Dân Phần Lan chung sức với nhà nước để phát triển văn hóa như thế nào?

27/02/2017 15:22
Võ Xuân Quế
(GDVN) - Cùng với các nước láng giềng Bắc Âu, Phần Lan nổi tiếng là một đất nước có chế độ phúc lợi và an sinh xã hội ưu việt trên thế giới.

LTS: Tác giả Võ Xuân Quế là một Việt kiều tại Phần Lan, từng có nhiều bài viết về nền giáo dục Phần Lan được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhân kỉ niệm ngày văn hóa Phần Lan (27/2), ông có chia sẻ với đông đảo bạn đọc bài viết về việc người dân Phần Lan cùng chung sức với nhà nước trong việc phát triển văn hóa và khoa học.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Với việc thực hiện thử nghiệm chính sách cấp cho những người thất nghiệp lâu ngày một khoản tiền tối thiểu (560 euro/tháng) từ tháng 1/2017 vừa qua, Phần Lan lại được biết đến nhiều hơn trong việc chăm lo, bảo trợ cho người dân và là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách này ở bình diện quốc gia.  

Tuy nhiên, điều mà thế giới vẫn còn ít biết là người dân nước này cũng rất tích cực và đã góp một phần rất lớn vào việc hỗ trợ nhà nước trong việc phát triển văn hóa và khoa học của nước mình với tư cách cá nhân hay thông qua các tổ chức xã hội, hội đoàn nghề nghiệp. 

Theo tác giả Pasi Sahlberg, vào năm 2015 Phần Lan có khoảng 130.000 tổ chức, hội đoàn với khoảng 5 triệu thành viên (trung bình mỗi người tham gia 3 hội) [1].

Một trong những tổ chức như vậy là Quỹ Văn hóa Phần Lan rất lớn mạnh ngày nay.

Sự ra đời của Quỹ Văn hóa Phần Lan

Năm 1937, một nhóm sinh viên trẻ ở Helsinki đưa ra sáng kiến làm thế nào để hỗ trợ những nỗ lực của người Phần Lan trong lĩnh vực khoa học và văn học nghệ thuật để cân bằng với ưu thế vượt trội vốn có của văn hóa Thụy Điển ở Phần Lan. 

Nhiều hội đoàn đóng góp tự nguyện nhằm phát triển văn hóa nghệ thuật và khoa học ở Phần Lan. (Ảnh tác giả cung cấp)
Nhiều hội đoàn đóng góp tự nguyện nhằm phát triển văn hóa nghệ thuật và khoa học ở Phần Lan. (Ảnh tác giả cung cấp)

Sáng kiến ấy độc đáo của họ (nhất là vào thời điểm lúc bấy giờ) được quảng bá rộng rãi tới công chúng bằng một bài báo của sinh viên sử học L. A. Puutila đăng trên tạp chí Báo ảnh Phần Lan đầu năm 1937.

Không lâu sau, đúng vào Ngày Kalevala (28/2) năm đó, Quỹ Văn hóa Phần Lan đã chính thức ra đời.

Ngân quỹ ban đầu có được là từ sự ủng hộ của một giám đốc ngân hàng và một nhà giáo. Nhưng nguồn tài chính cơ bản dựa vào đóng góp của người dân. 

Với sự tham gia tự nguyện của khoảng 170.000 người dân trong đó có 30.000 học sinh đi gõ cửa từng nhà trên khắp cả nước.

Chỉ một năm sau, năm 1938, Quỹ đã thu được một con số lớn bất ngờ: khoảng 10 triệu markka (tiền Phần Lan dùng trước khi chuyển sang euro năm 2002), tương đương 3 triệu euro [2]. 

Bên cạnh số tiền thu được từ quyên góp, việc hiến tặng của các nhà hảo tâm cũng như đóng góp của các công ty cũng đã nhanh chóng đem lại hiệu quả. 

Nhờ vậy chỉ sau chưa đầy 2 năm ra đời, Quỹ đã có được nguồn kinh phí với 20 triệu markka (gần 7 triệu euro).

Ngày 27/2/1939, Quỹ bắt đầu trao tặng 1 triệu markka đầu tiên cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật và khoa học của Phần Lan.

Vào dịp kỷ niệm 25 năm ra đời của Quỹ (1964), người dân lại tham gia một đợt đóng góp lớn thứ hai cho Quỹ với 560.636 người hưởng ứng và số tiền thu được là 4,3 triệu markka. 

Một năm sau (1965) số tiền Quỹ có được đã lên tới 30 triệu markka (khoảng 10 triệu euro). 

