Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp đào tạo thạc sĩ chưa đúng quy định

11/10/2019 06:11
Phương Linh
(GDVN) - Tất cả các lớp đều có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng chưa có văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đúng quy định.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 27/9/2019, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết luận 110/KL-Ttr, về việc thanh tra hành chính tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Phối hợp tổ chức đào tạo thạc sĩ chưa đúng với quy định

Kết quả kiểm tra, xác minh, kết luận thanh tra này đưa ra tại điểm c, mục 1.3 của phần III cho biết, việc tổ chức đào tạo thạc sĩ bên ngoài cơ sở, trong thời kỳ thanh tra, nhà trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với 14 đơn vị tuyển sinh, tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ của 5 ngành, với tổng số 40 lớp đào tạo thạc sĩ.

Các lớp này được tổ chức tại các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phan Thiết (Bình Thuận), Cần Thơ, Phú Yên, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Sóc Trăng và Vĩnh Long.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: báo Phụ nữ TPHCM)
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: báo Phụ nữ TPHCM)

Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, tất cả các lớp đều có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhưng chưa có văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đúng quy định tại khoản 2, điều 23 của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, ban hành kèm theo thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT, công văn 1761/BGDĐT-GDĐH ngày 15/4/2015 về việc hướng dẫn thực hiện khoản 2, điều 23 của quy chế này.

Theo báo cáo của nhà trường, việc trường phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực của các cán bộ tư pháp ở tại các địa phương.

Trên cơ sở văn bản của lãnh đạo các tỉnh về việc đào tạo thạc sĩ Luật cho các cán bộ thuộc diện quy hoạch là cán bộ của tỉnh, nhà trường phối hợp với các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị để tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo đúng quy định.

Hàng năm, trường có báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động phối hợp đào tạo trình độ thạc sĩ.

Tổ chức bồi dưỡng, ôn tập, thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh chưa đúng quy định

Trong thời kỳ thanh tra, nhà trường chưa được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức bồi dưỡng, ôn tập, tổ chức thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nhưng trường vẫn thực hiện việc liên kết với Trung tâm VASS để tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ là chưa đúng quy định tại thông báo kết luận của Bộ giáo dục và Đào tạo, điều 6, thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

Chứng chỉ được cấp cho người học là chứng chỉ theo mẫu của trường, không đúng theo mẫu quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo, trường chỉ cho phép chứng chỉ này lưu hành trong nội bộ nhà trường.Tuy nhiên, việc trường xét miễn thi ngoại ngữ đối với những thí sinh có chứng chỉ này trong tuyển sinh đầu vào thạc sĩ là không đúng với quy định tại điểm d, khoản 3, điều 5 thông tư 15/2014/TT-BGDĐT.

Trường chưa chú trọng công tác quản lý phôi, cấp phát chứng chỉ theo quy định tại thông tư 19/2015/TT-BGDĐT. Tại thời điểm kiểm tra, trường không cung cấp được hồ sơ in phôi chứng chỉ, việc bàn giao phôi chứng chỉ không có biên bản.

Phương Linh