triệu đồng.
Sống ở chốn thị thành của Bắc Ninh, nên chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ, hai vợ chồng bà cũng phải chi tiêu dè dặt. Vừa nói, bà chỉ tay về phía người chồng của bà đang giã vừng lạc.
Ảnh minh hoạ. |
Bà Hải Anh công tác trong ngành giáo dục được gần 40 năm. Lúc nghỉ hưu, bà nhận được khoảng 13 triệu đồng do vượt số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Tuổi già, bà mắc một số bệnh thường gặp như tiểu đường, huyết áp nên hằng tháng đều phải đi viện để khám sức khoẻ, lấy thuốc.
"Tháng nào tôi đi khám bệnh, thuốc men, cũng được bảo hiểm chi trả gần hết. Số tiền tôi phải đóng cũng chỉ mất khoảng hơn 100 nghìn đồng", bà Hải Anh chia sẻ.
Bà Hải Anh cho biết, số tiền trên không nhiều nhưng nếu không bảo hiểm y tế, đó cũng sẽ là số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, chồng của bà năm nay cũng đã gần 80, sức khoẻ của ông cũng gặp nhiều vấn đề như xương khớp, huyết áp...
"Nếu không có bảo hiểm y tế, hai vợ chồng già chúng tôi không biết xoay sở thế nào, khi nay ốm, mai đau rình rập", bà Hải Anh chia sẻ.
Sống ở vùng quê ngoại thành Hà Nội, cô Nguyễn Thị Tân (65 tuổi, trú tại Thường Tín) chia sẻ, năm 2016 cô về hưu sau hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, và được nhận một khoản tiền gần 40 triệu đồng tương đương số năm công tác vượt thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
"Khi mới về hưu, tôi bị đau dạ dày cấp và phải nhập viện điều trị. Bảo hiểm y tế đã chi trả chi phí điều trị, thuốc men cho tôi. Sau đó, may mắn tôi ít phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế", cô Tân chia sẻ.
Khu vực nơi cô Tân sinh sống. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Cựu giáo viên chia sẻ, mặc dù ít phải sử dụng đến thẻ bảo hiểm y tế nhưng khoảng chục năm nữa, khi tuổi cao, sức khoẻ yếu đi, lúc đó chiếc thẻ bảo hiểm y tế chắc chắn sẽ là tấm "bùa hộ mệnh" đỡ chi phí, gánh nặng cho gia đình.
Đến nay, sau nhiều lần tăng lương giáo viên, lương hưu của cô là khoảng 9 triệu đồng.
Cựu giáo viên tổ trưởng tổ tự nhiên (Cựu Chủ tịch công đoàn trường Trung học cơ sở Văn Bình) cho hay, việc chi trả lương hưu cũng được thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Cô cảm thấy điều này rất tiện lợi.
"Khi tôi đi vào thăm con trai ở trong Khánh Hoà, tôi thanh toán các thủ tục đi lại, sinh hoạt bằng thẻ ngân hàng, điều này rất tiện lợi", cô Tân chia sẻ.
Thầy Phùng Văn Tần (nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, Thường Tín, Hà Nội) cho hay, sau gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, vào tháng 7 vừa qua thầy được về hưu theo chế độ .
Trong suốt quá trình công tác, thầy Tần đều được đóng bảo hiểm xã hội. Mức lương hưu của thầy hiện tại được nhận là 75% so với mức lương khi còn công tác (khoảng 11 triệu đồng). Với mức lương hưu trên, đủ giúp cho thầy chi tiêu sinh hoạt khá thoải mái ở vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Chia sẻ về việc khám chữa bệnh khi còn công tác, thầy Tần cho biết, trước đây sức khỏe của thầy luôn ổn định nên rất ít khi thầy phải đến viện để khám chữa nhưng vai trò của bảo hiểm y tế với mỗi người dân rất cần thiết. Đặc biệt là với học sinh, sinh viên.
Trong quá trình công tác tại trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, công tác vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế của nhà trường luôn đạt 100% trong những năm gần đây. Chia sẻ về việc đạt được tỷ lệ trên, thầy Tần cho hay, vào đầu năm học, nhà trường sẽ tổ chức họp giáo viên chủ để tuyên truyền về kế hoạch vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế.