Năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 7.900 sinh viên và giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển.
Nhà trường tiếp tục phát triển đa lĩnh vực với 11 lĩnh vực đào tạo và 56 lựa chọn chương trình học: kinh doanh, kinh tế, quản lý, nhân văn, công nghệ, thiết kế ứng dụng…
Đặc biệt, năm nay trường mở mới hai ngành học là: Arttech (Công nghệ nghệ thuật); Điều khiển thông minh và tự động hoá, chỉ tiêu cho 2 chương trình đào tạo mới là 70 sinh viên mỗi ngành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc trường mở mới 2 ngành học đặc biệt nhằm phát triển đào tạo nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng công nghệ ứng dụng.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều ngành/nhóm ngành khác nhau và có năng lực thích ứng nhanh chóng nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực thay vì giới hạn trong một ngành nghề nhất định.
Chương trình học tích hợp công nghệ ứng dụng
Chia sẻ về việc mở ngành ArtTech, Tiến sĩ Dong Su Yi - Phó Trưởng Khoa Thiết kế - Truyền thông, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên một chương trình Arttech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc đại học tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, ArtTech đóng vai trò như điểm giao cắt quan trọng giữa sức sáng tạo nghệ thuật và tiến bộ công nghệ. Chuyên ngành công nghệ nghệ thuật là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa tri thức của các nghệ sĩ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo.
Theo đó, các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tinh tế.
Art and Technology mở rộng các giới hạn của nghệ thuật truyền thống, tạo ra các sáng tạo đột phá, được ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực như giáo dục, giải trí, truyền thông sự kiện, tiếp thị, công nghiệp sáng tạo, triển lãm, biểu diễn.
Về chương trình đào tạo của ngành Công nghệ nghệ thuật, chương trình ArtTech sẽ có những nội dung nổi bật như transmedia design (thiết kế truyền thông), kỹ xảo điện ảnh, thiết kế tương tác, nghệ thuật trí tuệ nhân tạo…Đây là những môn học đặc biệt cung cấp kiến thức chuyên sâu, bên cạnh đó chương trình cũng cung cấp các môn học nghiên cứu về tâm lý người dùng để các sản phẩm đạt được kết quả lớn.
Còn nói về ngành Điều khiển thông minh và tự động hoá bắt đầu được tuyển sinh từ năm 2024, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng hàng đầu của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Ngành công nghiệp này không chỉ cần các kỹ sư chuyên về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển linh kiện mà còn cần các kỹ sư vận hành lập trình hệ thống sản xuất tự động và thông minh, thấu hiểu nhà máy, dây chuyền, quy trình sản xuất và ứng dụng một cách sáng tạo để gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả một cách thông minh.
Do đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển chuyên ngành học giao thoa giữa Kỹ thuật, Khoa học máy tính và Công nghệ tự động hóa ứng dụng.
Chương trình giúp sinh viên hiểu về kỹ thuật, công nghệ và vận hành, quản trị sản xuất, từ đó, tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ để làm cho một hệ thống trở nên tự động mà không cần sự can thiệp của con người.
Đặc biệt, ngành này được ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất, ô tô tự hành, tiết kiệm năng lượng và blockchain.
Nội dung học tập nhấn mạnh vào nguyên lý kỹ thuật cơ bản, quản lý dự án và tham gia vào các dự án thiết kế. Chương trình cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên trong lĩnh vực tự động hóa, giám sát và điều khiển thông minh, thiết kế phần mềm, xử lý tín hiệu và robot.
Ngoài ra sinh viên còn được trau dồi tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng suy luận logic và tư duy phản biện tốt, khả năng ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng trực quan hoá dữ liệu.
Ngành mới đặt ra những thách thức trong tuyển sinh, đào tạo
Theo Tiến sĩ Dong Su Yi, đây là lần đầu tiên một chương trình Arttech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc đại học tại Việt Nam, chính vì vậy, cũng có một số khó khăn đặt ra với ngành học mới này, bởi cần thời gian để chứng minh và thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng phụ huynh, học sinh.
Đặc biệt với ngành công nghệ nghệ thuật, trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo phát triển như hiện nay, quá trình đào tạo sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định.
"Tuy nhiên ở thời đại chuyển giao và AI hiện đang là công cụ để con người tạo nên một cuộc cách mạng mới. Nếu chúng ta biết sử dụng, biết phát huy và lựa chọn thì AI Art sẽ giúp cuộc sống tốt hơn.
Bên cạnh đó, Trí tuệ nhân tạo là một công cụ phục vụ cho con người, hỗ trợ tư duy nên sinh viên cần phải có tư duy đúng đắn, kiến thức chặt chẽ để có thể chọn lọc và tạo ra các sản phẩm mang bản sắc cá nhân", Tiến sĩ Dong Su Yi chia sẻ.