Với sự lớn mạnh nhanh chóng về quy mô, Quỹ bắt đầu thành lập các chi nhánh địa phương vào năm 1953. Đến năm 1971 Quỹ đã có 17 chi nhánh ở các địa phương với quỹ riêng của mình. 

Hàng năm các chi nhánh địa phương chiếm tới 30% tổng số tiền tài trợ của Quỹ với hàng trăm ngàn euro mỗi quỹ một năm.

Nhờ có các quỹ địa phương này mà ngày nay Quỹ Văn hóa Phần Lan đã có mặt và hoạt động khắp nơi trong cả nước. 

Từ số tiền có được do người dân đóng góp và hiến tặng, Quỹ bắt đầu đầu tư để số tiền đó sinh lời rồi dùng số tiền lời thu được tài trợ và chi cho các dự án văn hóa, nghệ thuật và khoa học trong suốt gần 70 năm qua. 

Những năm gần đây, mỗi năm Quỹ tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và khoa học của Phần Lan hàng chục triệu euro, năm sau, nhiều hơn năm trước.

Dân Phần Lan chung sức với nhà nước để phát triển văn hóa như thế nào? ảnh 2

Bữa ăn miễn phí - sản phẩm độc đáo của giáo dục Phần Lan

Năm 2017, số tiền tài trợ của Quỹ là 37 triệu euro (25 triệu từ quỹ trung ương và 12 triệu từ quỹ các địa phương).

Ngày nay Quỹ Văn hóa Phần Lan là một trong những Quỹ tư nhân lớn nhất ở châu Âu về tài sản dựa trên hiến tặng và quyên góp trong vòng 70 năm qua với ngân khoản ở Quỹ Trung ương, 17 Quỹ địa phương và hơn 700 tài trợ mang tên các nhà hiến tặng. 

Để có được một tài trợ mang tên mình (donor fund) thuộc Quỹ Văn hóa, người hiến tặng phải có số tiền hiến tặng từ 100.000 euro trở lên.

Một trong số 700 tài trợ mang tên người hiến tặng tiêu biểu của Quỹ là Quỹ Marjam Helin và Hans Helin. 

Năm 1981, nữ ca sĩ opera Mirjam Helin nổi tiếng đã tặng Quỹ trung ương một số tiền với đề nghị Quỹ Văn hóa Phần Lan sử dụng số tiền đó tổ chức cuộc thi opera quốc tế và giúp đỡ các ca sĩ opera trẻ. 

Từ đó Quỹ mang tên bà (Mirjam and Hans Helin foundation) trực thuộc Quỹ Văn hóa Phần Lan ra đời và năm 1984 cuộc thi hát opera lần đầu tiên đã được tổ chức. 

Cuộc thi hát opera quốc tế mang tên bà được tổ chức năm năm một lần được coi là cuộc thi danh giá nhất về nghệ thuật này trên thế giới. Cuộc thi lần thứ VIII sẽ được tổ chức vào mùa hè năm 2019. 

Ngoài tài trợ, hàng năm Quỹ còn trao tặng ba giải thưởng cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật và khoa học của Phần Lan. Mỗi giải thưởng hiện nay trị giá 30.000 euro.

Các hoạt động khác

Song, không chỉ hỗ trợ về tài chính và trao giải thưởng cho những người hoạt động và có cống hiến cho văn hóa, nghệ thuật và khoa học, Quỹ Văn hóa Phần Lan còn cung cấp kinh phí và phối hợp với nhiều đối tác thực hiện một số dự án liên quan về các lĩnh vực đó. 

Chẳng hạn, hiện nay Quỹ đang thực hiện các dự án sau:

Dân Phần Lan chung sức với nhà nước để phát triển văn hóa như thế nào? ảnh 3

Ở Phần Lan, giáo viên đứng ở vị trí nào?

Lưu giữ và duy trì hoạt động của bộ sưu tập nghệ thuật của bác sĩ Juhani Kirpilä (1931-1988).  

Đáp ứng nguyện vọng của người hiến tặng, từ năm 1992 bộ sưu tập đã được mở cửa phục vụ công chúng miễn phí nhằm khuyến khích niềm say mê nghệ thuật của mọi người [3]. 

Kết hợp với Quỹ Văn hóa Thụy Điển để cung cấp kinh phí và thực hiện dự án Hỗ trợ người nhập cư ở Phần Lan trong việc học tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển để hội nhập vào xã hội Phần Lan với kinh phí 9 triệu euro, trong đó 50% là từ hai Quỹ, còn lại là từ Bộ Kinh tế và Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa và Giáo dục [4].

