Ngày 11/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD hướng dẫn tạm dừng việc đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng năm học 2020-2021 và ngay sau đó thì các Sở Bộ Giáo dục cũng đã hướng dẫn các trường tạm dừng công việc này.
Việc Bộ ban hành văn bản tạm dừng đánh giá chuẩn thực tế không còn tác dụng nhiều vì các trường học mà không chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 thì đã thực hiện đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng từ giữa tháng 5- trước khi nhà trường tổ chức tổng kết năm học.
Song, việc Bộ ra văn bản tạm dừng đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng là một tín hiệu đáng mừng bởi như vậy đã cho thấy lãnh đạo ngành giáo dục cũng nhìn thấy những bất cập trong việc đánh giá chuẩn đang mâu thuẫn với Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Nhưng, nếu như Bộ Giáo dục mạnh dạn bãi bỏ Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và Thông số 14/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông để hạn chế những bất cập đang tồn tại thì sẽ còn tốt hơn nhiều.
Ảnh minh họa: Thanh An |
Hiệu trưởng và giáo viên có cần phải xếp chuẩn hàng năm?
Không phải đến bây giờ, khi mà Bộ Giáo dục ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD thì cán bộ, giáo viên dưới cơ sở mới thấy bất cập mà trước khi xếp chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng như bây giờ thì hàng năm các nhà trường cũng đã từng xếp chuẩn cho giáo viên và hiệu trưởng theo các văn bản hướng dẫn trước đây. Tuy nhiên, việc xếp chuẩn này rất hình thức, chồng chéo không cần thiết.
Bởi, khi giáo viên được tuyển dụng thì các cơ quan tuyển dụng đã rà soát kỹ lưỡng các văn bằng, chứng chỉ theo quy định thì mới tuyển dụng họ.
Những nhà giáo được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thì các cơ quan chức năng đã đưa vào quy hoạch, đưa họ đi học lớp quản lý giáo dục, bồi dưỡng về chính trị theo đúng quy định. Khi mà điều kiện cần và đủ đảm bảo thì Phòng, Sở Giáo dục phối hợp với Phòng, Sở Nội vụ làm các thủ tục cần thiết rồi mới trình Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh (tùy từng cấp quản lý) bổ nhiệm hiệu trưởng.
Điều này cũng đồng nghĩa giáo viên hay hiệu trưởng đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng về văn bằng, chứng chỉ, phẩm chất đạo đức mới được tuyển dụng và bổ nhiệm.
Hàng năm, hiệu trưởng hay giáo viên đều phải thực hiện việc kiểm tra các chuyên đề của cấp trên và đều có biên bản cụ thể lưu hồ sơ công chức, viên chức.
Cuối năm học, hiệu trưởng được xét, phân loại công chức, giáo viên được xét, phân loại viên chức với đầy đủ các mặt ưu điểm, hạn chế trong 1 năm công tác. Những hiệu trưởng, giáo viên mà là đảng viên thì còn có thêm 2 lần kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên trong 1 năm.
Vì thế, mỗi một giáo viên hay hiệu trưởng đều được kiểm tra, đánh giá, xếp loại rất kỹ lưỡng nhiều lần qua từng năm học. Văn bằng, chứng chỉ của hiệu trưởng hay giáo viên thì được lưu hồ sơ cá nhân ở mỗi nhà trường. Lý lịch trích ngang thì cấp quản lý Phòng, Sở đều nắm và lưu quản lý cụ thể.
Đó là chưa kể việc bổ nhiệm ngạch, xếp hạng giáo viên cũng kiểm tra rất kỹ về các loại văn bằng, chứng chỉ của giáo viên, của hiệu trưởng.
Vậy nhưng, hàng năm thì giáo viên còn phải tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp, rồi đến tổ chuyên môn nhận xét, đánh giá và cuối cùng nhà trường lại họp nhận xét, đánh giá một lần nữa mới kết thúc các bước xếp loại.
Vì thế, việc xếp chuẩn nghề nghiệp của giáo viên hàng năm trong những năm qua có tới 3 lần nhận xét, xếp loại: 1 của giáo viên tự nhận xét; 1 của tổ trưởng chuyên môn; 1 của thủ trưởng đơn vị.
Đối với hiệu trưởng thì cá nhân cũng tự nhận xét, sau đó đến giáo viên, các đoàn thể trong trường nhận xét, rồi cuối cùng mới nộp về cấp quản lý trực tiếp là Phòng hoặc Sở tiếp tục nhận xét, xếp loại chuẩn hiệu trưởng.
Tuy nhiên, việc xếp chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng với xếp loại viên chức, xếp loại đảng viên chỉ khác ở chỗ thêm các loại văn bằng, chứng chỉ, còn lại thì na ná như nhau.
