Trong lễ tri ân nhân kỷ niệm 10 năm thành lập diễn ra tại Đại học FPT ở khu công nghệ cao Hòa Lạc vào ngày 10/9, lãnh đạo trường Đại học FPT cùng nguyên lãnh đạo Ban – Bộ – Ngành và các Giáo sư, Viện sỹ đã ôn lại chặng đường mở đại học tư thục và đấu tranh xin thí điểm tự chủ.
Tại lễ tri ân, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của trường chia sẻ:
"Khi xin lập trường và thí điểm tự chủ, chúng tôi nghĩ đến những thanh niên Việt Nam có khát vọng, năng lực học tập, mong muốn lập nghiệp, làm giàu nhưng thiếu môi trường. Câu hỏi luôn thôi thúc là tại sao người Việt phải ra nước ngoài mới học được mà không phải người nước ngoài đến Việt Nam?".
Những vị khách đầu tiên rạng rỡ tiến vào thảm đỏ trước khán phòng Lễ Tri ân |
Trường Đại học FPT ra đời năm 2006 nhưng được thành lập từ ý tưởng hình thành năm 2003 tại Hội nghị Chiến lược toàn tập đoàn FPT, thời điểm đó Luật Giáo dục của Việt Nam chưa có cơ chế cho phép thành lập trường đại học tư, lại càng chưa có cơ chế để một trường đại học do doanh nghiệp thành lập được ra đời.
Song ban dự án thành lập trường Đại học FPT vẫn làm đề án, gửi cơ quan chức năng với niềm tin Chính phủ sẽ cho phép bởi đây là xu thế của thời đại.
Khát vọng đổi mới khi ấy được nhiều trí thức tán dương, ủng hộ như GS.Hồ Ngọc Đại, GS.Hoàng Tùy, GS.Mai Trọng Nhuận, cố GS Nguyễn Văn Đạo...
Các ông đều nhận thấy tự chủ đại học sẽ là xu thế của nền giáo dục nên đã cố vấn, định hướng cho sự ra đời của Đại học FPT.
Năm 2005, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, quy chế đại học tư thục ban hành tạo hành lang pháp lý cho các trường tư hoạt động, là bước đệm cho sự ra đời của trường vào tháng 9/2006.
Lãnh đạo Trường Đại học FPT tri ân GS. Hoàng Tụy – nhà toán học nổi tiếng, người cố vấn đầu tiên cho đề án thành lập Trường Đại học FPT năm xưa |
Trường tiếp tục xin thí điểm tự chủ, song nhận được sự "lắc đầu" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước kỳ tuyển sinh chỉ một ngày. Lãnh đạo nhà trường tiếp tục gửi văn bản, thuyết minh phương thức thử nghiệm, cuối cùng cũng được Bộ đồng ý cấp chỉ tiêu tuyển sinh vào tháng 11/2006.
Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, dù khoa học, giáo dục hiện nay vẫn còn những điều chưa làm được song tư tưởng đổi mới căn bản, toàn diện với 4 hóa: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế là những giá trị nhân văn hướng đến con người.
Ông cũng cho rằng những trường đại học hàng đầu thế giới hầu hết là tư thục, có sự tự chủ cao. "Điều này chứng minh đây là xu thế. Nếu không nhận thức được thì nền giáo dục khó phát triển", ông nói.
Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ, có nhiều con đường đi để đến đích và sẽ phải trả giá nếu đi không đúng đường. May mắn rằng những bước đi "liều lĩnh" từ 10 năm trước đã đặt nền tảng để những năm sau này trường có hướng đi đúng đắn và tiếp tục phát triển.
Hiện, những giá trị mà trường theo đuổi là làm tốt 4 công việc: dạy tốt; tổ chức những hoạt động quốc tế hóa bởi đại học không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu (tuyển sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học, trao đổi sinh viên ngắn hạn với đại học nước ngoài, tiến tới thành lập phân hiệu Đại học FPT ở nước ngoài).
Đồng thời, ghiên cứu khoa học theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học lẫn tính thương mại; tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ở tuổi lên 10, Đại học FPT đã chính thức nhận giấy phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép thành lập phân hiệu tại Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. HCM.
Trường Đại học FPT dự kiến đến năm 2020 sẽ trở thành Mega University (Siêu đại học) với số lượng sinh viên toàn hệ thống lên tới 100,000 sinh viên.
Tại lễ tri ân, trường khánh thành Bảo tàng truyền thống và công trình 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Bảo tàng lưu giữ hình ảnh, công văn, giấy phép, hiện vật tái hiện chặng đường phát triển của ngôi trường tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam. Công trình còn lại khắc tên, mã số 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.
TS. Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT) phát biểu tri ân các vị khách quý. |
Kết thúc buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của Trường Đại học FPT, TS. Lê Trường Tùng thể hiện niềm tin vào việc Chính Phủ ngày càng nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng của giáo dục đại học thế giới.
Đồng thời cũng hết sức nỗ lực để mảng giáo dục đào tạo các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học bắt kịp với top đầu các trường trên toàn cầu.
“Xã hội hoá giáo dục và quốc tế hoá giáo dục là hai xu hướng phát triển lớn của giáo dục Việt Nam. Với xã hội hoá giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chính sách dần thu hẹp khoảng cách giữa trường công và tư tại Việt Nam.
Còn quốc tế hoá giáo dục có thể nhìn thấy từ số lượng tăng lên của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam, cũng như thứ hạng tăng dần của nhiều trường Việt trên bảng xếp hạng thế giới.
Với sự hỗ trợ của Chính Phủ, 10 năm tới thách thức cho Đại học FPT sẽ không nằm ở trong nước mà chúng tôi tin Trường sẽ phải nỗ lực hết sức để tồn tại trên bản đồ giáo dục của khu vực và toàn cầu.
Các trường đại học khác của Việt Nam cũng sẽ đi cùng dòng chảy và gặp cùng những thách thức này, chỉ là nhanh hay chậm thôi”, TS. Lê Trường Tùng nhận định.