Lắng nghe ý kiến tại tọa đàm “Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển đơn kiến nghị của các trường tư thục tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Ngày 10/7, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) thông tin với Giáo dục Việt Nam rằng thầy đã nhận được phiếu báo tin của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre về việc:
Đại biểu đã chuyển đơn kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng các trường tư thục thuộc câu lạc bộ các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Nội liên quan đến tổ chức hoạt động của các trường theo Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ.
Ngày 10/7, thầy Nguyễn Xuân Khang đã nhận được phiếu báo tin của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre |
Nhận được phiếu báo tin này của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, thầy Nguyễn Xuân Khang cho hay:
Không phải học sinh nào cũng muốn nghỉ hè 3 tháng; không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện chăm sóc, quản lý con 3 tháng; không phải giáo viên nào cũng mong muốn được nghỉ trọn 3 tháng, nhất là giáo viên trường tư nếu nghỉ là không có lương... Vì cớ gì chúng ta lại “ngăn sông cấm chợ?”
Trường tư được quyền tự chủ, các hoạt động đều có sự thoả thuận với phụ huynh. Phụ huynh cho rằng nghỉ hè 2 tháng là quá đủ, mong nhà trường mở cửa đón các con.
Cầu chính đáng, cung đủ điều kiện đáp ứng. Không có một “trung tâm” nào chuyên nghiệp và an toàn hơn chính trường học của các con.
Trong buổi toạ đàm tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chủ đề “Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục”, có nhiều ý kiến của lãnh đạo và phụ huynh các trường tư thục.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, rất đồng tình với các ý kiến trong buổi toạ đàm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội tại cuộc Tọa đàm ngày 9/7/2020 tại Tòa soạn Giáo dục Việt Nam, ảnh: Tùng Dương. |
Đại biểu Nhưỡng nói: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nếu nghe được các ý kiến này chắc chắn sẽ ủng hộ nguyện vọng rất chính đáng của gia đình học sinh và nhà trường. Bộ trưởng đang đi công tác ở Sơn La, tối nay tôi sẽ điện thoại trao đổi với Bộ trưởng về vấn đề này...”
“Đại biểu Nhưỡng là vậy, là đại biểu của dân, thực sự vì dân, cảm nhận sâu sắc những bức xúc của dân và sẵn sàng dấn thân, không quản ngại điều gì. Ông nói và ông đã làm, chỉ qua một đêm, ngay ngày hôm sau tôi đã nhận được “Phiếu báo tin của đại biểu Quốc hội” do Ông gửi đến...”, thầy Khang cho biết.
Tôi xúc động vô cùng! Từ sâu thẳm trong lòng, tôi chỉ muốn nói “cảm ơn Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng!””, thầy Khang gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Trước đó ngày 9/7, Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục".
Tham dự buổi tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội khóa 13- Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An;
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Đồng thời có sự tham dự của các Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Lãnh đạo nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có thư kiến nghị khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (ảnh: Thùy Linh) |
Sau cuộc tọa đàm, lãnh đạo nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có thư kiến nghị khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ liên quan đến vấn đề này đang làm các trường tư thục lo lắng, bất an và hoang mang vô cùng trong những ngày gần đây.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.
Đối với các trường tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13 (về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục) cho phù hợp hơn.