Cần chú trọng chuyển đổi số, đổi mới phương pháp để ngành Dược thu hút sinh viên

18/05/2024 06:25
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cao đẳng dược là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về y dược của nước ta

Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy Dược trong thời kỳ hội nhập” do Câu lạc bộ các trường cao đẳng y dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức đã nhận được chia sẻ, đóng góp ý kiến từ nhiều bài tham luận đến từ trường cao đẳng đào tạo y dược trên cả nước.

Giảng viên đào tạo Dược nên là người hướng dẫn và hỗ trợ thay vì chỉ truyền đạt kiến thức

Trình bày tham luận tại hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng Dược tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội”, Thạc sỹ Nghiêm Thị Minh – Trưởng khoa Dược (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội) nhấn mạnh, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trình độ cao đẳng và đặc biệt là cao đẳng dược là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về y dược nói chung và Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội nói riêng.

Trong đó, nhà trường nhận thấy rằng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm của hoạt động dạy và học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo Dược. Bởi, điều này giúp nâng cao hiệu quả học tập và chuẩn bị cho sinh viên trở thành những cán bộ dược năng động, sáng tạo và có khả năng thích ứng với những thách thức mới trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.

CĐYTHN1.JPG
Thạc sỹ Nghiêm Thị Minh – Trưởng khoa Dược (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo.

Để đáp ứng việc lấy người học làm trung tâm, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã thay đổi cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy của mình như chuyển từ vai trò "người truyền đạt kiến thức" sang "người hướng dẫn và hỗ trợ". Theo đó, thay vì chỉ đơn giản truyền đạt kiến thức, giảng viên cần trở thành người hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học, tạo điều kiện cho sự tương tác, thảo luận và hợp tác giữa các sinh viên để khuyến khích sự học hỏi chủ động.

Ngoài ra, nhà trường cũng thúc đẩy việc tích hợp các phương tiện và công nghệ mới trong công tác giảng dạy để tạo ra môi trường học tập đa dạng và tích cực cho người học. Đơn cử như các công cụ bài giảng trực tuyến, diễn đàn trực tuyến hoặc các ứng dụng di động giúp tăng cường khả năng tương tác và sự tham gia của sinh viên trong quá trình học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích sinh viên suy luận, nêu vấn đề và áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Để làm được việc này, giảng viên cần tạo ra các hoạt động và bài tập thú vị để kích thích sự tư duy sáng tạo và phản biện của sinh viên;

Hỗ trợ sinh viên phát triển kỹ năng tự học và tự quản lý học tập bằng cách cung cấp hướng dẫn, phản hồi và nguồn tài nguyên phong phú. Điều này giúp sinh viên trở thành người học tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình;

Theo dõi tiến trình học tập của từng sinh viên và cung cấp phản hồi cá nhân để họ có thể cải thiện hiệu suất học tập của mình. Đặc biệt là nhà trường cũng phản hồi liên tục nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình và cách để có cách cải thiện.

Thông qua những thay đổi này, giảng viên có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực và động viên sinh viên trở thành người học chủ động, sẵn sàng tham gia vào quá trình học tập và phát triển không ngừng.

Để quản lý công tác đào tạo, tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, các giảng viên đã sử dụng google sheet để có thể thống nhất tất cả các giảng viên trong quản lý từng môn học.

Việc dạy và học của giảng viên, sinh viên tại trường được tối ưu hóa thời gian và phương pháp đan xen giữa hoạt động của sinh viên và giảng viên với việc học ở nhà và trên lớp.

Hiện, trường liên kết với 8 trung tâm y tế, 3 công ty dược, 11 bệnh viện, 4 hệ thống nhà thuốc, sinh viên học tại cơ sở thực hành một số môn học năm thứ 2 và năm thứ 3. Sau khi học sinh viên được hướng dẫn tự học, hướng dẫn sinh viên áp dụng những nội dung đã học vào thực tế thông qua các bài tập, dự án hoặc các tình huống thực tế, giảng viên đánh giá tiến độ của sinh viên và cung cấp phản hồi cụ thể để giúp sinh viên có thể cải thiện kỹ năng của mình.

