Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Gary Roughead |
Tờ "Đô thị Phương Nam" Trung Quốc ngày 22 tháng 11 đăng bài viết "Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ: Mỹ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật".
Bài viết cho biết, ngày 21 tháng 11, khi trả lời phỏng vấn tờ "Đô thị Phương Nam" bên lề Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 ở Bắc Kinh, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead đã nói đến tranh chấp đảo giữa Trung-Nhật, ông cho rằng, do quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và hiệp ước được ký kết, Mỹ ủng hộ Nhật Bản, nhưng đồng thời nhấn mạnh vấn đề này cần giải quyết hòa bình.
Khi được hỏi về xu thế tương lai của vấn đề Biển Đông cũng như lập trường của Mỹ, Đô đốc Gary Roughead nói, đây là một vấn đề rất trừu tượng, khó đoán tương lai. Vấn đề quan trọng nhất là, làm thế nào để giải quyết hòa bình những vấn đề này, bảo đảm cho các bên có lợi ích trong vấn đề Biển Đông đạt được phương án trao đổi với nhau, bất kể là đến từ Trung Quốc, Philippines hay Việt Nam.
Ông nói: Mục tiêu của Mỹ là bảo đảm không nổ ra xung đột, đây là trọng điểm theo quan điểm của tôi, chứ không phải suy đoán mù quáng về tương lai sẽ như thế nào.
Báo Trung Quốc cho rằng, những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được huấn luyện đoạt đảo ở Mỹ, theo đó, bài báo đặt câu hỏi: Phải chăng có nghĩa là Mỹ đã nghiêng về Nhật Bản trong tranh chấp đảo giữa Trung-Nhật?
Hải quân Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận liên hợp |
Đối với vấn đề này, Gary Roughead cho rằng, rất rõ ràng, do chúng tôi và Nhật Bản có quan hệ đồng minh và hiệp ước đã lý kết, Mỹ ủng hộ Nhật Bản. Nhưng biển Hoa Đông giống như Biển Đông, những vấn đề này phải được giải quyết hòa bình.
Theo Gary Roughead, trong phần lớn tình hình, không chỉ là sự tiếp xúc lẫn nhau giữa hải quân các nước, mà các lực lượng như cảnh sát biển, lực lượng tuần tra trên biển cũng cần có kênh trao đổi với nhau để đạt được thỏa thuận quản lý, kiểm soát được tình hình khủng hoảng.
Ông cho rằng, chắc chắn phải thúc đẩy thảo luận đối với vấn đề này và tìm kiếm cơ chế giải quyết vấn đề, có thể làm cho các bên ở biển Hoa Đông, Biển Đông trao đổi với nhau. Như vậy, một khi xảy ra sự cố, các nước có thể kịp thời triển khai biện pháp, tiến hành làm dịu khủng hoảng.
Về cách thức tiến hành quản lý, kiểm soát các bất đồng nhạy cảm giữa chính phủ và quân đội hai nước Trung-Mỹ, Gary Roughead cho rằng, hai bên đều luôn kiên trì tìm kiếm một con đường cùng nhau hợp tác, thực hiện phát triển hòa bình.
Ông nói: Những năm gần đây, Mỹ đã có một số hành động trên phương diện này, chủ động chìa "cành ô liu" với phía Trung Quốc, chẳng hạn Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi lần đầu tiên tham dự hội thảo sức mạnh quốc tế trên biển năm 2014, đó là con đường trao đổi, hợp tác có hiệu quả.
Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận chung |
Trong vài năm tới, điều rất quan trọng là, những điều này đã có cơ chế có thể tiếp tục, đồng thời Trung Quốc cũng có thể chủ động trao đổi với Mỹ và các nước có liên quan khác. Những hoạt động này cần có sự nỗ lực của hai bên, điều này rất quan trọng.
Về Diễn đàn Hương Sơn, các tờ báo Trung Quốc cho biết, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 2014, chủ đề diễn đàn là “Hợp tác và cùng thắng, xây dựng cộng đồng vận mệnh châu Á”, chủ yếu thảo luận các vấn đề như cấu trúc an ninh khu vực, an ninh biển và hợp tác chống khủng bố.
Diễn đàn Hương Sơn được thành lập vào năm 2006, là diễn đàn đối thoại an ninh và quốc phòng do Hiệp hội khoa học quân sự Trung Quốc thành lập, trước đây cứ 2 năm tổ chức 1 lần, bắt đầu từ năm 2014 đổi thành mỗi năm tổ chức 1 lần.
Trung Quốc coi diễn đàn này là công cụ thúc đẩy giao lưu học thuật quân sự với bên ngoài, triển khai hoạt động ngoại giao quân sự đa phương, mời lãnh đạo ngành quốc phòng hoặc tướng lĩnh cấp cao quân đội các nước châu Á-Thái Bình Dương, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức quốc tế thường trực, cựu quan chức quân sự quan trọng và học giả nổi tiếng tham gia.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá ở Biển Đông (ảnh tư liệu) |