Với ngành Điều khiển thông minh và tự động hoá, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh cho hay, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và kinh doanh đã và đang phát triển nhanh chóng với áp dụng của các công nghệ hiện đại và tiên tiến như: robot, trí tuệ nhân tạo, blockchain, đám mây điện toán, cơ sở dữ liệu lớn, Internet cho vạn vật (Internet of Things)….
Ngoài ra, điều khiển thông minh và tự động hóa cho phép vận hành nhanh chóng quy trình và quá trình với các bước thực thi trên nền tảng cơ sở hạ tầng sản xuất thông minh.
Việc áp dụng Điều khiển thông minh và Tự động hóa nhằm nỗ lực tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí lao động.
Áp dụng các hệ thống tự động thông minh và tự động trên nền tảng tăng cường các công nghệ mới sẽ mang lại những cơ hội đáng kể cho tăng trưởng thị trường.
"Trong vòng 10 đến 15 năm tới, việc áp dụng điều khiển thông minh và tự động hóa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp con người có thể làm việc và tương tác với những cỗ máy thông minh hơn. Những công nghệ điều khiển thông minh và tự động hóa giữa con người với máy móc sẽ mang lại năng suất cao hơn, tăng trưởng GDP, cải thiện hiệu suất doanh nghiệp và sự phát triển của doanh nghiệp", thầy Thịnh thông tin.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, nhà trường đã tiến hành các khảo sát cẩn thận về nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này trong những năm tới. Các nghiên cứu này xác định rằng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số và công nghệ tự động hóa, đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp liên quan.
Ngành Điều khiển thông minh và Tự động hóa mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp trong các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, y tế, hàng không, giao thông, nông nghiệp.
Sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì hệ thống; chuyên gia quy trình tự động; chuyên viên nghiên cứu và phát triển; kỹ sư y sinh; chuyên gia ứng dụng robot....
Cơ hội phát triển trong ngành này là rất lớn do nhu cầu ngày càng tăng cao và sinh viên có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau như chuyên môn, quản lý hoặc khởi nghiệp.
"Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi cho điều khiển thông minh và tự động hóa, không nằm ngoài xu thế của khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng nhiều các hệ thống thông minh và tự động nhiều hơn trong các dây chuyền sản xuất và trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
Do đó, nhân lực phải đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao với kỹ năng và kiến thức cần thiết để phát triển, vận hành và quản lý các hệ thống thông minh và tự động trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Xu hướng ngành điều khiển thông minh và tự động hóa bao gồm sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT), robot, đám mây điện toán, blockchain, và các giải pháp Green Tech. Các ứng dụng chính là trong sản xuất, ô tô tự hành, tiết kiệm năng lượng và blockchain. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các chuyên gia có kiến thức và kỹ năng đa ngành”. Thầy Thịnh thông tin thêm.
Đối với ngành Công nghệ nghệ thuật, Tiến sĩ Dong Su Yi cho biết, sinh viên ra trường sẽ làm việc trong ba lĩnh vực: Công nghiệp Sáng tạo và thiết kế, công nghiệp truyền thông và giải trí, công nghiệp biểu diễn nghệ thuật và sự kiện với các vị trí như:Chuyên gia thiết kế UI/UX/ UI/UX; Chuyên gia thiết kế dữ liệu hiển thị; Chuyên gia thiết kế thông tin; Điều phối viên quan hệ công chúng…
Ngoài ra, khoa có các mối quan hệ với các cá nhân, doanh nghiệp lĩnh vực truyền thông, game, XR Community, nghệ thuật biểu diễn, VFX, AI art, media… các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẵn sàng hỗ trợ và nhận sinh viên thực tập.
Nói về việc chuẩn bị cho việc mở chương trình đào tạo ngành Điều khiển thông minh và tự động hoá, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh thông tin: Cùng với đội ngũ giảng viên giảng dạy cơ hữu của nhà trường có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, nhà trường còn có sự kết nối với doanh nghiệp tham gia giảng dạy.
Đồng thời, chương trình còn có các giáo sư nước ngoài, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực điều khiển thông minh và tự động hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu.
Nhà trường đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất bao gồm phòng máy tính hiện đại và các phòng thí nghiệm dành cho học tập và nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại và cập nhật nhằm tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu tối ưu cho sinh viên.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng và việc làm trong và sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, học ngành này sinh viên có cơ hội tham gia học ở nước ngoài thông qua các chương trình: song bằng, học kỳ nước ngoài, thực tập và làm đề tài tốt nghiệp với các đại học lớn trên Thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…