Khó chờ được tuổi nghỉ hưu, nhiều thầy cô tính toán phương án về hưu non

23/03/2023 06:33
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Việc cho giáo viên “già" nghỉ hưu sớm, tinh giản sớm, theo người viết là giải pháp để ngành giáo dục tuyển giáo viên mới, được đào tạo bài bản...

Mới đây, trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cũng đề nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở như trước.

Cụ thể, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở như trước đây (nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55) do sự phù hợp của học sinh các cấp học này với giáo viên lớn tuổi là không cao.

"Nếu theo lộ trình quy định, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non", báo cáo nêu. [1]

Việc tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên nói riêng và người lao động nói chung đang thực hiện theo Bộ luật Lao động 45/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Điều 169 Luật Lao động 45/2019/QH14 ghi rõ: Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.[2]

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên nói riêng và người lao động nói chung trong thời gian vừa qua đã nhận được ý kiến của giáo viên trên cả nước; cũng có không ít giáo viên xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi vì thấy tuổi nghỉ hưu tăng, khó chờ được hưu.

Thầy Nguyễn Sĩ Trung đang công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Nếu 60 tuổi nghỉ hưu, thì tháng 5 năm 2023 là tôi nghỉ. Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tôi sẽ về hưu tháng 2 năm 2024.

Từ 60 trở đi, thêm ngày nào biết ngày đó, thú thực, tôi không còn đủ sức khỏe, đam mê để cống hiến nữa, tôi đã làm đơn gửi lãnh đạo nhà trường xin nghỉ hưởng lương thất nghiệp từ tháng 9/2023. Chờ đủ tuổi, tôi sẽ làm hồ sơ nghỉ hưu.

Không chỉ riêng tôi đâu, phần lớn giáo viên đều có tâm thế như thế. Nếu làm khảo sát chọn tuổi nghỉ hưu, tôi tin ít thầy cô muốn nghỉ hưu đúng tuổi lắm".

Cô giáo Nguyễn Thị An chia sẻ: “Tôi dù sức khỏe bình thường, nhưng thấy tuổi nghỉ hưu tăng lên vậy mà nản.

Nói thật lòng, cái tuổi 60 mà còn lọ mọ đi dạy chỉ tội học sinh thôi. Cái nghề giáo này ngoài kiến thức, kĩ năng, .. còn có hình ảnh của người thầy.

Tuổi 60 thầy cô già rồi, sức khỏe yếu rồi, nói trước quên sau, còn được mấy người “phong độ” mà dạy cho tốt? Thầy cô “liêu xiêu” lên lớp, còn đâu cảm hứng để truyền cho học sinh?

Đừng trách phụ huynh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chọn cô giáo trẻ, thầy giáo trẻ cho con mình.

Tăng tuổi hưu như thế này, tính già mà hóa non, mức lương của tôi bằng ba giáo viên trẻ, trong khi đó hiệu quả công việc không thể bằng giáo viên trẻ chứ đừng nói gấp ba?

Vậy tại sao không để lớp giáo viên già như chúng tôi nghỉ sớm, tạo điều kiện có vị trí việc làm cho giáo viên trẻ, khỏi phải mất kinh phí tập huấn, đào tạo chúng tôi?

Bạn cùng khóa với tôi không mấy người chờ đủ tuổi nghỉ hưu, phần nhiều đang làm đơn để xin nghỉ hưởng lương thất nghiệp, chờ hưu, là minh chứng cho thấy tăng tuổi hưu với giáo viên không được người lao động đón nhận”.

Giáo viên mong được ưu tiên nghỉ hưu sớm, nếu không giảm được thì xin đừng tăng.(Ảnh minh họa: TTXVN). Giáo viên mong được ưu tiên nghỉ hưu sớm, nếu không giảm được thì xin đừng tăng.(Ảnh minh họa: TTXVN).

Tại cuộc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/11/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi.[3]

Thực tế hiện nay những giáo viên đang cận tuổi hưu đa số đều không được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, phương pháp dạy học mới... nên chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy chưa cao.

Thời gian qua ngành giáo dục cũng bỏ không ít kinh phí để bồi dưỡng, thế nhưng chất lượng bồi dưỡng đến đâu là điều khó định lượng.

Chương trình mới muốn triển khai thành công thì vai trò của người thầy là yếu tố quyết định. Việc cho giáo viên “già" nghỉ hưu sớm, tinh giản sớm, theo người viết là giải pháp để ngành giáo dục tuyển giáo viên mới, được đào tạo bài bản, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Không cho giáo viên nghỉ hưu ở tuổi 60 với nam, 55 với nữ, thì giáo viên cũng xin nghỉ dạy. Đơn vị người viết công tác hiện nay đang thiếu hơn 10 giáo viên, do có 7 giáo viên xin nghỉ hưởng lương thất nghiệp, chờ hưu.

Chính vì thế, đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề xuất giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở như trước đây (nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55) được nhiều thầy cô cả nước ủng hộ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/de-xuat-giu-nguyen-tuoi-nghi-huu-voi-giao-vien-tu-mam-non-den-thcs-185230316162503714.htm?utm_source=dable

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

[3]https://giaoduc.net.vn/thay-co-mong-de-xuat-tuoi-nghi-huu-gv-mam-non-la-55-tuoi-cua-bo-som-duoc-xem-xet-post231563.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai