"Đa phần giáo viên VNEN đúng cũng ừ, sai cũng gật"

06/09/2017 07:10
Linh Nguyên
(GDVN) - Đa phần giáo viên thích an phận, sợ đụng chạm, đúng cũng ừ mà sai cũng gật, khi được lãnh đạo hỏi đến thì hết lòng ca ngợi VNEN, còn sau lưng thì túm tụm nhỏ.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thày giáo Linh Nguyên - một người trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình Trường học mới Việt Nam, viết về những bất cập cũng như một số mặt tích cực của mô hình này.

Tôn trọng tính đa chiều trong thảo luận về một vấn đề được đông đảo phụ huynh, thày cô giáo và xã hội quan tâm, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn tác giả!

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và nhận thức của cá nhân tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Thực trạng và hướng đi nào cho VNEN?

A. Thực trạng

Những thay đổi trong bộ sách giáo khoa cùng những lúng túng khi định hướng về phương pháp dạy học tích cực trong đại bộ phận giáo viên có năng lực tư duy yếu kém, lười suy nghĩ và trình độ giảng dạy chưa tốt…đã tác động rất lớn đến tình hình chất lượng học sinh không được như ý muốn.

Từ những bất cập này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa mô hình Trường học mới (viết tắt là EN) có xuất xứ từ Clombia vào áp dụng thí điểm tại nước ta thành mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN).

Tai hại hơn là khi chưa được kiểm chứng, chỉ dựa vào hầu hết những báo cáo của lãnh đạo cấp dưới đã buông lỏng quản lý, theo dõi mà vội cho áp dụng đại trà VNEN trong hầu hết các trường khắp mọi miền đất nước.

Những bất cập của VNEN

1. VNEN vô hiệu hóa và không tôn trọng người thầy.

Còn nhớ ngày đầu, cách nay đã sáu năm, khi lần đầu được tiếp xúc với tài liệu VNEN, cảm xúc đầu tiên của tôi là rất phấn khích và ấn tượng với bộ sách được in ấn rất đẹp cùng những hình ảnh và chú thích, hướng dẫn lôi cuốn.

Nhưng khi lật mở vài trang đầu và được sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ sở rằng "chớ đụng chạm đến những logo và thay đổi gì ở phương pháp trong sách" là tôi đã cảm thấy những bất ổn và thực sự đã cảm thấy buồn rồi…

Ngay từ đầu VNEN đã sai với lý thuyết sư phạm: KHÔNG CÓ MỘT PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NÀO LÀ VẠN NĂNG mà tôi đã được đào tạo kĩ lưỡng trong trường sư phạm.

Còn đâu những nghiên cứu, sử dụng bao phương pháp dạy học tích cực để sao cho mọi đối tượng học sinh sẽ hiểu bài và vận dụng tốt kiến thức?

Học sinh VNEN bầu Hội đồng tự quản và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, các trưởng ban. Ảnh minh họa, nguồn: Tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới VNEN, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2013.
Học sinh VNEN bầu Hội đồng tự quản và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, các trưởng ban. Ảnh minh họa, nguồn: Tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới VNEN, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2013.

Lời lẽ phải thế nào, tổ chức lớp ra làm sao, làm sao để có phương pháp hay mà đi đôi với chất lượng học sinh…?

Tuy có đụng chạm đến một bộ phận giáo viên nhưng cũng phải nói thẳng ra sự thật rằng, ngay từ đầu đã phát sinh hai luồng cảm xúc, nhận định trái chiều nơi trường tiểu học mà tôi đang công tác.

Đối với những giáo viên yếu kém, lười suy nghĩ thì xem VNEN như là một cứu cánh. Còn đối với những giáo viên có năng lực thì buồn bã, chán nản vô cùng.

Họ đành phải miễn cưỡng áp dụng và luôn có những phản ứng trái chiều, nhiều khi không vui lòng lãnh đạo và còn bị quy chụp là chống đối, là không chịu đổi mới…

Kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy, tôi có thể khẳng định điều chắc chắn rằng:

Không có một tài liệu và phương pháp hay ho nào có thể làm thay đổi vai trò giảng dạy và nhân cách cùng vốn kinh nghiệm sống của người thầy trong việc tác động đến người học cả.