Từ năm 2006, Quỹ tiến hành dự án “Lưu giữ và phát triển các ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Phần Lan-Ural” với kinh phí 3 triệu euro. 

Mục đích chính của dự án là nhằm duy trì sự tồn tại của phương ngữ Inari (hiện chỉ còn vài chục người nói) của tiếng Sami ít nhất trong vòng 100 năm tới và các ngôn ngữ nhỏ thuộc nhóm Phần Lan-Ural trên phần lãnh thổ thuộc Liên Bang Nga [5].

Nhân kỷ niệm Opera Quốc gia Phần Lan tròn 100 năm (2011), Quỹ Văn hóa Phần Lan đã dành 500.000 euro để trả tiền vé đi lại, xé xem biểu diễn các vở opera nổi tiếng cũng như làm quen với nghệ thuật opera Phần Lan cho 6.500 học sinh lứa tuổi 13 (chiếm 1/10 học sinh ở độ tuổi này trên khắp cả nước). 

Đây là hoạt động độc đáo nhất về lĩnh vực này ở Phần Lan và đem lại hiệu quả rất thiệt thực trong việc nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật opera cho giới trẻ Phần Lan [6].

Dự án “Cơn bão Nghệ thuật”: sáng tạo nghệ thuật sống động cho hàng ngàn bạn trẻ Phần Lan.

Dự án ra đời năm 2008 và đến năm 2011 phát triển thành 87 dự án nghệ thuật với kinh phí 5 triệu euro thu hút 14.000 bạn trẻ trực tiếp tham gia dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp [7].

Dự án sách quốc gia: Từ năm 2009-2011 kết hợp với Hội Văn học tiếng Thụy Điển ở Phần Lan, Quỹ Văn hóa Phần Lan cung cấp khoảng 3,5 triệu euro cho các thư viện công cộng trong cả nước mua thêm sách với điều kiện các cơ quan quản lý thư viện ở các địa phương cũng tăng thêm ngân sách dành cho thư viện của họ. 

Dân Phần Lan chung sức với nhà nước để phát triển văn hóa như thế nào? ảnh 4

Sự nhất quán trong Hệ thống giáo dục ở Phần Lan

Dự án đã đem đến kết quả là ngân sách của các địa phương dành cho thư viện tăng thêm 10% so với trước cùng với 5% nhận được từ Quỹ.

Nhờ vậy thư viện khắp nơi trong cả nước đã mua thêm được khoảng 1 triệu cuốn sách [8].

Dự án “Chứng nhân nghệ thuật” nhằm đưa khoảng 200.000 học sinh và giáo viên lớp 8 trong cả nước đến với các cơ sở nghệ thuật ở Phần Lan, bắt đầu từ mùa thu năm 2017 với tổng kinh phí 20 triệu euro. 

Dự án ra đời sau khi một khảo sát của Quỹ cho thấy 97% hiệu trưởng các trường học ở Phần Lan mong muốn trang bị thêm kiến thức về nghệ thuật cho học sinh song không có kinh phí [9]. 

Quỹ Văn hóa Phần Lan phối hợp với Di sản Fiscarks thực hiện dự án “Tiến tới những ngôi nhà bền vững” năm 2009.

Quỹ đã mời 8 tổ chức thiết kế ở các nước Bắc Âu thiết kế mỗi tổ chức một ngôi nhà bền vững, có giá trị về sinh thái và thích hợp về giá cả. 

Mục đích của dự án là tăng cường sự hợp giữa các kiến trúc sư trong việc thiết kế những ngôi nhà nhỏ nhằm giảm sự tiêu thụ năng lượng [10]. Kinh phí dành cho dự án là 400.000 euro.

Tài liệu tham khảo:

[1] Pasi Sahlberg, Bài học Phần Lan 2.0 – Thế giới học được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan, NXB Thế giới, 2016, (tr.350)

[2] Trong thời gian đó Phần Lan chỉ có khoảng 420.000 học sinh cơ sở trong cả nước.

[3] https://skr.fi/en/cultural-activities/kirpil%C3%A4-art-collection

[4]https://skr.fi/en/cultural-activities/integration-through-better-language-teaching

[5]https://skr.fi/en/cultural-activities/revitalising-small-finno-ugric-languages

[6]https://skr.fi/en/cultural-activities/opera

[7]https://skr.fi/en/cultural-activities/storm-programme-art-creates-well-being-thousands-youngsters

[8]https://skr.fi/en/cultural-activities/national-book-drive

[9]https://skr.fi/en/cultural-activities/art-testers

[10]https://skr.fi/sites/default/files/K3talot-english.pdf

Võ Xuân Quế