Đồng thời, trường cũng tạo cơ hội cho sinh viên được tự đánh giá quá trình học tập của mình và đề xuất các giải pháp khắc phục; khuyến khích sinh viên duy trì việc học tập liên tục bằng cách cung cấp các tài liệu tham khảo, khóa học bổ sung hoặc các sự kiện học tập thường xuyên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà trường cũng gặp một số khó khăn, thách thức do một số giáo viên có thể gặp khó khăn khi chuyển từ vai trò là người truyền đạt kiến thức sang là người hướng dẫn và hỗ trợ học viên; Một số học viên chưa không quen với việc tham gia tích cực vào quá trình học tập và cần thời gian để thích nghi; Bên cạnh đó, việc đánh giá hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi sử dụng các phương tiện và công nghệ mới.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, hiện trường đang cung cấp giải pháp đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên để họ có thể phát triển kỹ năng mới và thích nghi với môi trường giảng dạy mới. Sử dụng các buổi hội thảo, khóa học trực tuyến hoặc quan sát lớp học mẫu để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ nhau;

Cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên và học viên để họ có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Phát triển các tài liệu hướng dẫn sử dụng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên tục khi cần thiết; Xây dựng một môi trường học tập tích cực bằng cách tạo ra các hoạt động thú vị và ý nghĩa. Khuyến khích sự tương tác và hợp tác giữa các học viên thông qua các bài tập nhóm và thảo luận;

Phát triển các phương pháp đánh giá linh hoạt và đa dạng để đo lường sự tiến bộ và hiệu quả của học viên. Sử dụng các phương tiện đánh giá đa chiều như bài kiểm tra trực tuyến, bài tập thực hành và phản hồi từ giáo viên và đồng nghiệp.

Chương trình đào tạo tích hợp cần đảm bảo tính toàn diện, liên môn, liên quan giữa lý thuyết và thực hành

Cũng tại hội thảo, Thạc sỹ Bùi Thị Lệ Quyên – đại diện Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã trình bày tham luận về “Xây dựng Chương trình đào tạo Dược tích hợp năng lực”.

Theo cô Quyên, lợi ích của việc đào tạo tích hợp theo năng lực là có sự kết hợp giữa khoa học cơ bản và lâm sàng giúp sinh viên hứng thú hơn.

CĐYT TB.JPG
Thạc sỹ Bùi Thị Lệ Quyên – đại diện Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình trình bày tham luận tại hội thảo.

Việc đào tạo tích hợp cũng giảm bớt được các lĩnh vực dư thừa và củng cố lĩnh vực thiết yếu, từ đó, sinh viên có thể tiếp cận các lĩnh vực hành nghề tương lai một cách sát thực hơn. Chương trình đào tạo tích hợp cũng cần đảm bảo nguyên tắc của tính toàn diện, tính liên môn, liên quan giữa lý thuyết và thực hành.

Trên thực tế, ở một số nước, khung chương trình đào tạo dược có ít học phần khoa học cơ bản, được tích hợp vào các học phần chuyên ngành. Các môn cơ sở được tích hợp ngang với nhau và tích hợp dọc với môn chuyên ngành. Đơn cử như việc sử dụng thuốc tích hợp các môn theo hệ cơ quan, phương pháp dạy học là đưa thực tế vào các tình huống mô phỏng, thảo luận, phân tích các hoạt động của sinh viên trong khi thực hành. Quy trình thực hành là thảo luận, đưa ra tình huống, thực hiện quy trình, sinh viên sử dụng bản đồ tư duy và giải quyết vấn đề.

“Nguyên tắc thiết kế chương trình đào tạo dược của Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình là được xây dựng bởi các bệnh, hệ cơ quan trong cơ thể, các nhóm thuốc, thuật ngữ và kỹ năng cụ thể. Chương trình đào tạo xây dựng từ đơn giản đến phức tạp (từ cá nhân, đến nhóm, đến cộng đồng) và theo các giai đoạn (như sử dụng thuốc, sản xuất thuốc, marketing)”, Thạc sĩ Bùi Thị Lệ Quyên chia sẻ.

Cần thiết lập được các kênh kết nối, chia sẻ tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước

Cũng trình bày tham luận tại hội thảo, Dược sĩ Trần Ngọc Nghĩa, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang đã nêu nội dung về “Đào tạo ngành Dược trong thời đại công nghệ 4.0 tại Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang”.

Theo đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo ngành Dược cần chú trọng vào việc áp dụng công nghệ mới kết hợp cùng phát triển nguồn nhân lực có khả năng tương ứng, đồng thời phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu phát triển ngành dược và duy trì hợp tác quốc tế.

CĐYKG1.JPG
Dược sĩ Trần Ngọc Nghĩa, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang đã trình bày tham luận tại hội thảo.

Từ lâu, nhà trường đã xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, cốt lõi nâng cao chất lượng đào tạo ngành Dược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, trường tập trung vào chuyển đổi số hai lĩnh vực chính của nhà trường là về Quản lý chung và về Tổ chức quá trình Đào tạo - Nghiên cứu khoa học.