Trong khi văn bằng, chứng chỉ thì lưu trong hồ sơ cá nhân và nếu không phải cán bộ quản lý thì cơ bản văn bằng, chứng chỉ của giáo viên đã nộp từ khi ký hợp đồng làm việc lần đầu, nhất là đối với giáo viên trẻ những năm gần đây thì văn bằng chứng chỉ đều đã hoàn thiện đủ từ khi nộp hồ sơ tuyển dụng.
Nhưng, năm nào giáo viên, hiệu trưởng cũng phải phô tô để minh chứng cho các tiêu chí. Đặc biệt là từ khi Bộ tiến hành thực hiện bồi dưỡng trực tuyến về chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên còn phải cập nhật, tải minh chứng lên trên hệ thống TEMIS của phần mềm tập huấn.
Công việc cứ lặp đi, lặp lại như vậy một cách nhàm chán mà gần như không phát huy được hiệu quả của công việc này.
Bộ nên bỏ xếp chuẩn hàng năm đối với giáo viên và hiệu trưởng là hợp lý
Việc Bộ vừa ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD hướng dẫn tạm dừng đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năm học 2020-2021 được xem là Bộ đã cầu thị và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.
Nhưng, sẽ tốt hơn là Bộ cần tính toán đến phương án bỏ hẳn việc xếp chuẩn đối với giáo viên và hiệu trưởng ở các nhà trường hiện nay.
Thứ nhất: theo Luật Giáo dục năm 2019 thì giáo viên cấp mầm non có trình độ đào tạo là cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên từ tiểu học đến trung học cơ sở có trình độ từ đại học sư phạm trở lên nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều giáo viên mầm non đến trung học cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định hiện hành.
Chính vì thế, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và quy định lộ trình nâng chuẩn cho giáo từ năm 2021-2030 gồm có 2 lộ trình cụ thể và các địa phương hiện nay đã đang tiến hành công việc này.
Trong khi đó, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và Thông số 14/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn là nếu có 1 tiêu chí “chưa đạt” thì chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng sẽ bị xếp chung là “chưa đạt”.
Việc chuẩn giáo viên hay chuẩn hiệu trưởng mà xếp loại “chưa đạt” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà giáo trong từng năm công tác vì nó có sự ríc rắc giữa các văn bản với nhau trong việc đánh giá, xếp loại viên chức, xét thi đua…
Thứ hai: việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng hay chuẩn giáo viên trong những năm qua không có hiệu quả mà mất rất nhiều thời gian để giáo viên góp ý, nhận xét, xếp loại cho nhau.
Riêng việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng là giáo viên phải vào trường 1 buổi để đánh giá, rồi cộng trừ các tiêu chí mà giáo viên xếp cho hiệu trưởng, sau đó tổng hợp các ý kiến của cá nhân, đoàn thể nhận xét, góp ý cho lãnh đạo nhà trường.
Đối với chuẩn giáo viên thì giáo viên trong tổ họp 1 buổi góp ý, nhận xét cho nhau. Nhà trường lại họp thêm một buổi để đánh giá, xếp loại. Ngoài ra, giáo viên hay hiệu trưởng còn phải bỏ ra nhiều thời gian để phô tô các minh chứng.
Những tổ trưởng hay hiệu trưởng các trường lớn mất rất nhiều thời gian ngồi nhận xét cho từng cá nhân trong tổ, trong trường sau mỗi năm học nhưng cuối cùng cũng chẳng để làm gì. Năm này qua năm khác, mỗi năm vài tờ giấy đánh giá chuẩn được kẹp vào hồ sơ cá nhân mà thôi.
Hơn nữa, nó đang thể hiện sự chồng chéo trong việc đánh giá, xếp loại hiệu trưởng và giáo viên hàng năm vì nhiều tiêu chí lặp đi, lặp lại không cần thiết trong nhiều loại giấy tờ.
Mỗi giáo viên chỉ cần phô tô 10 tờ A4 để minh chứng cho các tiêu chí trong bộ chuẩn thì cả nước hiện có hơn 1,3 triệu giáo viên sẽ mất gần 20 triệu tờ giấy A4 cho công việc này thật…lãng nhách.
Thiết nghĩ, việc tạm dừng đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên theo văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD trong năm 2020-2021 là cần thiết nhưng cần thiết hơn là Bộ nên nghiên cứu kỹ lưỡng về hiệu quả của công việc này. Nếu thực sự không hiệu quả, hình thức thì nên dừng hẳn việc đánh giá chuẩn hàng năm sẽ thiết thực hơn cho các nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.