Vì sao lại có chuyện vô lý như thế?

Phải chăng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xem thường chúng tôi, xem chúng tôi là những con cua khờ khạo, những gã khờ thế kỷ chăng mà phải định hướng, bú mớm cho khỏi sai lệch?

2. VNEN đã dần làm cho chất lượng học sinh ngày đi xuống.

Khỏi cần phải nói mà bất cứ ai cũng sẽ hiểu chắc chắn rằng, cứ cứng nhắc theo tinh thần của VNEN thì chất lượng học sinh sẽ dần đi xuống mà thôi.

Làm gì có chuyện một vấn đề khó mà học sinh tự tìm hiểu và nắm chắc kiến thức?

Dẫu biết có những thiên tài tự học, nhưng số đó có được bao nhiêu?

Sự thật là có những điều cần phải mở rộng kiến thức vừa học dựa vào kinh ngiệm và vốn sống của giáo viên nhằm hỗ trợ tích cực đến sự vận dụng kiến thức của học sinh.

"Đa phần giáo viên VNEN đúng cũng ừ, sai cũng gật" ảnh 2

"Tôi trân trọng cô, vì cô đã dũng cảm nhận mình phải diễn khi trên lớp"

Trong khi đó VNEN lại khuyến khích giáo viên ít can thiệp. Đây quả là chuyện ảo vọng và hết sức buồn cười.

Tôi cũng có con theo học các lớp VNEN, quả thật là các cháu có vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn.

Tuy nhiên về phần kiến thức thì hết sức lỏng lẻo, mơ hồ đến ngạc nhiên. Tôi phải dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn lại, rất mất công.

Bản thân tôi là giáo viên nên còn có thể làm việc này. Nhưng thử hỏi đại bộ phận người dân lao động nghèo sẽ phải xoay trở như thế nào đây về chất lượng học tập của con em họ?

Một nghịch lý cần phải xem xét là số đông giáo viên bằng mặt nhưng không bằng lòng, tự họ lo đối phó, lúc có lãnh đạo dự giờ thì VNEN, còn bình thường thì trở về truyền thống.

Việc bù đắp những kiến thức thiếu sót trên lớp cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải tìm nhiều cách hướng dẫn lại theo cách riêng của mỗi người.

Thiết nghĩ lãnh đạo giáo dục phải quyết đoán và không được chần chừ, cùng những lý luận bào chữa kiểu nước đôi.

Tương lai của cả nhiều thế hệ học sinh không thể nằm trong tay những thử nghiệm, những tranh cãi vô bổ không thấy hồi kết của quý vị.

Kính xin quý vị hãy lắng nghe chúng tôi hơn là đọc những báo cáo tròn trịa theo hướng xu thời của một số vị cán bộ quản lý giáo dục chỉ biết lựa ý cấp trên, áp đặt cho cấp dưới và xa rời thực tế…

3. VNEN làm cho giáo viên thêm lười biếng, ỷ lại

Trước kia, thú thật là cũng có lúc chưa có thời gian để soạn bài nhưng tôi cũng cố gắng đọc kĩ nội dung và dù sao cũng có những phương pháp tức thời để áp dụng cho nội dung giảng dạy của bài học hôm đó.

Còn bây giờ thì sao, có một bộ phận giáo viên ngày hôm trước tha hồ chơi, không lo lắng gì, lên lớp cứ việc bám theo những thiết kế trong sách ra mà thực hiện.

Quả thật là tôi chán nản vô cùng, cái đầu của các vị ấy rỗng không thì lấy gì để truyền hứng thú cho học sinh? Thậm tệ hơn có vị thì mải lo bấm điện thoại vì việc đã giao hết cho "nhóm trưởng".