Nhờ vậy, một số thành quả áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo Dược tại trường như hệ thống quản lý học tập (LMS) dù hiện tại chưa được đồng bộ hóa nhưng bước đầu đã có nhiều giáo viên áp dụng và cho kết quả khả quan; các giáo viên bộ môn Bào chế tại trường đang hoàn thiện "Cẩm nang thực hành môn Bào chế" riêng cho từng đối tượng cao đẳng và trung cấp tại trường. Đây là ứng dụng giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn so với cách học từ giáo trình giấy đơn thuần; toàn bộ hệ thống máy tính trong nhà trường đã được kết nối nội bộ và Internet bằng hệ thống đường truyền băng thông rộng;

Không những vậy, sinh viên khoa Dược tại trường được hướng dẫn và khuyến khích sử dụng các ứng dụng học tập phù hợp cho mục đích riêng của bản thân như Quizlet, Evernote, ... đặc biệt là bộ công cụ miễn phí từ Google để tiếp cận với AI, …

Từ việc tiếp cận từng bước một cách phù hợp, xác định đúng những nội dung cần thực hiện và có những kế hoạch cụ thể ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cho Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang bước đầu hình thành hệ sinh thái số đặc thù riêng; có hiệu quả quản lý và vận hành các hoạt động trong nhà trường đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường; giúp nhà trường nhanh chóng thích ứng với những vấn đề phát sinh.

Trong 5 năm vừa qua, từ khi dịch COVID 19 diễn ra đến nay, các hoạt động của nhà trường từ tuyển sinh, nhập học, tổ chức quá trình đào tạo, đánh giá kết quả, cấp phát văn bằng...vẫn được triển khai bình thường trên môi trường số hoá.

Tuy nhiên, hiệu quả của chuyển đổi số tại trường vẫn còn hạn chế do một số thách thức khách quan do tình trạng một bộ phận giảng viên chưa thích nghi kịp với công nghệ mới, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy; một bộ phận người học đã quen với phương thức đào tạo truyền thống, “ngại” thay đổi theo phương thức đào tạo mới.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư đủ nhiều. Công tác số hóa đòi hỏi phải có thời gian, công sức bởi số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án, … dạng giấy tại nhà trường là một khối lượng rất lớn. Nếu không có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết, thì rất khó để triển khai đồng bộ, hệ thống đảm bảo cho quá trình vận hành.

Hơn nữa, thách thức về nhân lực cho chuyển đổi số, vấn đề này đề cập đến toàn bộ khách thể và chủ thể trong lĩnh vực giáo dục nói chung, cụ thể nhất trong đó là giảng viên và học viên. Ngoài ra, trong điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ như hiện nay tại các cơ sở giáo dục nói chung, việc có được một hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.

Từ những thách thức trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, nhà trường cũng rút ra một số bài học. Thứ nhất, thống nhất về nhận thức trong toàn nhà trường. Quá trình “chuyển đổi” cần diễn ra từ nhận thức, quá trình quản lý, phương pháp làm việc... đối với hoạt động đào tạo cần đặc biệt chú ý đến phương pháp Dạy, phương pháp Học và phương pháp tương tác trên môi trường số.

Thứ hai, việc áp dụng các chuẩn quốc gia và quốc tế trong hoạt động quản lý và vận hành quá trình đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường là cơ sở để thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý nhà trường.

Thứ ba, nguồn nhân lực số bao gồm những cá nhân đủ năng lực vận hành các quá trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu... trên môi trường số là đặc biệt quan trọng. Các cơ sở giáo dục các cấp cũng cần quan tâm đội ngũ chuyên gia có khả năng phát triển các hệ thống quản lý, phát triển học liệu số để mở rộng hệ sinh thái số và kho tài nguyên số trong nhà trường.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng cho một hệ sinh thái số, môi trường của Trường từ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị thông minh, hệ thống phần mềm hệ thống và các ứng dụng cung cấp dữ liệu cho bigdata.. cần được lên lộ trình đầu tư thích hợp theo nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của từng trường.

Thứ năm, hình thành và làm giàu kho tài nguyên số phục vụ cho quá trình đào tạo và nghiên cứu cần được đặc biệt quan tâm. Kho tài nguyên số có thể hình thành và phát triển từ các nguồn nội sinh thông qua kết quả của các hoạt động phát triển bài giảng, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu thiết lập được các kênh kết nối, chia sẻ tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước. Các trường thuộc Bộ Y tế có thể xem xét hình thành một hệ thống liên kết số nhằm kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên này.

Tường San