Buồn! Buồn lắm thay…

4. VNEN khiến việc đánh giá của lãnh đạo về năng lực giảng dạy của giáo viên  bị mơ hồ, sai lệch, không sát.

Thật vậy, theo như trước đây, để được đánh giá là tiết học tốt (bao gồm cả phần dạy tốt và học tốt) đòi hỏi giáo viên đó phải có những thiết kế hay và phù hợp, và chất lượng học sinh phải được đặt lên hàng đầu.

Thời điểm ấy, tôi thấy nhiều giáo viên có những thiết kế hay cùng những mở rộng rất sâu sắc cho học sinh. Điều quan trọng là tôi được dịp học hỏi những tinh hoa về phương pháp dạy học tích cực từ đồng nghiệp.

Còn bây giờ thì sao? Đố ai dám xếp loại tiết học đó không tốt khi mà giáo viên đó đã bê nguyên xi những thiết kế trong sách VNEN ra giảng dạy?

Tự dưng những giáo viên có năng lực yếu kém bỗng trở nên dạy giỏi trong thoáng chốc.

VNEN quả là quá lợi hại.

"Đa phần giáo viên VNEN đúng cũng ừ, sai cũng gật" ảnh 3

Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi

Buồn nữa là đa phần giáo viên thích an phận, sợ đụng chạm, đúng cũng ừ mà sai cũng gật, khi được lãnh đạo hỏi đến thì hết lòng ca ngợi VNEN, còn sau lưng thì túm tụm nhỏ to phản đối.

Cái tội của quý vị rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh, quý vị có biết không? Hay quý vị dẫu có biết nhưng cứ giả mù, giả điếc, sống chết mặc bay, miễn sao ta an toàn là tốt rồi?

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là đầu năm học 2017- 2018 đã có nhiều luồng phản ứng trái chiều, phản ứng với VNEN.

Cá biệt Hà Tĩnh đã chính thức “chia tay” với VNEN, phụ huynh Hà Tĩnh và Bà Rịa Vũng Tàu… cũng có nhiều phản ứng không ưng VNEN với lý do chính đáng, là chất lượng học sinh mỗi ngày thêm tệ…

Chuyện này đã gây nhiều lúng túng cho lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà khiến lòng dân không yên, đặc biệt là gây nhiều mâu thuẫn trong nội bộ ở mỗi trường học…

B. Hướng đi nào cho VNEN?

Dẫu sao cũng cần phải chú ý đến những mặt tích cực, lợi ích thiết thực và to lớn mà VNEN đã mang lại:

- VNEN thúc đẩy nhanh tiến trình dạy học tích cực, phát huy tốt tính chủ động, tích cực, tự giác học tập cho học sinh.

Đặc biệt VNEN còn đề cao tính độc lập tự nghiên cứu, khám phá của mỗi cá nhân học sinh và đề cao tinh thần phối hợp nhóm.

Điều này ở phương pháp dạy học truyền thống tuy có áp dụng nhưng vẫn đang trong quá trình mò mẫm để dần hình thành.

- VNEN tạo được môi trường giáo dục thân thiện, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh…thêm thân mật gắn bó.

Một điều hết sức đáng quan tâm là VNEN tạo được mối liên kết chặc chẽ giữa giáo viên và phụ huynh, cũng như nhiều tầng lớp xã hội cùng tham gia vào quá trình giáo dục.

Sự tham gia của cộng đồng trong việc giáo dục con em trong địa phương là việc hết sức đúng đắn, theo kịp với xu hướng phát triển của xã hội.

Điều tuyệt đối quan trọng là VNEN luôn gắn liền với những công văn, thông tư chỉ đạo đổi mới trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là thông tư 22/2016/TT BGDĐT.

- Chương trình sách giáo khoa VNEN [1] được biên soạn có tính khoa học trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học, giúp giáo viên có được sự định hướng nội dung và phương pháp một cách chính xác ở mỗi nội dung học, môn học cụ thể trong nhà trường.

- Ngoài ra, không cần phải soạn giáo án, giáo viên cũng có thể dựa vào sách để tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp cho học sinh…

Vì những lẽ trên, với sự hiểu biết tuy còn nông cạn của bản thân, tôi cũng xin mạnh dạn trình bày một số quan điểm về hướng đi của VNEN như sau:

- Thứ nhất: Mong muốn lãnh đạo không cần phải phân vân, lo lắng mà cứ tiếp tục cho triển khai VNEN theo hướng tích cực, chủ động mà không được cứng nhắc.

Sao ta không nhẹ nhàng xem VNEN cũng là một trong số vô vàn phương pháp dạy học tích cực chỉ để cho giáo viên tham khảo, thấy hay thì áp dụng ở từng nội dung nếu xét thấy là phù hợp?

"Đa phần giáo viên VNEN đúng cũng ừ, sai cũng gật" ảnh 4

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối

- Thứ hai: Tiếp tục tiếp nhận những tinh hoa của VNEN về việc tổ chức, quản lý lớp học cùng một số phương pháp dạy học tích cực để sao cho mỗi ngày học sinh đến trường sẽ thực sự là một ngày vui.

- Thứ ba: Lãnh đạo cũng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến trình áp dụng, tổ chức nhiều phương pháp dạy học tích cực sao cho luôn lấy học sinh làm trung tâm.

Khuyến khích và nhân rộng mô hình phối kết hợp đã đem lại hiệu quả của VNEN và truyền thống.

- Thứ tư: Lãnh đạo cần xem lại việc kiểm tra, đánh giá tay nghề của giáo viên một cách sát thực hơn, chứ không phải là mọi việc cứ nhất nhất tuân theo hướng dẫn trong sách giáo khoa VNEN là mặc nhiên được xếp loại tốt.

Việc đánh giá tay nghề của giáo viên phải luôn bao gồm những yếu tố phối kết hợp giữa truyền thống và VNEN sao cho học sinh được tích cực, chủ động nhất và chất lượng phải được xem là hàng đầu trong tiêu chí đánh giá.

- Sách giáo khoa VNEN chỉ nên được xem như là giáo án tham khảo.

Và đã là giáo án tham khảo thì không thể buộc áp dụng 100% cho khắp mọi miền đất nước, mỗi trường học, mỗi lớp học cụ thể nào cả…

Mà tất yếu phải do sự sáng suốt lựa chọn và vận dụng của mỗi giáo viên mới thực sự đem lại hiệu quả tích cực, chất lượng đối với phía học sinh.

- Một giáo viên dạy giỏi đòi hỏi là người phải thực sự yêu nghề và có nhiều tâm huyết;

Là người không ngừng học hỏi và phải biết khéo léo khi lựa chọn, phối kết hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực;

Để sao cho mỗi chúng ta hãy luôn là người tiên phong, mạnh dạn thay đổi phương pháp và hãy có nhiều tiếng nói tích cực giúp cho nền giáo dục nước nhà theo kịp năm châu.

- Đã qua rồi cái thời giáo viên dạy "được chăng hay chớ" và đâu còn chỗ cho những ai lười biếng, không chịu học hỏi, đầu tư nhiều chất xám trong dạy học mà chỉ suốt ngày cứ mãi là sợi dây leo luôn dựa dẫm vào sách hướng dẫn phải không?

Xin lỗi vì bài viết có những đụng chạm đến ai đó.

Ngày 6/9/2017

Chú thích của người biên tập:

[1] "Chương trình sách giáo khoa VNEN":

- Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, sách VNEN được biên soạn dựa trên chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình 2000).

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd

- Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE - VNEN, năm 2011 − 2016) đã biên soạn và triển khai thử nghiệm bộ sách giáo khoa theo mô hình hoạt động cho 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở. Vì là sách giáo khoa thử nghiệm nên được gọi là tài liệu “Hướng dẫn học…”.

http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-bien-soan-sgk-tu-tai-lieu-huong-dan-hoc-vnen-3666055.html

- Theo Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành:

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148 

Linh Nguyên